Hầu hết các đại biểu QH phát biểu ý kiến nêu rõ dự án Luật được chuẩn bị công phu, đầy đủ; đồng thời bày tỏ sự nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của QH về dự án Luật này.
Về phạm vi, đối tượng điều chỉnh, một số ý kiến nhất trí với quy định của Dự thảo Luật bao gồm cả việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp tư pháp. Tuy vậy, có đại biểu đề nghị phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật không bao gồm việc thi hành các biện pháp tư pháp mà chỉ quy định về tổ chức hoạt động của cơ quan thi hành án hình sự, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành các hình phạt...
Về cơ quan quản lý nhà nước về thi hành án hình sự, Dự thảo Luật quy định giao Bộ Công an giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về thi hành án hình sự. Nhiều đại biểu QH nhất trí với quy định này và cho rằng, thực trạng công tác THAHS nhiều năm qua đã bộc lộ những bất cập, đặc biệt là hiện chưa có một cơ quan được giao thống nhất quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Ngoài hình phạt tù, trục xuất được giao cho Bộ Công an quản lý và tổ chức thực hiện, các hình phạt khác như cảnh cáo; cải tạo không giam giữ; quản chế; cấm cư trú; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; tước một số quyền công dân... hoặc quản lý người được hưởng án treo, hiện chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính, nên hiệu quả thi hành các hình phạt nói trên không cao, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật. Dự thảo Luật quy định về Cơ quan thi hành hình phạt gồm có trại giam; trại tạm giam, nhà tạm giữ... Một số đại biểu đồng ý như dự thảo Luật. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành, trại tạm giam, nhà tạm giữ chỉ có nhiệm vụ quản lý người bị tạm giam, tạm giữ. Ðể phục vụ yêu cầu quản lý đối với người bị tạm giam, tạm giữ, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định số người bị kết án tù có thời hạn từ 5 năm trở xuống được giữ lại chấp hành hình phạt tù tại trại tạm giam với một tỷ lệ nhất định. Giám thị trại tạm giam chịu trách nhiệm về việc quản lý, giam giữ, giáo dục người chấp hành hình phạt tù tại trại tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành án. Như vậy, pháp luật không giao cho trại tạm giam, nhà tạm giữ chức năng là cơ quan thi hành án phạt tù. Việc quy định trại tạm giam, nhà tạm giữ là cơ quan thi hành hình phạt sẽ làm phát sinh quá nhiều cơ quan thi hành hình phạt tù. Vì vậy, dự thảo Luật không nên quy định trại tạm giam, nhà tạm giữ là cơ quan thi hành hình phạt tù, mà chỉ nên quy định trại tạm giam là cơ quan được giao một số nhiệm vụ về thi hành hình phạt tù, có trách nhiệm giúp cơ quan quản lý thi hành hình phạt thực hiện nhiệm vụ quản lý, giáo dục số người bị kết án được giữ lại để chấp hành hình phạt tù tại trại tạm giam.
Buổi chiều, dưới sự điều khiển của các Phó Chủ tịch QH Nguyễn Ðức Kiên, Tòng Thị Phóng; QH thảo luận tại hội trường dự án Luật An toàn thực phẩm (ATTP) và dự án Luật Người khuyết tật (NKT).
Các đại biểu: Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận); Hồ Thị Thu Hằng (Vĩnh Long); Nguyễn Ðình Xuân (Tây Ninh); Ngô Quang Xuân (Ðồng Tháp)... phát biểu ý kiến, cơ bản nhất trí báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH về sự cần thiết ban hành luật, sự phù hợp của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật Việt Nam và quốc tế cũng như tính khả thi của luật. Nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay việc sử dụng thực phẩm trong đời sống sinh hoạt hằng ngày đang là mối lo ngại của toàn xã hội. Những vụ ngộ độc liên quan hàng trăm người xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước, năm sau cao hơn năm trước, đó là sự quan tâm, lo lắng của nhân dân cả nước. Việc ban hành Luật An toàn thực phẩm còn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản thực phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản thực phẩm.
Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến khác nhau về dự án luật này. Một số đại biểu băn khoăn tính khả thi của dự án luật đối với khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Dự án luật chưa cụ thể hóa được việc kiểm tra, giám sát, chưa có chế tài đối với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi trên rau xanh, thuốc tăng trưởng, tăng trọng trong thịt động vật. Vì thế, dự án Luật lần này cần bổ sung quy định riêng đối với thực phẩm tươi sống tại các chợ, siêu thị, quy định phải có giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước về ATTP. Cụ thể hơn, cần có quy định những người trực tiếp bán buôn tại các chợ, đặc biệt các loại rau, củ, quả, phải chứng minh được xuất xứ, nguồn gốc của hàng hóa. Hơn nữa, tại các chợ đầu mối, điểm bán lẻ, siêu thị cần có lực lượng nhân viên, thiết bị kiểm tra tại chỗ vấn đề ATTP, từ đó có căn cứ xử lý nghiêm các vi phạm.
Nội dung quản lý nhà nước về ATTP được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Theo đó, vấn đề quản lý ATTP và sự liên kết liên bộ, liên ngành cần được tăng cường hơn nữa. Theo đại biểu Võ Thị Dễ (Long An), thời gian qua, mặc dù được phân công, nhưng vẫn chưa rõ "ai là nhạc trưởng", và vai trò, trách nhiệm chưa thật sự thể hiện đủ mạnh. Nội dung liên quan trách nhiệm quản lý cần được làm rõ trong dự án Luật, quy định cụ thể trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế, để có đủ quyền hạn trong việc thực thi nhiệm vụ và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước nhân dân. Bên cạnh đó, đề nghị cần làm rõ trong dự án luật vai trò của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương. Một số đại biểu đề nghị trong dự thảo luật cần phân công rõ trách nhiệm của Bộ Y tế là bộ chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về ATTP, còn đối với các bộ khác nên giao Chính phủ phân công cụ thể; đồng thời phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước về ATTP.
Nhiều đại biểu đề nghị cần phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương trong việc quản lý ATTP và đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ hơn về tổ chức, hoạt động của thanh tra chuyên ngành theo hướng thành lập ở trung ương, và cả địa phương; đồng thời quy định việc đầu tư trang thiết bị phù hợp để thực thi nhiệm vụ.
Một trong những nội dung khác được các đại biểu cho nhiều ý kiến là việc xử lý vi phạm. Qua giám sát tối cao tại kỳ họp thứ năm cho thấy, một số mức xử phạt thời gian qua chưa phù hợp, chưa đủ mức răn đe các đối tượng vi phạm. Vì thế, đề nghị các mức xử phạt cần đủ sức răn đe, và nên giao cho địa phương ra quy định phù hợp với hoàn cảnh kinh tế - xã hội theo khung xử phạt chung do Chính phủ ban hành.
Một số đại biểu tán thành với quy định trong dự thảo Luật, sản xuất, kinh doanh thực phẩm bắt buộc phải áp dụng quy chuẩn kỹ thuật. Trong quy chuẩn kỹ thuật đã có quy định về mức, chỉ tiêu, yêu cầu liên quan đến ATTP, bao gồm cả điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm, con người, quy trình sản xuất... Theo phương thức này, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm sẽ đăng ký kinh doanh; tuân thủ bắt buộc quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến bảo đảm ATTP; chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy; công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và chịu trách nhiệm đối với sản phẩm thực phẩm do mình sản xuất ra.
Thảo luận dự án Luật Người khuyết tật, về cơ bản, nhiều đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật này như đã nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban về Các vấn đề xã hội của QH nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước đối với NKT, tiếp tục bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo điều kiện để NKT có cơ hội bình đẳng và từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần.
Một số đại biểu đề nghị dự án luật cần hướng nhiều hơn đến các chính sách hỗ trợ, xóa bỏ rào cản về nhận thức, môi trường để NKT được bình đẳng về cơ hội, có điều kiện để chủ động tham gia đời sống xã hội. Những chính sách đưa ra trong dự thảo Luật phải được rà soát, đối chiếu, bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, sự cân đối, đồng bộ với các đối tượng khác.
Thông cáo số 30 kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XII
Ngày 26-11-2009, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường.
Buổi sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều khiển phiên họp.
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thi hành án hình sự.
Trong buổi làm việc đã có 24 vị đại biểu Quốc hội của 22 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau:- Về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật;
- Cơ quan quản lý nhà nước về thi hành án hình sự;
- Hình phạt tử hình; hình thức thi hành hình phạt tử hình;
- Người có quyết định thi hành án tử hình có nguyện vọng hiến xác, mô, bộ phận cơ thể vì mục đích nhân đạo;
- Việc giải quyết cho nhận thi hài, hài cốt, tro cốt của người bị thi hành hình phạt tử hình;
- Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan thi hành hình phạt, thi hành biện pháp tư pháp;
- Nguyên tắc thi hành án hình sự, thi hành biện pháp tư pháp;
- Những hành vi bị nghiêm cấm trong thi hành án hình sự, thi hành biện pháp tư pháp...
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết thúc phiên họp.
Buổi chiều, từ 14 giờ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Ðức Kiên điều khiển phiên họp.
Quốc hội thảo luận về dự án Luật An toàn thực phẩm.
Trong phần làm việc đã có 14 vị đại biểu Quốc hội của 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau:
- Phạm vi, đối tượng điều chỉnh và tính khả thi của Luật;
- Chính sách của Nhà nước về an toàn thực phẩm;
- Những hành vi bị nghiêm cấm;
- Ðiều kiện đối với bảo quản thực phẩm;
- Ðiều kiện quảng cáo đối với các sản phẩm thực phẩm;
- Ðiều kiện đối với thực phẩm nhập khẩu;
- Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đối với thực phẩm;
- Công tác xã hội hóa về bảo đảm an toàn thực phẩm;
- Cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm;
- Vấn đề quản lý các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố;
- Các chế tài xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm;
- Thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Ðức Kiên phát biểu kết thúc phần thảo luận.
Từ 16 giờ, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều khiển phiên họp.
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Người khuyết tật.
Trong phần làm việc đã có 8 vị đại biểu Quốc hội của 8 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau:
- Giải thích từ ngữ;
- Khái niệm người tàn tật và người khuyết tật;
- Chế độ đối với y, bác sĩ làm công tác khám, chữa bệnh cho người khuyết tật;
- Chính sách khuyến khích sử dụng lao động là người khuyết tật;
- Chế độ nuôi dưỡng người khuyết tật;
- Trách nhiệm của các cơ sở khám, chữa bệnh cho người khuyết tật;
- Vấn đề phục hồi chức năng cho người khuyết tật...
Ngày 27-11-2009, buổi sáng, Quốc hội tiến hành phiên bế mạc kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XII.
Theo Nhandan