Các đại biểu phát biểu ý kiến bày tỏ nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật người khuyết tật như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước đối với người khuyết tật, tiếp tục bổ sung hoàn thiện pháp luật, tạo điều kiện để người khuyết tật có cơ hội bình đẳng và từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần. Về tên gọi của Luật, một số đại biểu QH thống nhất với đề xuất của Ban soạn thảo lấy tên gọi là Luật người khuyết tật vì cho rằng khái niệm "người khuyết tật" mang tính nhân văn sâu sắc, phù hợp quan điểm xã hội đối với người khuyết tật của dự thảo Luật, phù hợp với khái niệm của Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật mà Việt Nam đã ký kết. Có đại biểu đề nghị gọi là Luật người tàn tật vì cho rằng khái niệm "người khuyết tật" rộng hơn khái niệm "người tàn tật" và như vậy các chính sách sẽ phải điều chỉnh với độ bao phủ đối tượng lớn hơn so với hiện nay...
Về đối tượng áp dụng của Luật, một số ý kiến nhất trí với việc đưa người khuyết tật là người nước ngoài vào đối tượng điều chỉnh của Luật. Bên cạnh đó, Khoản 3, Ðiều 1 của dự thảo Luật quy định "Người khuyết tật là người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam được hưởng các chính sách quy định của Luật này, trừ những chính sách dành riêng đối với công dân Việt Nam". Về vấn đề này, có đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần làm rõ thêm chính sách nào là dành riêng cho công dân Việt Nam.
Dự thảo Luật người khuyết tật nêu nguyên tắc "Nhà nước tạo điều kiện để người khuyết tật được học tập phù hợp theo nhu cầu" (Khoản 1, Ðiều 20), đồng thời quy định "Giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục chủ yếu đối với người khuyết tật" (Khoản 2, Ðiều 21). Về vấn đề này, có đại biểu nêu rõ, xây dựng hệ thống giáo dục hòa nhập cần tính tới nhu cầu của bản thân người khuyết tật, điều kiện để bảo đảm như có đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất đối với sinh hoạt của người khuyết tật... Giáo dục hòa nhập phải đi cùng với những hỗ trợ cần thiết thì mới mang lại hiệu quả. Ðề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung những biện pháp hỗ trợ này cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Khái niệm người tàn tật và người khuyết tật được một số đại biểu quan tâm phát biểu ý kiến đóng góp. Theo đó, dự thảo Luật đã tiếp cận khái niệm "người khuyết tật" cả ở góc độ y tế và xã hội, phù hợp với cách tiếp cận của Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ các đặc điểm cơ bản của khái niệm này để tạo ra sự thống nhất trong cách hiểu và áp dụng luật.
Một trong những điểm mới của dự án Luật là có quy định về phân dạng và phân hạng khuyết tật. Việc phân dạng, phân hạng khuyết tật nếu được triển khai trên thực tế sẽ thuận lợi cho công tác tổng hợp, thống kê số liệu, làm cơ sở để xây dựng chính sách và các chế độ trợ giúp phù hợp. Tuy nhiên, có đại biểu cho rằng, mục tiêu quy định việc phân dạng, phân hạng khuyết tật chưa được làm rõ và chưa được thể hiện trong dự thảo Luật, mới dừng lại ở việc nêu tên dạng khuyết tật, đồng thời đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể hạng khuyết tật. Trên thực tế, Pháp lệnh về người tàn tật đã được thực hiện hơn 10 năm nhưng cho đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa ban hành được việc phân hạng theo quy định của Pháp lệnh.
Tại khoản 8, Ðiều 26, dự thảo Luật quy định về chính sách khuyến khích sử dụng lao động là người khuyết tật, theo hướng mở, không đặt thành quy định "cứng". Về vấn đề này, có đại biểu cho rằng quyền được lao động là quyền rất quan trọng đối với người khuyết tật. Nếu không quy định bắt buộc đối với doanh nghiệp thì người khuyết tật khó có cơ hội bình đẳng về việc làm. Do vậy, cần tiếp tục quy định cụ thể trong Luật việc doanh nghiệp phải nhận 2% hoặc một tỷ lệ nhất định người khuyết tật vào làm việc và mở rộng quy định này với cơ quan, tổ chức; bổ sung chế tài; có hình thức khen thưởng hoặc được nhận số tiền trợ giúp từ nguồn Quỹ hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật đối với những doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật cao hơn tỷ lệ quy định. Tuy nhiên, có ý kiến nhất trí với quy định mang tính chất khuyến khích như dự thảo Luật vì cho rằng quy định doanh nghiệp phải nhận một tỷ lệ lao động là người khuyết tật là khó khả thi. Bên cạnh đó, có đại biểu QH nêu rõ việc tạo điều kiện để người khuyết tật có cơ hội việc làm là trách nhiệm xã hội của mọi cơ quan, tổ chức... Vì vậy nên thông qua vận động xã hội mà không nên quy định vào Luật.
Nhiều đại biểu tán thành với việc dự thảo Luật đề ra quy định về nhà ở, công trình công cộng và phương tiện giao thông công cộng dành cho người khuyết tật. Tuy nhiên, đề nghị những việc này cần được thực hiện ngay trong thực tế cuộc sống, không nên đợi triển khai theo quy trình, lộ trình để giúp người khuyết tật có thể nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.
Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Ða số đại biểu cơ bản thống nhất với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH về sự cần thiết ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, vì năng lượng là một ngành then chốt của nền kinh tế, là nguồn lực bảo đảm phát triển kinh tế cũng như đáp ứng các nhiệm vụ an ninh, quốc phòng và nhu cầu rất đa dạng của cuộc sống xã hội. Tuy nhiên, tình trạng lãng phí và sử dụng không hiệu quả năng lượng vẫn xảy ra và việc ban hành Luật này là nhu cầu cấp bách, góp phần thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở nước ta.
Chung quanh tên gọi của Luật vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Một số đại biểu cho rằng tên gọi "Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả" là phù hợp với phạm vi điều chỉnh và nội dung dự thảo Luật. Tuy nhiên, đại biểu Trương Xuân Quý (Tuyên Quang) đề nghị tên gọi là Luật tiết kiệm năng lượng, đại biểu Nguyễn Ðăng Vang (Bình Ðịnh) đề nghị đặt tên là Luật sử dụng năng lượng hợp lý, đại biểu Ðặng Như Lợi (Cà Mau) đề nghị tên Luật là Luật sử dụng điện và nhiên liệu tiết kiệm và hiệu quả.
Về phạm vi điều chỉnh của Luật, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) và một số đại biểu cho rằng, dự thảo Luật chỉ tập trung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân ở giai đoạn sử dụng năng lượng như trong điều 1 là hợp lý. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị bổ sung một số điều về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ; về trách nhiệm của Nhà nước trong việc xây dựng chính sách, biện pháp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; sử dụng hợp lý, hài hòa nguồn năng lượng không tái tạo và năng lượng tái tạo. Ðại biểu Nguyễn Ðăng Vang (Bình Ðịnh) đề nghị phạm vi điều chỉnh của Luật không chỉ điều chỉnh hành vi sử dụng mà còn cả hành vi hoạch định chính sách năng lượng và bảo đảm an ninh năng lượng. Ðại biểu Nguyễn Trung Nhân (Cần Thơ) cho rằng, cần bổ sung trong chương II, mục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công.
Về bố cục của dự thảo Luật, đại biểu Trần Hồng Việt (Hậu Giang) và một số đại biểu cho rằng, dự thảo luật còn dài, quá chung chung, bố cục chưa mạch lạc, hợp lý. Trong dự thảo luật còn quá nhiều từ ngữ mang tính cổ động, hô hào theo kiểu phong trào như khuyến khích, tăng cường, không có tính bắt buộc, rất khó áp dụng khi ban hành luật và việc xử lý các hành vi vi phạm cũng khó khăn. Liên quan đến Ðiều 3, đại biểu Nguyễn Ðức Hiền (Quảng Ngãi) và một số đại biểu cho rằng, cách giải thích từ ngữ còn khó hiểu, cần giải thích cho dễ hiểu. Ðặc biệt, đại biểu Ðặng Như Lợi (Cà Mau) và một số đại biểu đề nghị cần giải thích, làm rõ khái niệm năng lượng trong dự thảo luật.
Ða số ý kiến đại biểu tán thành các chính sách của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nêu tại Ðiều 4 và một số điều trong dự thảo Luật; và đề nghị bổ sung một số quy định về chủ trương, chính sách vĩ mô của Nhà nước như: xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Về quản lý đối với phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng, đại biểu Trương Xuân Quý (Tuyên Quang) và một số đại biểu cho rằng, một bất cập hiện nay nhiều cơ quan không sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do phương tiện, thiết bị còn cũ kỹ, lạc hậu; do đó không chỉ vận động, thuyết phục việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả một cách chung chung mà Nhà nước cần có các biện pháp khuyến khích và chính sách hỗ trợ phù hợp để các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân dùng các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng, tiết kiệm hiệu quả. Việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, công bố áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật nước ngoài phù hợp với điều kiện Việt Nam về hiệu suất năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng là một nhiệm vụ quan trọng và trách nhiệm không chỉ của Bộ Khoa học và Công nghệ, mà còn của một số bộ, ngành khác. Ðại biểu Nguyễn Trung Nhân (Cần Thơ) và một số đại biểu đề nghị chính sách ưu đãi, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần áp dụng cho cả nhà sản xuất và người sử dụng các sản phẩm hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng.
Ðại biểu Vũ Thị Phương Anh (Quảng Nam) đề nghị việc kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không nên chỉ dựa trên báo cáo của các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm mà cần tổ chức đi kiểm tra, đồng thời cần có chế tài nghiêm đối với các hành vi sử dụng năng lượng không tiết kiệm, hiệu quả. Một số đại biểu đề nghị không nên dùng từ tố giác trong Ðiều 6 "tổ chức cá nhân có quyền tố giác các hành vi lãng phí năng lượng" và nên bỏ Ðiều 8: báo cáo thông tin về sử dụng năng lượng. Có đại biểu đề nghị bổ sung nội dung cấm nhập khẩu các dây chuyền gây tiêu hao, lãng phí năng lượng trong Ðiều 10.
Thông cáo số 28 kỳ họp thứ sáu, QH khóa XII
Buổi chiều, ngày 24-11-2009, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Ðức Kiên điều khiển phiên họp.
Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.Trong buổi làm việc đã có 13 vị đại biểu Quốc hội của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau:
- Phạm vi điều chỉnh; tên gọi của Luật;
- Chính sách của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
- Về trách nhiệm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
- Quản lý đối với phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng;
- Biện pháp khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Ðức Kiên phát biểu kết thúc phần thảo luận.
Thứ tư, ngày 25-11-2009, Quốc hội làm việc tại hội trường.
Theo Nhandan