Ða số ý kiến phát biểu đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật này nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, ổn định, có giá trị áp dụng lâu dài để thu hút sự quan tâm, ủng hộ và giúp đỡ của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em, nâng cao trách nhiệm của tất cả các ngành, các cấp, cơ quan, tổ chức và xã hội trong việc bảo đảm quyền của trẻ em; thể hiện sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước đối với công tác bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Ðồng thời, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các cặp vợ chồng trong nước mong muốn có con nuôi; bảo vệ quyền và lợi ích của cha mẹ nuôi, giúp họ ổn định tư tưởng và yên tâm trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc con nuôi như con đẻ và thể hiện sự tôn trọng các cam kết quốc tế của Nhà nước ta đã đưa ra khi tham gia Công ước quốc tế về quyền trẻ em, tôn trọng và bảo đảm các quyền trẻ em...
Thảo luận các vấn đề cụ thể, đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) đồng ý về độ tuổi là trẻ em được nhận làm con nuôi quy định tại Ðiều 14 và Ðiều 30 của dự thảo Luật là từ 15 tuổi trở xuống, trừ một số trường hợp trẻ em bị nhiễm chất độc da cam, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và độ tuổi người nhận con nuôi phải hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên. Ðại biểu Ngô Minh Hồng (TP Hồ Chí Minh) đề nghị cần quy định khoảng cách tuổi người nhận con nuôi và con nuôi là 25 tuổi trở lên mới phù hợp. Và đề nghị không nên thành lập Hội đồng tư vấn giới thiệu trẻ em làm con nuôi, vì khi có hiện tượng tiêu cực xảy ra, thì các thành viên trong hội đồng này không chịu trách nhiệm cá nhân, mà chỉ chịu trách nhiệm tập thể. Do đó đề nghị giao cho Sở Tư pháp các địa phương giới thiệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt làm con nuôi và chịu trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước ở địa phương về vấn đề giới thiệu con nuôi. Một số đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định trẻ em được nhận làm con nuôi là người dưới 16 tuổi để bảo đảm sự thống nhất trong quy định về độ tuổi trẻ em trong hệ thống pháp luật và phù hợp các công ước quốc tế. Nhiều đại biểu cho rằng, việc trẻ em được nhận làm con nuôi ở nước ngoài hay trong nước đều là giải pháp thay thế gia đình, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, do đó đề nghị không nên có sự phân biệt về điều kiện trẻ em được nhận làm con nuôi trong nước và nước ngoài (Ðiều 14 và Ðiều 30) mà nên có một quy định thống nhất. Một số đại biểu đề nghị nâng thời gian thông báo việc nhận con nuôi từ 30 ngày lên 60 đến 90 ngày đối với các tỉnh miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa và đề nghị có quy định con nuôi có quyền biết nguồn gốc của mình. Một số đại biểu đề nghị bổ sung các chế tài để xử lý các trường hợp lợi dụng việc cho, nhận con nuôi để buôn bán trẻ em, có hành vi trục lợi và quy định thêm trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền các cấp trong việc quản lý Nhà nước về việc cho, nhận con nuôi.
Cuối phiên họp buổi sáng, với sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Hùynh Ngọc Sơn, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2010. Các đại biểu đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Ðình Ðàn đọc Tờ trình của Ủy ban Thường vụ QH về Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2010; đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giám sát của QH năm 2009, chỉ rõ một số hạn chế trong công tác này và các giải pháp khắc phục; dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2010 và công tác tổ chức thực hiện.
Tiếp đó, Ủy viên Ðoàn Thư ký kỳ họp Nguyễn Ðức Hiển đọc toàn văn dự thảo Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2010.
QH tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát nói trên, với đa số đại biểu QH tán thành. Theo đó, năm 2010, QH tiến hành giám sát tối cao các nội dung sau đây:
Tại kỳ họp thứ bảy xem xét báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2009; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2010 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật. Chất vấn một số thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về hoạt động quản lý chỉ đạo, điều hành thuộc lĩnh vực phụ trách. Giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với các hệ giáo dục cao đẳng, đại học, sau đại học".
Tại kỳ họp thứ tám xem xét các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011; phân bổ ngân sách Trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2011; các báo cáo công tác của các cơ quan của QH, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật. Chất vấn một số thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành thuộc lĩnh vực phụ trách. Giám sát chuyên đề "Việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010".
Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về dự án Luật Thuế nhà, đất. Ða số đại biểu nhất trí tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật, đồng ý với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH về dự án Luật Thuế nhà, đất, nêu rõ, qua hơn 15 năm thực hiện, với nhiều vấn đề bất cập phát sinh trong quản lý, điều tiết việc sử dụng đất đai, nhiều quy định của Pháp lệnh Thuế nhà, đất chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, nguồn thu ngân sách từ thuế đất không tương xứng với giá trị đất đai; chưa bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Do vậy, việc sửa đổi, nâng cao giá trị pháp lý của Pháp lệnh Thuế nhà, đất là cần thiết, nhằm hoàn thiện một bước khuôn khổ pháp lý về quản lý, sử dụng đất đai, góp phần khuyến khích thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật còn chung chung, trong tổng số 13 điều luật thì có tới 8 nội dung giao Chính phủ hướng dẫn thi hành.
So với Pháp lệnh Thuế nhà, đất hiện hành, Dự thảo Luật bổ sung đối tượng chịu thuế là nhà ở. Về vấn đề này vẫn còn hai luồng ý kiến. Một số đại biểu tán thành việc đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế, vì góp phần tăng cường công tác quản lý, từng bước kiểm soát, điều tiết hợp lý nguồn thu từ nhà ở vào ngân sách Nhà nước; hạn chế tình trạng đầu cơ nhà chung cư (hiện nay số người có nhu cầu ở chung cư ngày càng tăng). Tuy nhiên, có ý kiến lại đề nghị chưa đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế vì khi xây dựng nhà, người dân phải thực hiện nghĩa vụ thuế khi mua nguyên vật liệu xây dựng, thi công xây dựng, nên việc đánh thuế nhà sẽ dẫn đến tình trạng thuế chồng lên thuế, việc kiểm soát diện tích, đánh giá giá trị nhà để tính thuế là vấn đề phức tạp. Ngoài ra, khoản 1, khoản 2, Ðiều 4 Dự thảo Luật quy định tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất thuộc đối tượng chịu thuế là người nộp thuế; trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDÐ) thì người đang sử dụng nhà, đất là người nộp thuế. Có đại biểu dẫn chứng trường hợp một người thuê đất của Nhà nước nhưng không sử dụng, lại cho người khác thuê thì ai sẽ là người nộp thuế. Do đó, cần phải phân định rõ các trường hợp cụ thể nhằm bảo đảm sự công bằng.
Giá tính thuế là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Dự thảo Luật quy định diện tích nhà, đất tính thuế là phần diện tích ghi trong GCNQSDÐ; trường hợp chưa có GCNQSDÐ là diện tích thực tế đang sử dụng. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng quy định nói trên chưa chặt chẽ, vì không phải trong mọi trường hợp diện tích ghi trong GCNQSDÐ cũng bằng diện tích thực tế, tình trạng cơi nới, lấn chiếm nhà vẫn đang xảy ra, nhất là ở các khu tập thể cũ và phần diện tích này không nằm trong phần diện tích ghi trong GCNQSDÐ. Mặt khác, một người có GCNQSDÐ sẽ chỉ phải nộp thuế theo diện tích ghi trên giấy chứng nhận, còn người chưa có GCNQSDÐ thì phải nộp theo diện tích thực tế đang sử dụng, nên dễ phát sinh không công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế. Về giá tính thuế đối với đất xây dựng nhà nhiều tầng, nhiều hộ ở, nhà chung cư; các đại biểu không đồng tình với quy định nhà ở tầng càng cao số thuế phải nộp càng thấp, mà cần phải xem xét lại vì quy định nói trên chỉ phù hợp với những chung cư cũ, còn thực tế các chung cư hiện đại thì căn hộ ở tầng cao có giá cao hơn căn hộ ở tầng thấp. Các đại biểu cũng không tán thành với quy định: "Trường hợp có quyền sở hữu nhiều nhà, quyền sử dụng nhiều thửa đất thì giá tính thuế là tổng giá trị các nhà ở chịu thuế, diện tích chịu thuế là tổng diện tích các thửa đất ở có quyền sử dụng". Có đại biểu dẫn chứng, một người sinh sống ở Hà Nội nhưng có nhà, đất ở nhiều nơi như TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế... thì hạn mức sử dụng khác nhau, giá trị tính thuế khác nhau, nếu cộng dồn nhà, đất để tính thuế sẽ rất phức tạp và không công bằng. Một số đại biểu bày tỏ băn khoăn việc quy định chu kỳ tính thuế ổn định 5 năm là chưa thống nhất với quy định liên quan đến thời hạn xác định giá đất trong hệ thống pháp luật, không phù hợp với biến động của thị trường đất đai, vì giá của 1m2 đất tính thuế là giá đất do UBND cấp tỉnh quy định, trong khi đó hằng năm, UBND cấp tỉnh ban hành khung giá đất để áp dụng cho năm hiện hành.
Mục tiêu đề ra của Dự thảo Luật là quản lý, sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả và hạn chế đầu cơ nhà, đất. Nhưng nhiều đại biểu băn khoăn, mức thuế suất được quy định trong Dự thảo Luật còn thấp, chưa đủ mạnh để góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ đất đai, khuyến khích thị trường bất động sản phát triển lành mạnh do số tiền thuế phải nộp không đáng kể so với lợi nhuận thu được từ đầu cơ nhà, đất (mức khởi điểm là 0,03%; phần vượt hạn mức nhưng không quá 3 lần hạn mức thuế suất 0,06%; phần diện tích vượt trên 3 lần hạn mức thuế suất 0,09%). Các đại biểu đề nghị phải nâng cao mức thuế suất và giá trị nhà, đất càng lớn thì thuế suất càng cao. Theo quy định của dự thảo, nhà có giá trị hơn 500 triệu đồng thuộc diện chịu thuế, nhưng thực tế với mức khởi điểm này, phần lớn nhà ở hiện nay không thuộc đối tượng chịu thuế vì có rất ít nhà ở nông thôn có giá trị tới 500 triệu đồng phải nộp thuế, đối tượng phải chịu thuế lại là nhà ở thành thị, mức giá nói trên có thể phù hợp với thời điểm hiện tại, nhưng khi có những yếu tố nảy sinh như trượt giá lại phải điều chỉnh. Có đại biểu đề nghị không nên quy định nhà theo giá trị tiền mà có thể tính theo loại nhà (cấp 1, cấp 2, nhà cấp 4, biệt thự...) để việc thực hiện thu thuế khả thi. Nhiều đại biểu cho rằng, nên tính toán, điều tiết để mỗi người dân có một căn nhà ở bình thường không phải nộp thuế, ai có thêm những tài sản là nhà, đất khác mới phải nộp thuế.
Dự thảo Luật quy định giá tính thuế của 1 m2 nhà ở được xác định theo tỷ lệ phần trăm trên đơn giá 1 m2 xây dựng của nhà mới cùng loại do UBND cấp tỉnh quy định. Một số đại biểu cho rằng, việc xác định giá tính thuế đối với nhà ở cũng cần tính đến các yếu tố cấu thành giá trị nhà như vị trí, địa thế của từng căn nhà. Các đại biểu cũng cho rằng, phạm vi miễn, giảm thuế quy định trong Dự thảo Luật còn rộng, rất dễ tạo ra kẽ hở để các đối tượng đầu cơ nhà, đất mượn danh của những người được miễn, giảm thuế đứng tên để được hưởng ưu đãi.
Theo Nhandan