Buổi sáng, các đại biểu thảo luận về các báo cáo của UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục thi hành án dân sự và 2 tờ trình về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tờ trình về việc thành lập phòng dân tộc thuộc UBND huyện Nho Quan.
Tại các tổ thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung các báo cáo về tình hình nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm. Các đại biểu cho rằng báo cáo đã đánh giá đúng, sát, toàn diện tình hình, đặc biệt là công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh trong 6 tháng đầu năm đã kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Việc thực hiện Nghị quyết 13 và các Nghị quyết, chỉ thị của chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.
Công tác phối hợp giữa UBND tỉnh với Thường trực HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQVN tỉnh, các cơ quan có liên quan trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được thực hiện thường xuyên có hiệu quả.
Về giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm, một số ý kiến cho rằng cần tăng cường công tác thanh tra kiểm tra giám sát trên 1 số lĩnh vực về pháp luật an toàn lao động, về nợ đọng BHXH, quản lý nhà nước về vấn đề gia đình, vấn đề văn minh tại các khu du lịch, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho các chủ doanh nghiệp; có giải pháp cụ thể giải quyết vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản cấp huyện, xã; chú trọng công tác vệ sinh môi trường; đánh giá đúng thực trạng, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính; tăng cường áp dụng KHKT, đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục có sự đổi mới trong tiếp xúc cử tri theo hướng mở rộng đối tượng, chú trọng đối tượng công nhân lao động và các chủ doanh nghiệp...
Buổi chiều, các đại biểu tiếp tục thảo luận tổ về các tờ trình, đề án trình tại kỳ họp. Các đại biểu cơ bản nhất trí với các tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp, đồng thời tập trung thảo luận, làm rõ một số vấn đề cụ thể.
Về Đề án, dự thảo nghị quyết về việc đề nghị phê duyệt bổ sung giá đất các khu công nghiệp vào bảng giá các loại đất năm 2012, căn cứ các quyết định hiện hành và tình hình thực tế, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét phê duyệt bổ sung giá đất tại 3 khu công nghiệp: Gián Khẩu, Khánh Phú, Tam Điệp vào bảng giá các loại đất năm 2012 trên đại bàn tỉnh để làm cơ sở tính tiền sử dụng đất đối với các nhà đầu tư. Một số đại biểu cho rằng nên áp dụng mức giá thấp để thu hút đầu tư cho tỉnh.
Về Đề án, dự thảo nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thị trấn Yên Thịnh, trên cơ sở sáp nhập toàn bộ hiện trạng xã Yên Phú và một phần diện tích đất tự nhiên, dân số của xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô, các đại biểu cho rằng việc điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thị trấn Yên Thịnh là phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH của huyện Yên Mô và quy hoạch tổng thể hệ thống phát triển đô thị tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050; đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân huyện Yên Mô. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị sau khi Nghị quyết được phê duyệt, cần sớm hoàn thiện đề án phê duyệt quy hoạch chung thị trấn Yên Thịnh đến năm 2030.
Về Đề án, dự thảo nghị quyết về việc ban hành Nghị quyết quy định về đối tượng, mức đóng góp quỹ Quốc phòng - an ninh ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, các đại biểu cho rằng Đề án phù hợp với tình hình thực tiễn; mức đóng góp 15.000 đồng/người/năm là phù hợp với mức thu nhập của người dân.
Về Đề án, dự thảo nghị quyết về việc phê duyệt Đề án phát triển truyền hình Ninh Bình, nâng cao chất lượng chương trình để quảng bá trên vệ tinh và truyền hình cáp Việt Nam giai đoạn 2012-2015, các đại biểu cho rằng trong lộ trình thực hiện Đề án, cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, nâng cao chất lượng chương trình phát sóng…
Về Đề án, dự thảo nghị quyết về việc đề nghị phê duyệt mức giá các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh áp dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước thuộc tỉnh Ninh Bình, đa số các đại biểu cho rằng mức giá đề xuất của 921 dịch vụ ở mức bình quân 66,02% so với mức giá tối đa và 70 dịch vụ kỹ thuật mới ở mức bình quân 66,35% so với mức giá của các dịch vụ kỹ thuật tương đương là phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH của tỉnh và mức thu nhập của người dân. Từ đó có nguồn thu hợp lý để phát triển kỹ thuật, mua sắm trang thiết bị..., góp phần nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, thúc đẩy phát triển BHYT toàn dân theo lộ trình. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng nên hạ thấp mức giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh mà người dân thường xuyên sử dụng…
Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu cũng đóng góp một số ý kiến vào các Đề án, dự thảo nghị quyết, đó là: Đề án, dự thảo nghị quyết về việc ban hành quy định danh mục mức thu và quản lý, sử dụng các khoản phí đấu giá trên địa bàn tỉnh Ninh Bình thay thế quy định mức thu và quản lý, sử dụng phí đấu giá quy định tại Nghị quyết số 22/2011/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; Đề án, dự thảo nghị quyết về việc ban hành Nghị quyết về hỗ trợ kinh phí đối với các trường học được công nhận đạt chuẩn Quốc gia từ năm 2012 đến năm 2015; Đề án, dự thảo nghị quyết về việc quy định số lượng và mức phụ cấp hàng tháng đối với Trưởng ban Công tác mặt trận, chi hội trưởng chi hội Cựu chiến binh, chi hội trưởng chi hội nông dân, chi hội trưởng chi hội phụ nữ, Bí thư chi đoàn thanh niên ở thôn, tổ dân phố; Đề án, dự thảo nghị quyết về việc thành lập Phòng Dân tộc thuộc UBND huyện Nho Quan; Đề án, dự thảo nghị quyết về việc quy định chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; Đề án, dự thảo nghị quyết về việc bãi bỏ Nghị quyết số 09/2008/NQ-HĐND ngày 8/7/2008 của HĐND tỉnh Ninh Bình về việc ban hành quy định về quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước đảm bảo cho công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp ở địa phương.
Ngày 19-7, HĐND tỉnh tiếp tục làm việc.
Quỳnh Thu - Ngọc Minh