Trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, Sở Y tế đã tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch giai đoạn có ý nghĩa quan trọng đối với định hướng phát triển của ngành. Nổi bật là các Kế hoạch về tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025; Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn 2025; Chiến lược quốc gia về phòng chống các bệnh không lây nhiễm đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; các kế hoạch về chương trình sữa học đường, chăm sóc người cao tuổi, về phòng chống mù lòa, công tác DS-KHHGĐ, về quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm Y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc tỉnh Ninh Bình quản lý. Đặc biệt, đã tổ chức sáp nhập 5 Bệnh viện huyện và Trung tâm y tế huyện (trừ Nho Quan, Kim Sơn và TP Ninh Bình) thành Trung tâm y tế 2 chức năng, làm cả nhiệm vụ y tế dự phòng và khám, chữa bệnh, đồng thời quản lý các trạm y tế xã đảm bảo tinh gọn bộ máy y tế cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động; giảm đầu mối các đơn vị, các khoa phòng; tập trung được cơ sở vật chất, nhân lực cho công tác dự phòng và điều trị, khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng nhiệm vụ và tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý, chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ.
Điểm nổi bật trong năm 2017 là ngành Y tế đã duy trì tốt công tác giám sát thường xuyên các bệnh truyền nhiễm tại các bệnh viện và phòng khám đa khoa khu vực; giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại cộng đồng; tổ chức, chủ động phòng chống các dịch bệnh theo mùa đông xuân, dịp Tết nguyên đán, dịch bệnh mùa hè. Chuẩn bị sẵn sàng thuốc, hóa chất và phương tiện phòng chống dịch để ứng phó khi có dịch xảy ra. Trong năm không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn; không phát hiện các ca bệnh: Tả, thương hàn và phó thương hàn, viêm não virus, bạch hầu, uốn ván sơ sinh, rubella, cúm A (H5N1), dịch hạch, bệnh than, Leptospira; 19/28 bệnh truyền nhiễm có số ca mắc giảm hoặc tương đương so với cùng kỳ 2016 và 9/28 bệnh ghi nhận số ca mắc tăng so với năm 2016. Riêng bệnh sốt xuất huyết ghi nhận số trường hợp tăng đột biến nhưng được ngành chỉ đạo tổ chức triển khai phòng chống kịp thời, không để xảy ra dịch trên diện rộng, không ghi nhận trường hợp tử vong.
Nội soi tại Bệnh viện đa khoa tỉnh
Công tác khám, chữa bệnh đã có bước chuyển tích cực: Không có tình trạng nằm ghép giường tại các cơ sở y tế; nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao đã được đẩy mạnh ứng dụng trong khám chữa bệnh; chất lượng bệnh viện có những bước cải tiến rõ rệt, sự hài lòng của người dân với dịch vụ y tế tăng lên. Các chỉ tiêu tổng hợp như số lần khám bệnh, số bệnh nhân nội trú, ngoại trú, số phẫu thuật, thủ thuật, chẩn đoán, xét nghiệm,… đều tăng so với năm 2016. Toàn ngành đã khám cho trên 986 nghìn lượt người bệnh, điều trị nội trú cho gần 164 nghìn lượt bệnh nhân... Công suất sử dụng giường bệnh kế hoạch tiếp tục tăng do nhu cầu điều trị của người dân ngày càng cao. Các bệnh viện cũng đã tích cực triển khai áp dụng kỹ thuật mới vào khám, chẩn đoán và điều trị. Toàn ngành đã triển khai 61 kỹ thuật mới, bệnh viện tuyến tỉnh triển khai 32 kỹ thuật, bệnh viện tuyến huyện 29 kỹ thuật). Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật mũi nhọn được triển khai tại các bệnh viện như: Tán sỏi thận qua da, Điều trị u xơ tiền liệt tuyến bằng Laser, Tạo hình thân đốt sống bằng bơm xi măng sinh học có bóng, Bơm tinh trùng đã lọc rửa vào buồng tử cung, Thở máy HFO trong nhi khoa ... Kết quả đánh giá các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh và huyện theo Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện Việt Nam năm 2017: Điểm trung bình đạt 2,99/5,0 điểm (năm 2016 đạt 2,8 điểm), tỷ lệ tiêu chí mức 1 tại hầu hết các đơn vị giảm, tiêu chí mức 4-5 tăng so với năm 2016.
Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực được ngành Y tế quan tâm đầu tư nhằm liên lục nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu KCB ngày càng cao của nhân dân và sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại. Năm 2017, toàn ngành có 287 cán bộ được cử đi đào tạo đại học, sau đại học; đồng thời cử hàng nghìn lượt cán bộ tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn ở tuyến trên theo các dự án, đề án nhằm nâng cao tay nghề, đặc biệt tích cực triển khai đề án Bệnh viện vệ tinh nhằm tiếp nhận, chuyển giao kỹ thuật hiện đại và nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế các tuyến. Công tác tuyển dụng, điều động, bổ nhiệm công chức, viên chức được thực hiện theo đúng quy trình; đảm bảo thực hiện tốt chế độ chính sách và tiền lương cho công chức, viên chức và lao động. Công tác nghiên cứu khoa học tiếp tục được đẩy mạnh, nhiều đề tài có tính ứng dụng thực tiễn đã được triển khai. Năm 2017, toàn ngành đã có 287 đề tài, sáng kiến đăng ký thực hiện, trong đó có 5 đề tài cấp tỉnh, 29 đề tài cấp ngành, 250 đề tài cấp cơ sở và 3 sáng kiến cải tiến kỹ thuật cấp tỉnh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành và triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn tiếp tục được tăng cường.
Công tác quản lý dược được tăng cường, trong năm tiếp tục tổ chức thẩm định cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đấu thầu thuốc, sinh phẩm, vật tư tiêu hao tập trung cho các cơ sở y tế công lập từ năm 2017-2019. Thường xuyên kiểm tra quy chế dược, giá thuốc, kiểm nghiệm chất lượng thuốc trên thị trường. Hệ thống kiểm nghiệm thuốc tiếp tục được củng cố, đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất. Công tác kiểm nghiệm chất lượng thuốc được tăng cường và có định hướng, có trọng tâm, trọng điểm. Trong năm, tổ chức kiểm tra 197 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh, bảo quản, phân phối và sử dụng thuốc; phát hiện và xử lý 172 loại thuốc hết hạn sử dụng tại 22 cơ sở. Kết quả kiểm nghiệm chất lượng thuốc, phát hiện 39/1.119 mẫu thuốc, chiếm 3,5% không đạt tiêu chuẩn về chất lượng.
Mặc dù vẫn còn những khó khăn và tồn tại do khách quan và chủ quan, nhưng với 8/11 chỉ tiêu đạt và vượt trong năm 2017, Sở Y tế được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc; nhiều tập thể và cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế tặng Cờ thi đua xuất sắc, Bằng khen, danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc. Hàng chục tập thể, cá nhân được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc, Bằng khen và hàng trăm tập thể, cá nhân được Sở Y tế tặng Giấy khen do có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua năm 2017.
Năm 2018, là năm thứ 3 và năm giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của tỉnh và thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, Ngành Y tế đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh, dịch bệnh, góp phần tăng tuổi thọ, nâng cao các chỉ số sức khỏe cơ bản của người dân đã đề ra tại Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Thường vụ tỉnh ủy Ninh Bình về Tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế cơ sở, tạo nền tảng vững chắc để phát triển hệ thống y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng và bền vững, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Trong đó đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu như: Không để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh; tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt trên 95%; tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế đến hết năm 2018 là 85%; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 91%; giường bệnh kế hoạch trên 10 nghìn người dân đạt 27,6 giường; tỷ lệ bác sĩ trên 10 nghìn dân đạt 11,5, dược sĩ đạt trên 1,8; khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư <>
Vũ Văn Cẩn
Phó Giám đốc Sở Y tế