Sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, ngành Y tế Ninh Bình không ngừng lớn mạnh về tổ chức bộ máy, cán bộ và hoạt động; nhiều thành tựu của y học hiện đại đã được ứng dụng hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đa dạng hóa các hoạt động, xã hội hóa công tác y tế, nên công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã tiến một bước dài, bao gồm hệ thống cơ sở y tế công lập và y tế tư nhân. Mạng lưới tổ chức bao gồm: 7 Bệnh viện tuyến tỉnh, 11 Chi cục và Trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh, 1 trường Cao đẳng Y tế, 7 Bệnh viện Đa khoa huyện/thành phố, 8 Trung tâm Y tế, 12 Phòng khám Đa khoa khu vực và 145 Trạm Y tế xã/phường/thị trấn. Thực hiện các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 46-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân của ngành Y tế trong những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực. Đáng chú ý là sự tăng nhanh các chỉ tiêu: Số bác sỹ/vạn dân là 9,6, số dược sỹ đại học/vạn dân là 1,7; số giường bệnh/vạn dân là 26,8. Tỷ lệ mắc bệnh và tử vong giảm, nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng giống nòi. Số trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ luôn được duy trì ở mức từ 98% trở lên, không có tai biến do tiêm chủng. Ngành đã kiểm soát và khống chế tốt các loại dịch bệnh, không có dịch lớn xảy ra. Một số loại dịch bệnh như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, Cúm A, Ebolla, Mers-Cov… đã được khống chế và kiểm soát.
Tỷ lệ xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020 tăng từ 27,6% lên 53,8%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm 2015 đạt trên 70% số dân, từng bước phấn đấu đạt mục tiêu BHYT toàn dân. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được kiểm soát. Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt, ngành còn chú trọng đến công tác truyền thông GDSK, nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh trong nhân dân.
Việc đổi mới, hiện đại hóa trang thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh là vấn đề ưu tiên hàng đầu của ngành Y tế. Một số chính sách về nâng cao chất lượng dịch vụ được ban hành và triển khai thực hiện mang lại hiệu quả cao, như Đề án 1816 của Bộ Y tế về cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Cơ sở vật chất-kỹ thuật ngành y tế được tăng cường đầu tư xây dựng, cải tạo, mở rộng, nâng cấp trang thiết bị y tế ngày càng được bổ sung, tạo điều kiện phát triển các kỹ thuật y tế, giúp cho người dân tiếp cận các kỹ thuật y tế có chất lượng tốt hơn. Chất lượng khám chữa bệnh ở các tuyến được nâng cao, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hàng năm, các cơ sở y tế đã khám cho gần 850 nghìn lượt bệnh nhân, điều trị nội trú cho gần 145 nghìn lượt, điều trị ngoại trú cho gần 90 nghìn lượt…
Đối với các bệnh viện, năm 2015 đã tích cực triển khai áp dụng kỹ thuật mới vào khám, chẩn đoán và điều trị. Tổng số kỹ thuật mới triển khai là 75, trong đó, bệnh viện tuyến tỉnh 58 kỹ thuật, bệnh viện tuyến huyện 17 kỹ thuật. Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật mũi nhọn được triển khai tại các bệnh viện như: Đo tải lượng virus trong điều trị viêm gan mãn, truyền máu hoàn hồi trong phẫu thuật nội soi điều trị vỡ ngoài tử cung, chụp động mạch thận số hóa xóa nền và đặt Stent, phẫu thuật nội soi cắt đại tràng, cắt u tuyến dưới hàm, điều trị u máu bằng nội khoa... Duy trì tốt quy chế chuyên môn, quy chế giao tiếp ứng xử, nâng cao y đức, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, cải tiến chất lượng bệnh viện theo Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện. Thực hiện tốt Thông tư 07 về quy tắc ứng xử và Quyết định 2151 của Bộ Y tế về đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án Bệnh viện vệ tinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản Nhi với 5 chuyên khoa: Ngoại - Chấn thương, Ung bướu, Tim mạch, Sản và Nhi.
Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực luôn được ngành Y tế quan tâm đầu tư nhằm liên lục nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu KCB ngày càng cao của nhân dân và sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại. Công tác quản lý dược được tăng cường, chất lượng thuốc đáp ứng nhu cầu phòng và chữa bệnh cho các tuyến trên địa bàn tỉnh. Hệ thống kiểm nghiệm thuốc từng bước được củng cố đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất. Công tác quản lý chất lượng thuốc được tăng cường và có định hướng trọng tâm, trọng điểm; đã tổ chức tốt việc thông tin, giám sát, kiểm tra thuốc lưu hành trong các cơ sở khám chữa bệnh và trên thị trường, do đó tỷ lệ thuốc không đạt chất lượng giảm so với năm 2014.
Ghi nhận những đóng góp của ngành Y tế Ninh Bình, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho các tập thể và cá nhân nhiều phần thưởng cao quý. Toàn ngành có 3 Thầy thuốc nhân dân, 62 Thầy thuốc ưu tú. Ngành Y tế được tặng Huân chương Độc lập hạng Ba. Từ năm 2010-2015, hàng trăm tập thể và cá nhân có thành tích trong công tác được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và UBND tỉnh tặng Cờ thi đua, Bằng khen.
Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở Y tế nhiệm kỳ 2015-2020, ngành Y tế quyết tâm phấn đấu xây dựng hệ thống y tế tỉnh theo hướng chất lượng, hiệu quả, công bằng và bền vững. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; trước hết là nêu cao tinh thần phục vụ người bệnh, đẩy nhanh ứng dụng kỹ thuật hiện đại, công nghệ cao, mở rộng dịch vụ, nâng cao chất lượng khám và điều trị, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao ở nơi gần nhất.
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của ngành cả về chuyên môn và ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân. Thường xuyên giáo dục đội ngũ cán bộ, thầy thuốc thực hiện tốt lời dạy của Bác "Lương y phải như từ mẫu", gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành, kịp thời nêu những tấm gương thầy thuốc điển hình tiên tiến để nhân rộng.
Quan tâm thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, nâng cao chất lượng thực hiện các chương trình y tế quốc gia, chương trình y tế cộng đồng. Tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe trên các phương tiện thông tin đại chúng, cung cấp cho người dân kiến thức y học thường thức và kiến thức cơ bản về phòng chống bệnh dịch, về an toàn vệ sinh thực phẩm... Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Thực hiện tốt chủ trương hỗ trợ bảo hiểm y tế cho các đối tượng theo quy định, tiến tới thực hiện BHYT toàn dân.
Mỹ Hạnh - Kim Thoa