Là đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì, ngành y tế Ninh Bình đã chủ động, tích cực và quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương thông tin rộng rãi tình hình dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp người dân nắm bắt, nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh, không tin vào những thông tin thất thiệt, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến cuộc sống, trật tự an toàn xã hội.
Là một trong những cơ sở y tế khám, chữa bệnh tuyến đầu của tỉnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cho từng bộ phận trực, tăng cường, sẵn sàng các điều kiện cho công tác khám, sàng lọc, thu dung, điều trị bệnh nhân khi mắc bệnh, có dịch bệnh xảy ra. Bệnh viện đã chuẩn bị khu vực cách ly, buồng bệnh dự trù với 30 giường, đủ cơ số thuốc cho công tác khám, điều trị...
Đồng thời tiến hành kiểm tra, rà soát lại các phương tiện, trang thiết bị máy móc, vật tư y tế, kịp thời mua sắm, bổ sung hoặc tiếp nhận điều chuyển từ các cơ sở y tế khác về. Cùng với đó, Bệnh viện thành lập các Đội phòng chống dịch cơ động của bệnh viện, cấp đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn cho cán bộ, y bác sĩ, các khoa phòng, sẵn sàng cho nhiệm vụ cấp cứu, điều trị khi có các ca nhiễm bệnh...
Bác sỹ Trần Thị Thu Hiền, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh do nCoV, Bệnh viện đã thường xuyên có các cuộc họp đột xuất triển khai nhiệm vụ, đồng thời chỉ đạo các khoa, phòng, đội ngũ y, bác sĩ lên kế hoạch, bố trí người, sẵn sàng tăng cường nhân lực, phương tiện khi cần.
"Chúng tôi cũng được tập huấn, hướng dẫn để hiểu về nCoV, đồng thời tự tìm hiểu, nắm bắt thông tin để biết thêm về chủng vi rút mới này, từ đó có cách tự bảo vệ bản thân khi có ca bệnh, không chỉ phòng bệnh cho mình, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện, mà còn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích cho những người bệnh đang điều trị tại khoa, tại bệnh viện không hoang mang, lo lắng trước dịch bệnh, thực hiện nghiêm các quy định, chỉ đạo của Bộ Y tế trong công tác phòng chống, điều trị dịch bệnh viêm phổi cấp do nCoV gây ra..." - bác sĩ Trần Thị Thu Hiền cho biết thêm.
Bác sĩ Phạm Thị Phương Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguy cơ lây nhiễm cao, Sở Y tế đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ngành Y tế; kịp thời ban hành các văn bản, kế hoạch chỉ đạo về phòng, chống bệnh viêm phổi cấp do nCoV, gửi các Trung tâm y tế, các cơ sở khám chữa bệnh và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, yêu cầu triển khai các hoạt động nhằm phát hiện sớm và chuẩn bị tốt việc phòng, chống dịch bệnh.
Ngành cũng chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ vật dụng, cơ số thuốc; thành lập Đội phản ứng nhanh nội viện, ngoại viện, sẵn sàng hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới khi cần; tổ chức tập huấn hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật cho các cơ sở y tế để thực hiện nhiệm vụ.... Đồng thời, thiết lập đường dây điện thoại nóng tại Sở Y tế và tại tất cả các đơn vị y tế từ tỉnh đến cơ sở để báo cáo diễn biến dịch bệnh, tiếp nhận và xử lý thông tin liên quan đến dịch bệnh....
Đặc biệt, ngành Y tế cũng chủ động và phối hợp nâng cao công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, nếu thấy nghi ngờ trường hợp viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân, cần cách ly tạm thời, thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để lấy mẫu xét nghiệm nhằm chẩn đoán kịp thời, không để dịch xâm nhập, lây lan ra diện rộng; thực hiện giám sát y tế chặt chẽ đối với những người đi/về từ vùng dịch, không để dịch lây lan, hạn chế tối đa số ca mắc và tử vong.
Trước đó, Sở Y tế đã thành lập các Đoàn kiểm tra của ngành, tiến hành giám sát, kiểm tra, nắm bắt tình hình triển khai, thực hiện công tác phòng, chống bệnh viêm phổi cấp do nCoV tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Bệnh viện đa khoa tỉnh. Qua đó cho thấy, các đơn vị đã triển khai, thực hiện nghiêm túc các hoạt động phòng, chống dịch.
Ngành Y tế cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác truyền thông nhằm phát hiện, phòng chống bệnh viêm phổi cấp do nCoV trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp có biểu hiện hoặc nghi ngờ viêm đường hô hấp cấp không rõ nguyên nhân tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh; thực hiện tốt công tác giám sát, xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo hộ sẵn sàng ứng phó khi có các tình huống xảy ra....
Đặc biệt, ngày 31/1, trước thông tin báo về 2 trường hợp nghi nhiễm bệnh nCoV tại xã Văn Phong (huyện Nho Quan) và thị trấn Yên Ninh (huyện Yên Khánh) do 1 người tiếp xúc gần với người dương tính với nCoV và 1 người đến từ vùng dịch tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, ngay sau đó, ngành Y tế tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức cách ly 2 bệnh nhân tại nhà để theo dõi; lấy mẫu bệnh phẩm đường hô hấp trên và máu của 2 bệnh nhân gửi đi xét nghiệm.
Với người nhà ở cùng, người tiếp xúc gần với bệnh nhân, lập danh sách, yêu cầu cách ly, hạn chế tiếp xúc với người khác, đồng thời thông tin thường xuyên tình trạng sức khỏe đến các cơ sở y tế tại địa phương. Đồng thời, thành lập 2 đội chống dịch cơ động phản ứng nhanh, thực hiện các bước khoanh vùng, cách ly bệnh nhân, tiến hành phun hóa chất cloramin B 0,5% tại khu vực bệnh nhân đang sinh sống và làm việc.
Đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tránh gây hoang mang, lo lắng cho người dân. Đồng thời, giám sát chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc gần và những người có tiền sử đi từ Trung Quốc về Việt Nam trong vòng 14 ngày...
Cũng theo bác sĩ Phạm Thị Phương Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình, bệnh viêm phổi cấp do nCoV gây ra cho đến hiện tại chưa có thuốc đặc hiệu điều trị căn bệnh này, vì thế việc điều trị vẫn dựa trên phòng bệnh, phát hiện điều trị triệu chứng và biến chứng. Do đó người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế, thực hiện các yêu cầu cơ bản để giảm nguy cơ nhiễm bệnh, như đeo khẩu trang đúng cách; giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cơ thể; không đến nơi đông người; tránh tiếp xúc gần với người bị sốt, ho; thực hiện ăn chín uống sôi...; đặc biệt không hoang mang, lo lắng quá và cũng không lơ là, coi nhẹ bệnh dịch, chủ động các biện pháp phòng bệnh cho mình, người thân và cộng đồng, không để dịch bệnh xuất hiện và lây lan rộng ra cộng đồng.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh