Mạng lưới y tế hiện nay của tỉnh được đánh giá là cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Toàn tỉnh có 8 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa và trung tâm tuyến tỉnh, 7 bệnh viện đa khoa và trung tâm y tế các huyện, thành phố, 11 phòng khám đa khoa khu vực, 145 trạm y tế xã, phường, thị trấn với tổng số giường bệnh là 2.355 giường, bình quân đạt 24,9 giường bệnh/1 vạn dân. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có 623 cơ sở hành nghề y dược tư nhân, Bệnh viện Quân y 5, Bệnh viện Công an tỉnh... Trong những năm qua, các đơn vị y tế từ tỉnh đến cơ sở đều nhận được sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị khang trang, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của từng đơn vị. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để người dân được đảm bảo quyền lợi trong khám, chữa bệnh nói riêng, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nói chung. Được hưởng thụ điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ, các đơn vị y tế đã tập trung nhiều giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng khám và điều trị tại đơn vị. Cùng với việc đưa dịch vụ Y tế đến gần với người dân, ngành Y tế cũng đã không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng việc triển khai đồng bộ các giải pháp. Ngành đã tăng cường quản lý chất lượng bệnh viện thông qua bộ tiêu chí, cải tiến quy trình khám bệnh tại khoa khám bệnh của các bệnh viện. Trong năm 2015 đã có 10/14 bệnh viện áp dụng việc rút số khám tự động, tăng cường thêm các bàn khám, bố trí thêm bác sỹ tại Khoa khám bệnh, các thủ tục hành chính được rút gọn, giảm phiền hà cho người bệnh. Để phục vụ thuận lợi nhu cầu khám bệnh của người dân vào ngày nghỉ, đã có Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh tổ chức ngày làm việc thứ 7 như ngày bình thường. Quy trình khám bệnh hiện nay đã được các bệnh viện rút ngắn xuống còn 6-7 bước. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng khám và điều trị, ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật, phát triển kỹ thuật mới thông qua các Đề án: Bệnh viện vệ tinh, 1816… Trong khuôn khổ đề án Bệnh viện vệ tinh, trong năm qua đã có 34 gói kỹ thuật thuộc các chuyên ngành vệ tinh được các bệnh viện hạt nhân chuyển giao thành công cho các bệnh viện của tỉnh. Bên cạnh việc tiếp nhận kỹ thuật từ tuyến trên, các bệnh viện tuyến tỉnh cũng tích cực đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến huyện, tạo điều kiện cho người bệnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế tiên tiến tại địa phương, giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Hiện nay các đơn vị điều trị trong ngành không chỉ thực hiện được hầu hết các kỹ thuật của tuyến mình (theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật) mà còn thực hiện được nhiều kỹ thuật của tuyến trên. Do đó, tỷ lệ chuyển tuyến giảm dần theo từng năm: năm 2012 là 8,2%, đến năm 2015, tỷ lệ chuyển tuyến đã giảm xuống còn 6,5%. Đồng hành cùng việc chú trọng phát triển các kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu để đáp ứng nhu cầu người bệnh, ngành Y tế còn quan tâm sát sao đến việc nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế. Lấy việc thực hiện y đức người thầy thuốc làm "thước đo" để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cán bộ, nhân viên trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Từ nhiều năm nay, việc thực hiện Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế theo Thông tư số 07/2014/TT-BYT được mỗi đơn vị trong ngành chú trọng triển khai nghiêm túc. Các đơn vị đã tuyên truyền, phổ biến quy tắc ứng xử đến với cán bộ, nhân viên, tổ chức ký cam kết thực hiện giữa các khoa, phòng, giữa tập thể với cá nhân, thiết lập "đường dây nóng", hòm thư góp ý tại các khoa, phòng để sẵn sàng tiếp nhận những góp ý, ý kiến phản hồi của người bệnh về tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, nhân viên trong đơn vị. Hàng năm, Sở Y tế đều quan tâm thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử tại các đơn vị, tổ chức các hội thi để kiểm tra tay nghề, việc giao tiếp, ứng xử với các tình huống của đội ngũ nhân viên y tế...
Do đó, việc thực hiện quy tắc ứng xử, việc trau dồi y đức được mỗi cán bộ, nhân viên trong ngành chấp hành nghiêm túc. Đây cũng là cơ sở quan trọng để giảm dần những phản hồi của người bệnh về tinh thần, thái độ chưa đúng mực khi tiếp xúc, phục vụ người bệnh của cán bộ, nhân viên y tế. Đặc biệt, từ tháng 7- 2015, hưởng ứng việc "Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh", UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện việc đổi mới và triển khai kế hoạch thực hiện tới các đơn vị y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện để cùng ký cam kết thực hiện. Việc đổi mới phong cách, thái độ của cán bộ y tế được các Bệnh viện chú trọng thực hiện nghiêm từ việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao y đức, tinh thần, trách nhiệm, thái độ của mỗi cán bộ y tế đối với người bệnh. Cho đến việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy tắc ứng xử tại các khoa, phòng, thiết lập đường dây nóng, hòm thư góp ý, cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Tại 2 bệnh viện có lượng bệnh nhân vào khám, điều trị hàng ngày đông là Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh đã thành lập đội thanh niên tình nguyện "Tiếp sức người bệnh" nhằm giúp đỡ bệnh nhân, nhất là bệnh nhân cao tuổi, bệnh nặng, hiểm nghèo…khi đi làm các thủ tục để khám, chữa bệnh, hướng dẫn tìm khoa, phòng, thăm hỏi, động viên người bệnh…
Đây là những đổi mới được bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đánh giá cao, bước đầu cho thấy bước chuyển trong việc thay đổi phong cách phục vụ, phong cách ứng xử của nhân viên y tế tại các đơn vị y tế. Qua đó đã góp phần củng cố lòng tin đối với người bệnh và là điều kiện để các bệnh viện có thể "giữ chân" được người bệnh, giảm dần tình trạng bệnh nhân vượt tuyến, trái tuyến.
Phan Hiếu