Gia Thịnh là xã trọng điểm của huyện Gia Viễn thường xuyên xảy ra ngập úng khi xảy ra mưa bão, lũ lụt, đặc biệt là thôn Kênh Gà, năm nào thôn cũng có vài lần ngập úng, có năm ngập sâu đến giữa nhà. Bà Nguyễn Thị Tám, thôn Kênh Gà chia sẻ, thôn Kênh Gà thường xuyên bị ngập úng và ngập sâu nhất của xã Gia Thịnh khi mùa mưa bão, lũ lụt đến. Năm 2018, có thời điểm thôn ngập úng kéo dài hàng chục ngày, người dân phải sơ tán lên các nhà cao tầng hoặc ở tạm trong các thuyền bè. "Sống chung với lũ" nên mỗi người dân thôn Kênh Gà được tuyên truyền và có ý thức cao về phòng chống dịch bệnh, bảo quản thức ăn, thực hiện ăn chín uống sôi trong những ngày thời tiết bất ổn, mưa gió kéo dài...
Y sỹ Vũ Xuân Cương, cán bộ Trạm Y tế xã Gia Thịnh cho biết: Là địa bàn trọng điểm về lũ lụt nên hàng năm, công tác phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa bão được Trạm y tế xã xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện thực hiện từ khá sớm. Theo đó, Trạm y tế xã chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trọng tâm như các thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ, viêm đường ruột, nước ăn chân..., trong đó đặc biệt là hóa chất CloraminB để khử nguồn nước bị ô nhiễm, tránh tình trạng người dân phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Cùng với đó, trước mùa mưa bão, cán bộ, nhân viên Trạm y tế phối hợp cùng đội ngũ y tế thôn xóm, xuống từng địa bàn trong xã để tuyên truyền, tư vấn, nhắc nhở, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống không để mắc bệnh, thực hiện an toàn thực phẩm, vệ sinh nguồn nước sinh hoạt..., phấn đấu không để xảy ra các loại bệnh và lây lan thành dịch.
Đồng chí Đặng Tiến Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn cho biết: Là địa phương có nhiều xã thuộc vùng trũng, vùng xả lũ của tỉnh, để chủ động phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa bão, Trung tâm Y tế huyện thường xuyên chỉ đạo Trạm y tế các xã, thị trấn trong huyện quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh tới các tầng lớp nhân dân với mục tiêu nâng cao nhận thức cho người dân trong việc chủ động phòng chống dịch bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão, lũ lụt gây ra; phát hiện sớm, khống chế và kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên toàn huyện; giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong đến mức thấp nhất, khống chế không để dịch bệnh lan ra diện rộng. Theo đó, cùng với đẩy mạnh công tác truyền thông tại cộng đồng để nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh; các Trạm y tế xã, thị trấn đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; ngủ màn, ăn chín, uống nước đã đun sôi; thực hiện tốt chỉ tiêu 3 công trình vệ sinh tại các hộ gia đình...
Thông thường, vào mùa mưa bão, lũ lụt, các loại bệnh về đường tiêu hóa, sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh da liễu như ghẻ lở, hắc lào, nước ăn chân... có nguy cơ xuất hiện và bùng phát thành dịch. Đối với 12 xã nằm trong vùng thường xuyên bị ngập lụt và có khu vực dân cư ngoài đê như các xã: Gia Thịnh, Gia Minh, Gia Phong, Gia Hòa, Gia Lạc, Gia Hưng..., Trung tâm y tế huyện chỉ đạo cán bộ, nhân viên các Trạm y tế xã thường xuyên bám sát địa bàn, nhất là những nơi năm trước đã xuất hiện các ổ dịch để nắm bắt, tuyên truyền người dân vệ sinh môi trường, theo dõi, báo cáo nhằm phát hiện sớm những trường hợp mắc bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời... Đồng thời, Trung tâm y tế huyện cũng cung ứng, phân bổ, trang bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị phòng bão lũ theo quy định về 21 Trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn huyện, thực hiện cấp tận tay người dân, giúp các địa phương chủ động trong công tác phòng, chống dịch.
Tại mỗi trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn huyện, chuẩn bị 1 cơ số thuốc phòng chống bão lụt, 1 cơ số thuốc phòng chống dịch bệnh. Mỗi Trạm y tế xã cũng thành lập một Đội phòng chống dịch lưu động gồm 3 người, được tập huấn về công tác xử lý ổ dịch và phân công cán bộ bám sát địa bàn, phối hợp với các Trạm y tế và đội ngũ y tế thôn, bản, tổ dân phố giám sát chặt chẽ nhằm phát hiện dịch bệnh sớm nhất. Đối với Trung tâm y tế huyện, Trung tâm thành lập 2 tổ cấp cứu ngoại viện, có đủ phương tiện như xuồng, áo phao, các loại vật tư, trang thiết bị khác theo yêu cầu phòng chống dịch, sẵn sàng chi viện cho các đơn vị khi có dịch bệnh xảy ra. Đồng thời Trung tâm chuẩn bị 5 cơ số thuốc chống dịch, 5 cơ số thuốc chống bão lụt và các điều kiện khác như máy phun hóa chất, máy phát điện, xe chuyên dụng…, đáp ứng kịp thời khi có tình huống cấp cứu, phòng, chống dịch, xử lý môi trường sau lụt, bão. Bên cạnh đó, công tác y tế dự phòng và điều trị được phối kết hợp chặt chẽ nhằm kịp thời phát hiện, chẩn đoán sớm các bệnh truyền nhiễm gây dịch tại các vùng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Bài, ảnh: Hạnh chi