Cách đây 60 năm, ngày 29/4/1958, tại kỳ họp thứ VIII, Quốc hội khóa I do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa đã quyết định thành lập Bộ Kiến trúc, nay là Bộ Xây dựng. Cũng vào thời điểm đó, Ủy ban hành chính tỉnh Ninh Bình đã thành lập Ty Kiến trúc, tiền thân của Sở Xây dựng Ninh Bình ngày nay.
Ngược theo dòng lịch sử, những ngày đầu mới thành lập, với bao bộn bề khó khăn vất vả, thiếu thốn về mọi mặt, lực lượng CBCNV trong Ngành rất mỏng, cơ sở vật chất kỹ thuật của Ngành còn rất nghèo nàn. Ngành Xây dựng Ninh Bình chỉ được đầu tư xây dựng một số cơ sở vật chất nhỏ như: Xí nghiệp gạch ngói, đá có trang thiết bị thô sơ và một số công trình quan trọng khác phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: gạch ngói Gia Lâm, Gia Tường, gạch ngói sông Chanh; Đá, xi măng Hệ Dưỡng … Thực hiện khẩu hiệu "Thi đua ái quốc" làm theo lời Bác Hồ dạy, ngành Xây dựng Ninh Bình đã thu được nhiều thành tích to lớn trong những năm đầu của thập kỷ 60.
Trong những năm đế quốc Mỹ đã tiến hành mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, ngành Xây dựng Ninh Bình vừa sản xuất, vừa chiến đấu, nhiều công trình phục vụ quốc phòng đã được xây dựng như hầm hào, lán trại cho các cơ quan của tỉnh sơ tán; Xây dựng ụ pháo cho bộ đội, khôi phục nhà ga, bến xe, bệnh viện, trường học để ổn định đời sống dân sinh, phục vụ sản xuất và chiến đấu. Hàng trăm cán bộ, công nhân của Ngành lên đường nhập ngũ bảo vệ miền Bắc XHCN, cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần cùng đồng bào, chiến sỹ cả nước đưa sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến thắng lợi hoàn toàn.
Mùa xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước được thống nhất, cả nước cùng đi lên xây dựng CNXH. Năm 1976, Ninh Bình hợp nhất với tỉnh Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh, thực hiện lời dạy của Bác Hồ "Xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", ngành Xây dựng đã nhanh chóng tập trung xây dựng lại và xây dựng mới nhiều nhà máy, xí nghiệp, trạm trại, kho tàng, bệnh viện, trường học, công trình hạ tầng kỹ thuật để ổn định và phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng kinh tế địa phương, ngành Xây dựng Ninh Bình còn vinh dự được cử một số thợ bậc cao tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủy điện Sông Đà; tham gia phát triển kinh tế mới ở các tỉnh Minh Hải, Gia Lai Kon Tum; đưa hàng trăm CB, CNV sang nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào xây dựng giúp tỉnh U-đôm-xay kết nghĩa, để lại nhiều công trình xây dựng được các địa phương và nước bạn đánh giá cao.
Sau 16 năm hợp nhất tỉnh Hà Nam Ninh, tháng 4 năm 1992, tỉnh Ninh Bình được tái lập, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh nhà đứng trước bộn bề khó khăn, thách thức, cơ sở vật chất, hệ thống kết cấu hạ tầng nghèo nàn lạc hậu, để khắc phục những tồn tại, khó khăn, ngành Xây dựng Ninh Bình đã nhanh chóng ổn định tổ chức, phát triển nhanh lực lượng, củng cố xây dựng cơ sở vật chất, trụ sở làm việc cho các cơ quan trong tỉnh. Từ 8 doanh nghiệp nhà nước, 1 Trung tâm Quy hoạch xây dựng và 1 Trung tâm kiểm định chất lượng xây dựng công trình (nay là Viện quy hoạch xây dựng Ninh Bình và Chi cục Giám định xây dựng), 2 Công ty quản lý đô thị thuộc cấp huyện và hàng trăm doanh nghiệp xây dựng thuộc các thành phần kinh tế. Đến năm 2005 đã thực hiện sáp nhập, giải thể, cổ phần hóa và chuyển đổi hình thức sở hữu 6 doanh nghiệp, còn lại 2 Công ty cấp thoát nước và vệ sinh môi trường chuyển sang doanh nghiệp hoạt động công ích, hiện đang chuyển đổi loại hình doanh nghiệp cho phù hợp với yêu cầu mới. Số doanh nghiệp xây dựng thuộc các thành phần kinh tế trong tỉnh ngày càng tăng, đã và đang phát triển mạnh, chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Số cán bộ trên đại học, đại học, cao đẳng, trung cấp và công nhân kỹ thuật bậc cao tăng cả về số lượng và chất lượng.
Trước yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành Xây dựng đã phát huy truyền thống đoàn kết, bám sát nhiệm vụ chính trị mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình qua các nhiệm kỳ đã đề ra. Về quản lý nhà nước, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quy định quản lý xây dựng trên địa bàn, hướng dẫn các chế độ, chính sách về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước, của tỉnh cho các cơ quan, đơn vị, các chủ đầu tư.
Về công tác quy hoạch và phát triển đô thị, ngành Xây dựng xác định đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngành đã bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn, các quy hoạch được lập, phê duyệt cơ bản đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Đến nay ngành đã hoàn thành đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Ninh Bình đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở cho việc quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết mà Sở Xây dựng đã và đang thực hiện.
Trên địa bàn tỉnh, các đô thị đều có quy hoạch chung, các đô thị lớn đã được lập quy hoạch phân khu, các khu chức năng đặc biệt để làm căn cứ thu hút đầu tư. Ngành đã hoàn thành 5/7 quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, 15/25 quy hoạch xây dựng cụm công nghiệp, 119/119 quy hoạch các xã nông thôn mới, hiện nay đã có 80 xã và 2 huyện, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Ngành đang tiếp tục triển khai lập các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để làm cơ sở quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch.
Trong những năm qua, hạ tầng đô thị cũng được phát triển mạnh, các trục đường giao thông huyết mạch của tỉnh được đầu tư như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 10, vành đai 477, các tuyến đường qua đô thị như đường Đinh Tiên Hoàng, Lê Hồng Phong, Lê Đại Hành, Lương Văn Thăng, một số tuyến đường của thành phố Tam Điệp... được chỉnh trang vỉa hè và trồng mới cây xanh, tạo nên đô thị thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp sáng, xanh, sạch, đẹp. Một số tuyến đường mới đã được xác định tuyến và chuẩn bị đầu tư; đồng thời phát triển nâng cấp Nhà máy nước Ninh Bình, Nhà máy nước VSG, Nhà máy nước Thành Nam, Tam Điệp và các trạm cấp nước tại trung tâm các huyện lỵ cung cấp nước sạch cho thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp, các huyện và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Công tác quản lý và phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn cũng không ngừng được quan tâm để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh. Đến nay, Ninh Bình đã hoàn thành việc xóa bỏ các lò gạch thủ công theo lộ trình của Chính phủ. Đã hoàn thành quy hoạch phát triển VLXD đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và quy hoạch thăm dò khoáng sản làm VLXD đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đang tiếp tục nghiên cứu đề tài ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất vật liệu xây dựng không nung để áp dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh.
Công tác quản lý kinh tế, kỹ thuật, thanh tra, kiểm tra và quản lý chất lượng công trình xây dựng đã được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, công tác kiểm tra, thẩm định ngày càng tốt hơn. Trong công tác quản lý các hoạt động xây dựng, Ngành đã không ngừng cải cách hành chính, giải quyết công việc nhanh chóng, trả kết quả trước thời gian quy định; công tác tư vấn xây dựng và kiểm định chất lượng công trình xây dựng đã có nhiều tiến bộ, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng của ngành.
Về sản xuất, kinh doanh kinh tế ngành, đây là thời kỳ ngành Xây dựng phát triển nhanh và mạnh, ngành có một đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức và lao động hùng hậu. Sau khi chuyển đổi mô hình quản lý đã phát triển mạnh mẽ, nhất là sản xuất và kinh doanh VLXD. Hàng năm số lượng gạch đỏ, sắt thép, xi măng được sản xuất và tiêu thụ đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch giao. Đến năm 2016, chỉ tính riêng công suất, sản lượng gạch đỏ đã lên tới trên 60 triệu viên/năm, xi măng đạt trên 10 triệu tấn/năm. Tiêu biểu là Nhà máy xi măng Duyên Hà, Xi măng The Vissai, xi măng Hướng Dương, gạch Tam Điệp, gạch Sông Chanh, gạch Gia Thanh, gạch Khánh Thành, gạch Phú Sơn, thép Pomihoa.
Lĩnh vực xây dựng cũng được đầu tư đúng mức, đúng trọng điểm. Trong những năm qua đã và đang đầu tư xây dựng cho tỉnh nhiều công trình có chất lượng cao như: Trụ sở liên cơ quan Tỉnh ủy, trụ sở HĐND tỉnh, Bệnh viện 700 giường, Bệnh viện sản nhi, trụ sở Thành ủy, UBND thành phố Ninh Bình, Quần thể danh thắng Tràng An - chùa Bái Đính, các khu đô thị, khu công nghiệp, khu dịch vụ vui chơi... làm tô điểm cho bức tranh toàn cảnh Ninh Bình thêm sinh động và tươi thắm. Tiêu biểu như: Tập đoàn kinh tế Xuân Thành, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, Công ty Nam Ninh, Doanh nghiệp xây dựng Cường Thịnh Thi, Tập đoàn Phúc Lộc và rất nhiều doanh nghiệp, doanh nhân khác đã có những đóng góp rất lớn trong sự phát triển của ngành, của tỉnh. Các thành phần kinh tế trên đã và đang hoạt động ổn định, có hiệu quả, giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong tỉnh, đóng góp một phần không nhỏ thu ngân sách, góp phần thực hiện thắng lợi phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua.
Nhìn lại chặng đường 60 năm đã qua, đặc biệt là sau 26 năm tái lập tỉnh, một quãng thời gian không dài so với lịch sử, song mỗi cán bộ, CNVC-LĐ ngành Xây dựng Ninh Bình đều thấy tự hào vì đã đóng góp một phần công sức của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Với những thành tích đã đạt được, nhiều tập thể, cá nhân ngành Xây dựng Ninh Bình đã được Chính phủ, Bộ Xây dựng, UBND tỉnh tặng nhiều Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, chiến sỹ thi đua, danh hiệu bàn tay vàng, doanh nhân tiêu biểu, công trình đạt chất lượng cao… Đặc biệt, chặng đường 60 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Xây dựng Ninh Bình đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất…
Đất nước đang bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế khu vực và thế giới, ngành Xây dựng Ninh Bình đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới. Với kinh nghiệm và truyền thống 60 năm xây dựng và trưởng thành, với tinh thần đoàn kết, chủ động sáng tạo trong công tác, với ý chí cống hiến, nghị lực, trí tuệ và tài năng của mình, đội ngũ cán bộ, CNVC-LĐ ngành Xây dựng Ninh Bình luôn vững buớc đi lên, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kế hoạch được giao, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình và sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Cao Trường Sơn
Giám đốc Sở Xây dựng