Báo cáo của Cục Thuế Ninh Bình cho thấy, những tháng đầu năm 2020, nhất là trong quý II, nhiều khoản thu trên địa bàn bị sụt giảm mạnh nhưng đến hết tháng 7 số thu nội địa vẫn đảm bảo tiến độ theo dự toán. Đã có nhiều sắc thuế thu đạt cao như: Thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh tăng 89,8%; thuế thu nhập cá nhân tăng 14% so với cùng kỳ năm 2019... Để có được kết quả thu trên, nhiều tháng qua Cục Thuế tỉnh và các đơn vị trực thuộc luôn chủ động triển khai công tác lập kế hoạch hành động để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Đồng thời thực hiện tốt các biện pháp chống thất thu ngân sách và nuôi dưỡng nguồn thu.
Theo đại diện lãnh đạo Cục Thuế tỉnh, những tháng cuối năm, Cục Thuế Ninh Bình đặt mục tiêu thu vượt dự toán ngân sách Nhà nước HĐND tỉnh giao năm 2020 là 9.050 tỷ đồng và hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu Tổng cục Thuế giao là 11.752 tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm, Cục Thuế tỉnh thực hiện thu nội địa 1.285 tỷ đồng mới hoàn thành dự toán HĐND tỉnh giao. Ngành Thuế cũng đã xác định trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trở lại lần 2 thì công tác thu ngân sách sẽ khó khăn hơn trước đây. Do đó, để hoàn thành nhiệm vụ thu, Cục Thuế Ninh Bình sẽ tập trung cao cho công tác quản lý thuế, chống thất thu, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước. Cục Thuế tỉnh đã yêu cầu các phòng, chi cục thuế khu vực tiếp tục rà soát các nguồn thu, nhất là các khoản thu tiềm năng, còn dư địa lớn nhưng đang vướng mắc về chính sách, thủ tục để kịp thời tham mưu với các cấp chính quyền kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế. Đồng thời, rà soát các nguồn thu, các khoản thu đã hết thời hạn ưu đãi, các dự án mới phát sinh, thuế thu nhập doanh nghiệp để đôn đốc thu nộp kịp thời vào ngân sách Nhà nước.
Công tác kê khai, kế toán thuế tiếp tục được tập trung triển khai thực hiện để kịp thời phát hiện các trường hợp khai sai, khai không đúng, phối hợp với doanh nghiệp để điều chỉnh kịp thời theo quy trình, đảm bảo 100% hồ sơ khai thuế được kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định. Bên cạnh đó, ngành tập trung kiểm tra, rà soát số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, số lượng doanh nghiệp tạm nghỉ kinh doanh, ngừng hoạt động, đảm bảo đưa vào quản lý thuế đối với 100% doanh nghiệp có kinh doanh. Thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế, đặc biệt là chú trọng công tác kiểm tra sau hoàn thuế, hạn chế tối đa hiện tượng lợi dụng thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát để khai không đúng hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng nhằm chiếm đoạt số tiền hoàn thuế của Nhà nước. Tiếp tục đôn đốc doanh nghiệp còn nợ tiền thuế truy thu, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế theo quyết định xử lý qua công tác thanh tra, kiểm tra; số tiền thuế còn phải nộp theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định.
Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp trong việc quản lý, thu hồi nợ đọng thuế. Thực hiện rà soát, phân tích và phân loại nợ, từ đó triển khai đồng bộ các biện pháp đôn đốc, xử lý nợ; phân tích rõ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhằm động viên và tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, đồng thời theo dõi sát số tiền thuế được gia hạn để đôn đốc kịp thời số tiền đã hết thời hạn gia hạn nộp thuế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của công tác quản lý nợ và cưỡng chế thuế. Công khai danh sách doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế thực hiện mua hóa đơn của cơ quan thuế phát hành, các doanh nghiệp chây ỳ không nộp tiền thuế đúng hạn lên Báo Ninh Bình, Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh và trên Trang thông tin điện tử của ngành. Kiên quyết thực hiện áp dụng các biệp pháp cưỡng chế nợ thuế để thu hồi nợ đọng thuế, nỗ lực kéo giảm nợ thuế đến thời điểm 31/12/2020 không vượt quá 5% so với số tổng thu ngân sách Nhà nước đúng theo tinh thần chỉ đạo của Tổng cục Thuế. Ngoài ra, ngành Thuế tập trung triển khai đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về "khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước".
Một trong những biện pháp đã được Cục Thuế Ninh Bình kiến nghị thực hiện trong những tháng cuối năm là thực hiện có hiệu quả kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ký hợp đồng thuê đất, đôn đốc thực hiện kịp thời các nghĩa vụ tài chính phát sinh (tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân…) vào ngân sách Nhà nước. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tạo điều kiện thực hiện dự toán thu ngân sách nội địa. Song song với việc quản lý tốt nguồn thu, tăng thu ngân sách, Cục Thuế Ninh Bình tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ, đồng hành tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế thông qua việc cung cấp dịch vụ thuế điện tử cho người nộp thuế.
Hồng Giang