Nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đối với sự phát triển, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, ngành thuế cả nước nói chung và Ninh Bình nói riêng đã đẩy mạnh thực hiện nhiều biện pháp và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Theo đó, ngành đã tổ chức rà soát các TTHC nhằm đơn giản hóa và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế (NNT). Tiếp tục kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận "một cửa" và "một cửa liên thông". Thực hiện công khai các TTHC, quy trình quản lý thuế trên website chính thức và tại bộ phận "một cửa" của cơ quan thuế, góp phần cùng với ngành thực hiện thành công cải cách TTHC thuế.
Trang thông tin điện tử của Cục thuế đã kịp thời đăng tải các Quyết định công bố TTHC của Bộ Tài chính để NNT biết và thực hiện. Đồng thời ngành thuế cũng đã niêm yết công khai, đầy đủ các quy trình, TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết, tạo thuận lợi tối đa cho NNT tiếp cận, nghiên cứu thực hiện và giám sát công chức thuế thực hiện.
Tiếp nhận, xử lý kịp thời những phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về TTHC và việc giám sát thực hiện TTHC của các đơn vị. Tăng cường rà soát các văn bản pháp luật, các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế, kịp thời phát hiện các TTHC không phù hợp để kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa TTHC, rút ngắn các bước công việc trong quá trình giải quyết các TTHC thuế.
Đặc biệt, tập trung rà soát các TTHC thuộc phạm vi quản lý của cấp mình để kịp thời để xuất lên cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các TTHC không cần thiết.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi nộp hồ sơ thuế tại bộ phận một cửa, ngành thuế đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả quy trình tiếp nhận, xử lý, luân chuyển kịp thời, đôn đốc các bộ phận chức năng giải quyết hồ sơ, thủ tục đảm bảo đúng thời hạn quy định của Luật quản lý thuế. Giảm số TTHC thuế, đơn giản hóa TTHC thuế, số chứng từ trong hồ sơ khai thuế, chứng từ nộp thuế từ đó giảm số giờ nộp thuế theo đúng quy định của ngành.
Bên cạnh đó, Cục Thuế Ninh Bình đã ban hành Đề án "Theo dõi kiểm soát việc triển khai thực hiện các văn bản, ý kiến chỉ đạo của Bộ tài chính, Tổng cục Thuế, UBND tỉnh, Cục Thuế, UBND huyện, Chi cục Thuế" để rút ngắn thời gian giải quyết các công việc, các thủ tục cho NNT. Đẩy mạnh phát huy sáng kiến, cải tiến trong công việc, rút ngắn thời gian thực hiện TTHC song vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý, nhằm giảm bớt chi phí cho NNT.
Nhằm giúp doanh nghiệp nắm bắt, thực hiện kịp thời các chính sách thuế mới, ngành thuế áp dụng đa dạng các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ. Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tiếp nhận, xử lý kịp thời các thủ tục về đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế, thay đổi thông tin NNT...
Để hỗ trợ NNT, ngành thuế đã khai thác hiệu quả ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS); cung cấp kịp thời cho NNT các phiên bản mới nhất hỗ trợ việc kê khai, nộp thuế điện tử như phần mềm hỗ trợ kê khai, hỗ trợ quyết toán thuế, hỗ trợ làm mã số thuế cá nhân, phần mềm hỗ trợ nộp tờ khai qua mạng... đồng thời, hỗ trợ NNT nhanh chóng xử lý vướng mắc trong quá trình sử dụng.
Theo thống kê, 100% Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ thường xuyên về dịch vụ nộp thuế điện tử. Năm 2016 ngành thuế Ninh Bình đã có 2876 doanh nghiệp đăng ký dịch vụ nộp thuế điện tử trên cổng điện tử cơ quan thuế, đạt 96% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động (mã số thuế 10 số); Vượt chỉ tiêu về tỷ lệ số doanh nghiệp đăng ký dịch vụ NTĐT của Tổng cục Thuế.
Song song với công tác tuyên truyền, hỗ trợ trực tiếp, ngành thuế đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để xây dựng cơ chế phối hợp, thu thập thông tin quản lý Nhà nước phục vụ công tác quản lý thuế.
Tiếp tục triển khai hiệu quả quy chế phối hợp công tác với các đơn vị có liên quan như: Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Liên đoàn lao động tỉnh, BHXH tỉnh, Hải quan, ... ở mức độ cao hơn trên cơ sở ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin của mỗi đơn vị. Đảm bảo kết nối, chia sẻ, tích hợp thông tin, dữ liệu phù hợp với nhu cầu quản lý của từng đơn vị.
Thực hiện rà soát, chuẩn hóa lại cơ sở dữ liệu về NNT. Trên cơ sở đó đánh giá rủi ro, thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế, phòng ngừa các hành vi gian lận, trốn thuế, chống thất thu thuế, chống gian lận về khấu trừ, hoàn thuế GTGT.
Thời gian qua, ngành thuế cũng rất chú trọng phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền về các TTHC thuế, các chính sách, quy định mới sửa đổi, bổ sung cho NNT. Định kỳ tổ chức đối thoại với NNT về việc tuân thủ chính sách pháp luật về thuế và thực hiện các TTHC thuế.
Qua đó, tiếp nhận và xử lý kịp thời những thông tin, phản ánh, kiến nghị của NNT về những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi chính sách thuế, thực hiện TTHC và trách nhiệm, thái độ phục vụ của công chức thuế tại các đơn vị.
Với những nỗ lực triển khai các giải pháp và nhiệm vụ để hỗ trợ doanh nghiệp, tin tưởng rằng ngành Thuế tỉnh sẽ nhận được sự đồng thuận cao trong cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và NNT trên địa bàn, góp phần tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao trong năm 2017 và những năm tiếp theo.
Nguyễn Thơm