Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng căn cứ vào tình hình thực tế, tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới…
Tính đến hết tháng 5/2021, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn đã xác định số dư nợ khách hàng bị thiệt hại là 3.303 tỷ đồng và đã hỗ trợ cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 259 khách hàng với dư nợ 1.251 tỷ đồng, miễn, giảm lãi suất và giữ nguyên nhóm nợ cho 51 khách hàng với dư nợ 216 tỷ đồng, số tiền lãi được miễn, giảm là 347 triệu đồng, cho vay mới 3.471 khách hàng với số tiền 3.123 tỷ đồng…
Hoạt động trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn phải cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng, người dân, doanh nghiệp. Từng ngân hàng căn cứ vào năng lực, khả năng tài chính của mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay và các biện pháp hỗ trợ khác.
Hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn đã giảm xuống chỉ còn 8-9%/năm và lãi suất thấp nhất chỉ còn 3,2%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa với 5 lĩnh vực ưu tiên giảm xuống còn 4,5%/năm đối với ngân hàng thương mại và 5,5%/năm đối với tổ chức tài chính vi mô và Quỹ tín dụng nhân dân. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng phải công khai công bố mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp được biết.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng Ninh Bình đã và đang tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, các Hội, Hiệp hội ngành hàng để tìm hiểu về khách hàng có nhu cầu, đáp ứng kịp thời vốn cho sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản,… không để đứt gẫy chuỗi sản xuất của nền kinh tế.
Đồng thời, ngành Ngân hàng Ninh Bình đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về quy trình, thủ tục, các dịch vụ trực tuyến, dịch vụ thanh toán, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng giao dịch trực tuyến, tránh tiếp xúc để phòng, chống dịch COVID-19. Thực hiện chuyển đổi số, tiến tới "Ngân hàng ba không" (Không khách hàng, không giấy tờ và không tiền mặt). Thực hiện miễn, giảm phí chuyển tiền ủng hộ chống dịch.
Ngành Ngân hàng Ninh Bình cũng phát động phong trào mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành ủng hộ tối thiểu một ngày tiền lương, tiền công để ủng hộ "Quỹ vắc xin phòng COVID-19".
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, chuyển trạng thái sang "chủ động tấn công" và "phòng, chống dịch để phát triển kinh tế và phát triển kinh tế để phòng, chống dịch". Ngành Ngân hàng Ninh Bình đã và đang tích cực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Nguyễn Sỹ Tỉnh
(Ngân hàng Nhà nước)