Sau khi UBND tỉnh triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã nhanh chóng triển khai các công việc liên quan đến ngành, trong đó công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm và tự tạo việc làm theo định hướng phát triển kinh tế của từng địa phương, nhất là đối với người nghèo, lao động nông thôn được đặc biệt chú trọng. Để thực hiện chủ trương này, các địa phương đã tích cực triển khai công tác dạy nghề dưới nhiều hình thức như dạy nghề tập trung, tại chỗ, dạy nghề kết hợp với sản xuất tại các doanh nghiệp, đẩy mạnh chương trình giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Trong năm 2010, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã triển khai tuyển sinh học nghề với 335 lớp dạy nghề cho trên 10 nghìn lao động thuộc hộ nghèo. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm ổn định sau học nghề với mức thu nhập từ 700 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/người/tháng đạt 70%. Năm 2011, Sở cũng đã tham mưu giúp UBND tỉnh phân bổ kinh phí dạy nghề, tạo việc làm giúp cho các địa phương, cơ sở dạy nghề nhanh chóng triển khai các dự án. Đồng thời hướng dẫn các cơ sở dạy nghề hoàn thiện các quy trình tổ chức, hành chính và nhân sự để hoạt động có hiệu quả. Hiện nay, Sở đang phối hợp với các địa phương và các doanh nghiệp tiếp tục duy trì và mở mới thêm một số nghề như: Nghề đính hạt cườm, may công nghiệp, điều khiển phương tiện thủy nội địa và nuôi một số cây, con đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Song song với công tác dạy nghề và giải quyết việc làm, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội trong toàn tỉnh đã phối hợp với các Ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giúp các hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các mô hình kinh tế phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Bên cạnh đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã làm tốt công tác trợ cấp xã hội đối với hộ nghèo và cận nghèo theo quy định của Trung ương và của tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh có 3.687 hộ nghèo được trợ cấp tiền điện và trợ cấp khó khăn với số tiền là 370 nghìn đồng/hộ. Ngành cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh trợ cấp cho 22.698 hộ cận nghèo trong tỉnh, mỗi hộ 150 nghìn đồng. Hiện tại, Sở cũng đã dự thảo kế hoạch thực hiện Đề án 32 về việc phân bổ, cấp gạo cứu trợ dịp Tết và giáp hạt tại một số xã của huyện Nho Quan. Các địa phương cũng đã triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho các gia đình chính sách, các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh về bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí…
Đồng chí Hoàng Mạnh Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội toàn tỉnh đã thực hiện những chính sách an sinh xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ, đảm bảo công bằng, chính xác và không có khiếu kiện. Việc thực hiện nghiêm Nghị quyết 11 của Chính phủ cũng giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo trong tỉnh giảm bớt khó khăn, cải thiện cuộc sống trong lúc giá cả đang biến động mạnh. Đồng thời các biện pháp nhằm đảm an sinh xã hội trong lúc này cũng thể hiện sự công bằng và tinh thần nhân ái trong các chính sách của Đảng và Nhà nước.
Linh Nhi