Cùng với việc tái lập tỉnh, Ủy ban Kế hoạch tỉnh Ninh Bình cũng được tái lập (năm 1992), kế thừa kế hoạch 5 năm giai đoạn 1991-1995 của tỉnh Hà Nam Ninh với mục tiêu tổng quát là ổn định tình hình kinh tế - xã hội và chính trị, sớm thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng và lạm phát, tạo tiền đề đẩy nhanh sự phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Ủy ban Kế hoạch tỉnh đã tham mưu cho tỉnh ổn định nền kinh tế và tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, đầu tư theo chiều sâu, hiện đại hóa các cơ sở kinh tế, nhất là các cơ sở làm hàng xuất khẩu và tiếp tục đổi mới một cách đồng bộ cơ chế quản lý Nhà nước và cơ chế quản lý sản xuất, kinh doanh, chuyển hẳn sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước bằng pháp luật, kế hoạch và chính sách. Ngày 1-11-1995, Chính phủ ra Nghị định số 75/CP thành lập Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở hợp nhất Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư.
Theo đó, ngày 10-4-1996, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 440/QĐ-UB thành lập Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Bình; quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Sở với mục tiêu tổng quát là huy động sức mạnh tổng hợp của mọi thành phần kinh tế, tận dụng mọi lợi thế của tỉnh để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, văn hóa - xã hội, tạo điều kiện cần thiết cho giai đoạn phát triển cao hơn sau năm 2000.
Ngoài ra, ngành Kế hoạch còn được giao chủ trì, cùng các ngành tham mưu xây dựng các chuyên đề phục vụ triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 4 của Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII về chuyển dịch cơ cấu đầu tư và sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) của tỉnh. Tham gia nghiên cứu, xây dựng chương trình hành động của tỉnh thực hiện Nghị quyết 5 của Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII. Chủ trì cùng các ngành trong Ban chỉ đạo đổi mới DNNN của tỉnh tham mưu nghiên cứu xây dựng và tổ chức thực hiện phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp được Chính phủ phê duyệt.
Ngành Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phối hợp với các ngành, các cấp tham mưu xây dựng nhiều chương trình kinh tế và cơ chế, chính sách về phát triển các khu, cụm công nghiệp, phát triển kinh tế biển, phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới DNNN, thực hiện các chính sách, pháp luật mới vào đời sống kinh tế - xã hội và đời sống doanh nghiệp.
Điển hình là: Quy định ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp, khu du lịch trên địa bàn tỉnh; Quy định ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào Khu công nghiệp Gián Khẩu... Giai đoạn này đã hoàn thành một số công trình lớn, trọng điểm góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo thuận lợi thu hút các nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; Khu công nghiệp Ninh Phúc, Gián Khẩu được hình thành, một số nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng và sản xuất công nghiệp với quy mô lớn đi vào hoạt động, nhiều công trình văn hóa xã hội được hình thành…
Thực hiện kế hoạch 5 năm (2006-2010) trong điều kiện suy thoái kinh tế toàn cầu, suy giảm kinh tế trong nước, đặc biệt là giai đoạn nửa cuối thực hiện kế hoạch trong điều kiện vô cùng khó khăn khi nền kinh tế bị tác động mạnh bởi khủng hoảng tài chính, lạm phát tăng cao, kinh tế vĩ mô không ổn định… tuy nhiên Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh đã phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, khắc phục khó khăn thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.
Các cơ chế, chính sách nhằm phát huy những tiềm năng của tỉnh để phát triển toàn diện nền kinh tế đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành và chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả như: Đẩy mạnh phát triển sản xuất vụ đông đến năm 2010; đẩy mạnh phát triển việc trồng, chế biến cói, thêu ren và chế tác đá mỹ nghệ giai đoạn 2006-2010…
Bên cạnh các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, tỉnh cũng ban hành chính sách đảm bảo an sinh xã hội như: Giảm nghèo; đầu tư xây dựng trụ sở xã, phường, thị trấn; xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia… Sở Kế hoạch và Đầu tư đã kịp thời tham mưu một số giải pháp nhằm ổn định tình hình kinh tế như: Cắt giảm đầu tư công; phân cấp, ủy quyền quản lý đầu tư xây dựng; thực hiện kích cầu đầu tư với các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách bằng các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư; cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào Khu dịch vụ khách sạn trung tâm thành phố Ninh Bình; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và dịch vụ du lịch với mục tiêu đưa Ninh Bình trở thành một tỉnh đi đầu trong sản xuất vật liệu xây dựng và phát triển du lịch so với khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Giai đoạn 2011-2015, với mục tiêu là duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và chủ động hội nhập; đưa kinh tế du lịch vào thời kỳ phát triển mạnh; tập trung trí tuệ, nguồn lực từng bước xây dựng nông thôn mới để thực hiện giải quyết đồng bộ 3 vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn; phát triển mạnh mẽ văn hóa, cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên môi trường và chủ động ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh địa phương; củng cố vững chắc hệ thống chính trị; xây dựng Ninh Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Thời kỳ này, kinh tế của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới và trong nước; những biến động khó lường về giá cả, cân đối cung - cầu của các sản phẩm chủ lực như xi măng, thép, nông sản, sản phẩm du lịch... cùng với thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu đã tác động không nhỏ đến sản xuất và đời sống của nhân dân trong tỉnh...
Bên cạnh đó là việc thắt chặt đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ theo Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Để đảm bảo được dòng vốn đầu tư cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Bình năm 2012; ban hành Quyết định số 28/2012/QĐ-UBND ngày 23-11-2012 quy định về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Quyết định số 35/2014/QĐ-UBND ngày 9-12-2014 quy định về chính sách khuyến khích ưu đãi, hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Quyết định số 07/2013/QĐ-UBND ngày 15-5-2013 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc ban hành quy chế phối hợp trong giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình "Một cửa liên thông" đối với các dự án đầu tư ngoài các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh...
Bên cạnh các cơ chế, chính sách và các hoạt động kêu gọi, xúc tiến đầu tư, Sở tiếp tục tập trung tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản điều hành ngân sách Nhà nước và công tác đầu tư xây dựng cơ bản.
Cũng trong thời gian này, một số dự án đã đi vào hoạt động như: Nhà máy kính nổi Tràng An, Nhà máy phân đạm, Nhà máy ô tô Thành Công, Nhà máy lắp ráp cần gạt nước. Hoạt động du lịch diễn ra sôi động, nổi bật là công tác hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tăng cường giới thiệu, quảng bá, xúc tiến đầu tư và Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới; triển khai xây dựng dự án Công viên động vật hoang dã…
Trải qua chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển, ngành Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Bình qua từng thời kỳ đã kế thừa và phát huy được truyền thống của ngành từ những ngày đầu được thành lập, luôn xứng đáng với sự tin cậy của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.
Dù trong thời kỳ nào, lúc huy động cho tiền tuyến, lúc củng cố xây dựng hậu phương, lúc sát nhập cũng như lúc chia tách tỉnh, ngành Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Bình vẫn giữ vững vai trò tham mưu tổng hợp về kinh tế và xã hội cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, mỗi một thành tựu trong sự phát triển của tỉnh Ninh Bình đều mang dấu ấn đóng góp tích cực của ngành Kế hoạch và Đầu tư.
Nguyễn Chí Tình(Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư)