Thực hiện việc đổi mới giáo dục, chuẩn bị cho thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (năm 2018) của Bộ GD & ĐT đối với cấp THPT, từ năm học 2021 - 2022, Trường phổ thông thực hành sư phạm Tràng An, Đại học Hoa Lư đã triển khai phần mềm "Hệ sinh thái giáo dục thông minh" (Smart Education-vnEdu 4.0) của VNPT.
Cô giáo Phùng Thị Thanh Hương, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường phổ thông thực hành sư phạm Tràng An cho biết: Thực hiện chuyển đổi số, từ tháng 7/2021, nhà trường đã đưa các ứng dụng dành cho lĩnh vực giáo dục, như sổ liên lạc điện tử và tin nhắn điều hành; hệ thống thẻ thông minh; ứng dụng soạn bài giảng điện tử; thi trực tuyến; thiết lập các tài khoản của học sinh, phụ huynh trên máy tính và điện thoại…
Qua bước đầu áp dụng phần mềm "Hệ sinh thái giáo dục thông minh" đã tiết kiệm nhiều thời gian trong công tác quản lý, dạy học, chấm thi của giáo viên; công khai, minh bạch trong kết quả thi, kiểm tra với học sinh, phụ huynh.
Để triển khai hiệu quả phần mềm "Hệ sinh thái giáo dục thông minh", Trường phổ thông thực hành sư phạm Tràng An đã đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, như phòng Tin học đầu tư máy tính, máy chiếu, thiết bị điểm danh, 6/6 lớp học có máy chiếu, nâng cấp đường truyền Internet. Đồng thời, phối hợp với VNPT Ninh Bình tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh về tiện ích, cách tải ứng dụng về máy tính, điện thoại di động, cách thức sử dụng, tra cứu.
Cô giáo Bùi Thị Nguyên, Giảng viên môn tiếng Anh, Trường phổ thông thực hành sư phạm Tràng An cho biết: Giáo án điện tử có một số lợi ích rất nổi bật như tiết kiệm thời gian cho giáo viên trên lớp không phải viết nhiều trên bảng; gây hứng thú cho học sinh trong các bài học với hình ảnh và âm thanh sinh động; đặc biệt, giáo án điện tử rất tiện tích trong triển khai dạy học online...
Việc triển khai "Hệ sinh thái giáo dục thông minh" của Trường phổ thông thực hành sư phạm Tràng An được xem là một trong những giải pháp nhằm bắt kịp với xu thế đào tạo tiên tiến của thế giới, được giáo viên, học sinh, phụ huynh đồng tình, ủng hộ và kỳ vọng nhiều từ hiệu quả của mô hình này.
Em Bùi Huyền Trang, lớp 10C, Trường phổ thông thực hành sư phạm Tràng An cho biết: Em rất hào hứng khi được học tập tại trường với nhiều ứng dụng thông minh. Qua đó giúp em dễ dàng tiếp thu kiến thức, nâng cao trình độ công nghệ thông tin...
Hiện nay, toàn tỉnh có 477 cơ sở giáo dục mầm non, THCS và THPT. Ngành GD&ĐT Ninh Bình đánh giá, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và học tập là yêu cầu tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, giúp ngành có công cụ hiện đại để thực hiện việc đổi mới giáo dục, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đồng thời tạo môi trường giáo dục ổn định, năng động, linh hoạt, đặc biệt hiệu quả trong việc đối phó với thiên tai, dịch bệnh và những nguy cơ thay đổi khó lường.
Trong giai đoạn 2015-2020, ngành GD&ĐT Ninh Bình đã tích cực đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và học tập. Toàn ngành đã hoàn thiện hệ thống cổng thông tin điện tử từ cấp Sở GD&ĐT, cấp Phòng GD&ĐT đến các trường phổ thông toàn tỉnh, thực hiện việc cung cấp, trao đổi thông tin hoạt động, quản lý, điều hành và quản lý hệ thống văn bản hành chính điện tử.
Các trường phổ thông toàn tỉnh đã số hóa công tác quản lý nhà trường, quản lý học sinh, trong đó đặc biệt là công tác quản lý điểm và theo dõi kết quả học tập của học sinh thông qua hệ thống phần mềm trực tuyến với công nghệ điện toán đám mây, giúp tăng tính công khai minh bạch trong việc giảng dạy và đánh giá học sinh, giảm bớt nhân lực, hồ sơ sổ sách phục vụ quản lý, tạo sự thông suốt thông tin kết quả học tập giữa nhà trường, gia đình và các cơ quan quản lý.
Tại các trường, giáo viên thường xuyên sử dụng công cụ dạy học hiện đại để giảng dạy thông qua các bài giảng điện tử làm tăng tính tương tác và hiệu quả bài dạy. Các cơ quan quản lý, các trường học, cán bộ giáo viên, học sinh tích cực sử dụng hệ thống các phần mềm đa dạng, từ phần mềm quản lý thi, phần mềm hỗ trợ giảng dạy, hỗ trợ học tập, các phần mềm thi và đánh giá trực tuyến, phần mềm quản lý thuộc nhiều lĩnh vực như kế toán, thư viện, học sinh, tuyển sinh… phục vụ đắc lực cho mọi hoạt động của ngành.
Kết quả ứng dụng công nghệ thông tin của ngành GD&ĐT Ninh Bình giai đoạn 2015-2020 đã thu được kết quả khả quan, làm tiền đề cho việc số hóa dữ liệu, chuyển đổi số và tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giai đoạn tới. Theo đó, từ tháng 7/2021, Sở GD&ĐT đã ban hành văn bản về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong toàn ngành đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong đó, phấn đấu đạt được các mục tiêu chính như: Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số toàn ngành, làm cơ sở thực hiện mục tiêu đổi mới phương thức dạy và học, quản lý giáo dục và quản trị nhà trường, góp phần tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng và hiệu quả của hệ thống giáo dục toàn tỉnh, hình thành nền tảng số cho xã hội học tập, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng tốt với chi phí thấp cho người dân toàn tỉnh.
Trên cơ sở hệ thống cơ sở dữ liệu ngành do Bộ GD&ĐT cung cấp, xây dựng và vận hành hệ thống phần mềm khai thác cơ sở dữ liệu ngành phục vụ giám sát, điều hành toàn ngành GD&ĐT có thể kết nối và chia dữ liệu tự động với cơ sở dữ liệu ngành của Bộ GD&ĐT và Hệ thống thông tin quản lý điều hành IOC của UBND tỉnh.
Xây dựng và vận hành hệ sinh thái giáo dục gồm nhóm các phần mềm, ứng dụng phục vụ công tác quản lý, giảng dạy, học tập để thực hiện số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin cho tất cả các lĩnh vực của ngành GD&ĐT, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ của từng lĩnh vực, đồng thời là nguồn dữ liệu kết xuất tự động cho cơ sở dữ liệu quản lý điều hành một các thống nhất, tự động.
Với định hướng và mục tiêu trên, ngành GD&ĐT Ninh Bình phấn đấu tạo ra môi trường giáo dục số vào năm 2025, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa giáo dục, phù hợp với yêu cầu kết nối chính quyền số và xã hội thông minh trong tương lai, mục tiêu cuối cùng là tạo điều kiện để thực hiện thắng lợi hoạt động quản lý, dạy và học.
Bài, ảnh: Hồng Vân