Theo số liệu thống kê, chỉ số phát triển công nghiệp toàn tỉnh 10 tháng năm 2012 tăng 7,18% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt 10.803 tỷ đồng, tăng 10,8%. Trong đó, công nghiệp khai thác mỏ đạt 175,8 tỷ đồng, giảm 41,3%; công nghiệp chế biến đạt 10.282,3 tỷ đồng, giảm 12,1%; công nghiệp sản xuất phân phối điện đạt 322,8 tỷ đồng, tăng 25,4%; công nghiệp cung cấp nước đạt 22,2 tỷ đồng, tăng 10,4%. Các sản phẩm công nghiệp đạt mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước là: Quần áo các loại, găng tay, giày, dép vải, xe ô tô 4 chỗ, cần gạt nước ô tô, kính nổi, kính máy ảnh, phân đạm Urê, điện sản xuất, nước máy thương phẩm, dưa chuột đóng hộp...
Theo bà Đỗ Thị Giàn, Trưởng phòng Công nghiệp (Sở Công thương), sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước là do tác động tích cực của các cơ chế, chính sách, các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong vấn đề sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Vấn đề khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp trong tỉnh thời gian qua là việc khan hiếm nguồn vốn cộng với lãi suất quá cao khiến doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận. Với chính sách giảm lãi suất ngân hàng cùng với các biện pháp tháo gỡ khó khăn của địa phương đã giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực đầu tư sản xuất. Một số doanh nghiệp trong tỉnh đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, duy trì ổn định sản xuất. Trong năm, một số dự án mới đã đi vào hoạt động và có sản phẩm trên thị trường như dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trên thực tế, sản xuất công nghiệp có sự tăng trưởng nhưng không ổn định và tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với năm trước, nguyên nhân là nhiều sản phẩm thế mạnh của tỉnh gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Nhiều doanh nghiệp có lượng tồn kho lớn, có mức tăng trưởng giảm sút hoặc không tăng trưởng, nhất là các sản phẩm thuộc ngành sản xuất vật liệu xây dựng như: Đá khai thác, giảm 25%; xi măng và clinker giảm 2%; gạch đất nung giảm 10,9%; thép xây dựng giảm 1,3%....
Hiện nay, tuy phải đối mặt với điều kiện sản xuất còn nhiều khó khăn (giá xăng dầu tăng, tiếp cận vốn vay tín dụng khó khăn, sức mua của người dân chững lại, sản phẩm tồn kho cao...), nhưng mục tiêu hoàn thành kế hoạch sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm hoàn toàn có thể thực hiện được. Điều đó là khả quan vì với gói kích cầu hiện nay và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Chính phủ và của tỉnh, sẽ có một số nhóm hàng chủ yếu có sức mua cao và tiêu thụ với số lượng lớn. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp sẽ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm có lượng tồn kho lớn như ô tô, xi măng, clinker... Hiện nay, một số dự án mới đã đi vào sản xuất ổn định và tìm kiếm được nhiều bạn hàng lớn trong nước và quốc tế. Một số nhóm sản phẩm có mức tăng trưởng khá trong thời gian vừa qua như: Nhóm sản phẩm may mặc, điện nước, hàng xuất khẩu nông sản... tiếp tục giữ ổn định sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Để hoàn thành kế hoạch năm, Sở Công Thương tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh có những giải pháp cụ thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc giải quyết vấn đề tồn kho. Theo đó, những sản phẩm chủ lực có thể xuất khẩu được thì tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu như sản phẩm ô tô, sản phẩm trong lĩnh vực vật liệu xây dựng... Tiếp tục thực hiện các gói kích cầu, đặc biệt là gói kích cầu tiền tệ để các doanh nghiệp có vốn tiếp tục tái đầu tư sản xuất. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại để giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ như tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm... được tổ chức ở trong nước và nước ngoài…
Hồng Giang