Đây là sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong việc cơ cấu lại hệ thống Ngân hàng nhằm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về "Xóa đói, giảm nghèo". Ngân hàng Chính sách xã hội có vai trò rất quan trọng là cầu nối đưa chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác; tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Cùng với sự ra đời của hệ thống NHCSXH, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình được thành lập theo Quyết định số 26/QĐ-HĐQT ngày 4-1-2003 của Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH Việt Nam. Trong giai đoạn đầu, trụ sở giao dịch từ tỉnh đến huyện, thị xã đều phải thuê mượn nhà dân, máy móc, trang thiết bị đều không có, đội ngũ cán bộ chỉ có 10 người từ Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT tỉnh Ninh Bình chuyển sang. Cùng một lúc NHCSXH tỉnh vừa phải nhận bàn giao hàng trăm tỷ đồng dư nợ từ Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT Ninh Bình, Chi nhánh Ngân hàng Công thương Ninh Bình, Kho bạc Nhà nước tỉnh Ninh Bình, vừa phải tổ chức triển khai giải ngân kịp thời vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Song được sự chỉ đạo và quan tâm của NHCSXH Việt Nam; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Ninh Bình; sự phối kết hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan; sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, nhân viên trong đơn vị, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình đã có một mạng lưới hoạt động bao gồm: Chi nhánh tỉnh và 7 phòng giao dịch ở 7 huyện, thị xã (thành phố Ninh Bình do NHCSXH tỉnh Ninh Bình đảm nhiệm), với trên một trăm cán bộ, nhân viên đều được đào tạo chính quy chuyên ngành Tài chính Ngân hàng tại Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân... NHCSXH tỉnh và các huyện, thị xã đều đã có trụ sở khang trang, được trang bị khá đầy đủ các máy móc, trang thiết bị, phương tiện, điều kiện làm việc. Đặc biệt với 145/146 điểm giao dịch lưu động tại các xã, phường, thị trấn, NHCSXH tỉnh Ninh Bình đã thực hiện chuyển tải hàng nghìn tỷ đồng vốn chính sách ưu đãi tới hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Trong 10 năm qua, tranh thủ nguồn vốn của NHCSXH Việt Nam, nguồn vốn ngân sách tỉnh và vốn huy động trên địa bàn, đặc biệt là huy động tiết kiệm trong cộng đồng người nghèo thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, để có nguồn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Đến 31-12-2012, tổng nguồn vốn của NHCSXH tỉnh Ninh Bình là 1.588 tỷ đồng, tăng gấp 12,3 lần so với năm 2003. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 1.368 tỷ đồng, chiếm 86,2% tổng nguồn vốn; vốn ngân sách tỉnh chuyển sang 10,2 tỷ đồng, chiếm 0,65%; vốn huy động trên địa bàn 24,5 tỷ đồng, chiếm 1,54%; nguồn vốn khác 185 tỷ đồng, chiếm 11,58% tổng nguồn vốn.
Về đầu tư tín dụng, khi thành lập Chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình mới thực hiện cho vay 3 chương trình: hộ nghèo, giải quyết việc làm và cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nhận bàn giao từ các Ngân hàng thương mại quốc doanh và Kho bạc Nhà nước.
Đến nay, Ngân hàng đã và đang cho vay 8 chương trình, với tổng doanh số cho vay 10 năm (2003-2012) là 2.731 tỷ đồng/293.942 lượt hộ được vay vốn; tổng doanh số thu nợ 10 năm là 1.299 tỷ đồng/244.324 lượt hộ vay vốn; đưa tổng dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách của Chi nhánh đến 31-12-2012 là 1.583 tỷ đồng/110.627 hộ, đạt 100% kế hoạch, tăng 1.456 tỷ đồng, gấp 12,45 lần dư nợ 1-1-2003 (là năm thành lập NHCSXH). Trong đó, dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo: 359,2 tỷ đồng/32.228 hộ; dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm: 62,7 tỷ đồng/2.398 hộ; dư nợ chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 789,9 tỷ đồng/40.318 hộ/49.033 HSSV; dư nợ chương trình cho vay xuất khẩu lao động: 15,2 tỷ đồng/547 người; dư nợ chương trình cho vay vùng khó khăn theo Quyết định 31/2007/QĐ-TTg ngày 5-3-2007 của Thủ tướng Chính phủ 154 tỷ đồng/7.459 hộ; dư nợ cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 186,5 tỷ đồng/26.326 hộ. Dư nợ chương trình cho vay thương nhân vùng khó khăn: 6,1 tỷ đồng/223 hộ; dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo làm nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12-12-2008 của Thủ tướng Chính phủ 9 tỷ đồng/1.128 hộ. Thời gian tới, Chi nhánh sẽ triển khai cho vay đối với người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp theo Quyết định số 52/2012/QĐ-TTg ngày 16-11-2012 của Thủ tướng Chính phủ; cho vay hộ cận nghèo theo Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg ngày 23-2-2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Việc cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác chủ yếu được triển khai thực hiện ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đến 31-12-2012, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể là 1.552 tỷ đồng, chiếm 98% tổng dư nợ toàn tỉnh. Trong đó, dư nợ ủy thác qua Hội Phụ nữ tỉnh 686 tỷ đồng/37.256 hộ, chiếm 44,2% tổng dư nợ ủy thác; Hội Nông dân tỉnh 441 tỷ đồng/25.982 hộ, chiếm 28,4% tổng dư nợ ủy thác; Hội Cựu chiến binh tỉnh 297 tỷ đồng/16.996 hộ, chiếm 19,1% tổng dư nợ ủy thác; Tỉnh đoàn 128 tỷ đồng/7.316 hộ, chiếm 8,3% tổng dư nợ ủy thác. Với cơ chế phối hợp và ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội nói trên, đã đảm bảo được tính công khai, dân chủ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với các đối tượng được thụ hưởng.
Đồng thời, qua đó tăng cường và nâng cao trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, đảm bảo có hiệu quả cao cả về kinh tế - xã hội. Thông qua việc đầu tư vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, 10 năm qua đã hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn, đồng thời giúp các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phổ biến khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, cách thức làm ăn để hội viên gắn bó hơn với tổ chức hội.
Để tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi một cách kịp thời, giảm bớt thời gian, chi phí đi lại trong việc vay vốn, trả nợ, trả lãi Ngân hàng, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình không ngừng hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động tại các điểm giao dịch lưu động đặt tại UBND các xã, phường, thị trấn. Đồng thời qua việc triển khai thành lập các điểm giao dịch lưu động đã tranh thủ được sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở cũng như xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân đồng tình ủng hộ.
10 năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, NHCSXH tỉnh Ninh Bình đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu khắc phục mọi khó khăn, trở ngại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đã góp phần cùng các cấp, các ngành, các đoàn thể giúp cho 42.486 hộ thoát khỏi nghèo đói, trong đó có hàng nghìn hộ trở thành khá giả. Điển hình như các hộ: Ông Trịnh Văn Thư, thôn Sui, xã Văn Phương (huyện Nho Quan); bà Phạm Thị Năm, thôn Thượng, xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư); bà Đinh Thị Tho, xóm 2, Thọ Bình, xã Yên Phong (huyện Yên Mô); bà Lý Thị Khuê, xóm An Cư, xã Thượng Kiệm (huyện Kim sơn)... Đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 10,38% (theo tiêu chí 2001- 2005) xuống dưới 5,8% năm 2005; từ 18,02% (theo tiêu chí 2006-2010) xuống 6,87% năm 2010; từ 12,4% (theo tiêu chí 2011-2015) xuống 7,54% năm 2012. Đã xây dựng được 68.707 công trình nước sạch và vệ sinh (trong đó: nước sạch 36.670 công trình, vệ sinh 32.037 công trình) góp phần không nhỏ trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 15-10-2007 của Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo đối với công tác giảm nghèo đến năm 2010. Với những thành tích đạt được trong 10 năm qua (2003-2012), Chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình được NHCSXH Việt Nam công nhận là tập thể lao động xuất sắc, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen giai đoạn 2003-2005, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tặng Bằng khen và nhiều năm được tặng Cờ thi đua và Bằng khen của UBND tỉnh.
Qua 10 năm, NHCSXH ra đời và đi vào hoạt động cho thấy, việc thành lập NHCSXH, tách tín dụng ưu đãi ra khỏi tín dụng thương mại là một chủ trương đúng, hợp ý Đảng, lòng dân, được mọi tầng lớp nhân dân ủng hộ, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt là trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khi mà khoảng cách giàu - nghèo có xu hướng ngày một tăng. Qua đây cũng chứng minh một thực tế là: ở đâu được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi, các ban, ngành, đoàn thể có liên quan từ tỉnh đến cơ sở phối hợp chặt chẽ, đội ngũ cán bộ NHCSXH cũng như của các đơn vị nhận ủy thác có trách nhiệm và tâm huyết nhiệt tình với công việc, người dân ý thức được quyền và nghĩa vụ của mình trong việc vay vốn, trả nợ Ngân hàng, thì ở đó hoạt động của NHCSXH đạt hiệu quả cao.
Lã Thị Hồng Yến
(Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình)