Khó xác định con số chính xác về binh lính trẻ em
Theo UNICEF, số liệu chính xác về số trẻ em bị sử dụng và tuyển dụng trong xung đột vũ trang là rất khó xác định, bởi vì bản chất trái quy luật tự nhiên của việc tuyển dụng trẻ em. Nhưng con số ước tính cho thấy, có hàng chục nghìn trẻ em dưới 18 tuổi đã bị sử dụng trong các cuộc xung đột trên toàn thế giới.
Ví dụ, kể từ năm 2013, ước tính có 17.000 trẻ em đã bị tuyển dụng ở Nam Sudan và có tới 10.000 em cũng bị tuyển dụng ở Cộng hòa Trung Phi.
Tương tự như vậy, gần 2.000 trẻ em đã bị tuyển dụng bởi nhóm nổi dậy Boko Haram ở Nigeria và các quốc gia láng giềng chỉ trong năm 2016 và gần 1.500 trường hợp trẻ em bị tuyển dụng ở Yemen kể từ khi xung đột leo thang vào tháng 3/2015.
Theo UNICEF, kể từ khi được thông qua, số quốc gia tham gia vào cam kết Paris đã tăng lên gần gấp đôi từ 58 quốc gia (năm 2007) lên 105 quốc gia ở thời điểm hiện tại. Điều này cho thấy có sự gia tăng cam kết toàn cầu nhằm chấm dứt việc sử dụng trẻ em trong xung đột vũ trang.
Trên toàn cầu, trong vòng 10 năm qua, hơn 65.000 trẻ em đã được giải ngũ khỏi các lực lượng và các nhóm vũ trang, trong đó có 20.000 em ở Cộng hòa Dân chủ Congo, gần 9000 em ở Cộng hòa Trung Phi và hơn 1.600 em ở Chad.
Tính rộng hơn, kể từ 2000 đến nay, đã có hơn 115.000 binh lính trẻ em được giải ngũ. Và một trong số các dự án góp phần bảo vệ trẻ em trong xung đột vũ trang là chiến dịch "Children, not soldiers" (Trẻ em không phải là binh lính), được phát động từ tháng 3/2014, với mục tiêu chấm dứt việc tuyển dụng và sử dụng binh lính trẻ em bởi các nhóm vũ trang.
Những bé gái cũng bị buộc phải trở thành binh lính
Cộng hòa Dân chủ Congo là một trong những ví dụ điển hình về việc sử dụng trẻ em trong các cuộc xung đột. Khu vực Đông Bắc nước này đã bị cản trở bởi xung đột vũ trang liên quan đến các nhóm vũ trang trong và ngoài nước trong hơn 20 năm nay. Phần lớn các nhóm vũ trang đều sử dụng và tuyển dụng trẻ em. Sau khi ký kết Kế hoạch Hành động với Liên hợp quốc vào năm 2012, Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Congo đã có nhiều nỗ lực trong việc ngăn chặn tuyển dụng trẻ em. Mặc dù vậy, việc khai thác và sử dụng trẻ em vào các mục đích vũ trang vẫn còn diễn ra.
Một tổ chức quốc tế về ngăn chặn việc tuyển dụng trẻ em làm binh lính có tên "Child Soldiers International" cho biết, trong hai tháng 1 và 2/2016, họ đã dành 6 tuần ở miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo để phỏng vấn hơn 150 bé gái - những người từng bị buộc phải trở thành binh lính, để tìm hiểu về những gì họ phải trải qua và hiểu về những gì họ mong muốn.
Những bé gái đáng thương đã nhiều lần nhắc đến tầm quan trọng của giáo dục đối với cuộc sống của họ. Nhiều em đã phải tham gia các nhóm vũ trang để có tiền chi trả cho việc học ở trường.
Trong số nhiều bé gái mà tổ chức này gặp, có em tên là Yvette (tên nhân vật đã được thay đổi - theo UNICEF), ở Rutshuru, Bắc Kivu. Yvette mới chỉ 14 tuổi khi em tham gia nhóm dân quân tự vệ được biết đến với tên gọi Mai-Mai Nyatura. Em đã quyết định gia nhập nhóm này sau khi phải rời khỏi trường vì không có đủ tiền trả học phí. Sau 1 năm tham gia nhóm, hiện tại em đang sống với một người cô của mình nhưng vẫn không có đủ khả năng để đi học.
Cũng tại Bắc Kivu, một bé gái khác có tên Neema, 16 tuổi (tên nhân vật đã được thay đổi - theo UNICEF) khi trả lời phỏng vấn cũng đã nói lên nhận thức của mình về việc đến trường. Neema cho rằng, nếu các em được đến trường, cộng đồng sẽ nhìn nhận các em theo cách thân thiện hơn và từ đó cũng có nhiều cơ hội tốt cho các em hơn.
Giữ cho các bé gái được đến trường là một cách để mang lại sự an toàn cho các em, cũng là để giúp các em có một tương lai tươi sáng hơn. Đó cũng là lý do vì sao các tổ chức nhân đạo ở Cộng hòa Dân chủ Congo đang nỗ lực giúp đỡ những bé gái từng là binh lính như Yvette và Neema được quay trở lại trường học. Họ tổ chức những lớp học cho những bé gái chưa bao giờ được đến trường và cả những người như Yvette và Neema có cơ hội được học tiếp.
Cộng hòa Dân chủ Congo cũng như Nam Sudan, Somalia, Sudan hay Yemen,…. đã tham gia tích cực trong cuộc chiến chống tuyển dụng trẻ em. Song con số hàng chục nghìn trẻ em vẫn tiếp tục bị sử dụng trong các cuộc xung đột trên khắp thế giới sẽ vẫn là thách thức lớn, đòi hỏi những nỗ lực không ngừng của các quốc gia này.
Nguồn: Dangcongsan.vn