Trước tình trạng này, ngày 20-8-2007, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 4625/VP-CP về việc ngăn chặn hành vi ném đất, đá lên tàu, thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ gửi các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp nhằm chấm dứt tệ nạn này.
Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, số vụ ném đất, đá lên tàu đã giảm đáng kể, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm 2009 trong cả nước chỉ xảy ra 346 vụ. Tuy số vụ ném đất, đá lên tàu đã giảm đáng kể nhưng vẫn còn các diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể gia tăng.
Tuyến đường sắt Bắc Nam trên địa phận tỉnh Ninh Bình có chiều dài 21,8 km chạy qua 9 phường, xã của 4 huyện, thành phố, thị xã. Tình hình trật tự ATGT đường sắt trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp.
Thực hiện công văn của Văn phòng Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải, vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo UBND các huyện: Hoa Lư, Yên Mô, thành phố Ninh Bình, thị xã Tam Điệp chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Thông tin & Truyền thông, Sở Giáo dục - Đào tạo, Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc, quyết liệt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và công văn của UBND tỉnh.
Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng Thanh tra Đường sắt, Công ty quản lý đường sắt Hà Ninh giải quyết nghiêm túc, kịp thời và triệt để các vụ việc ném đất, đá lên tàu theo quy định của pháp luật.
Trước những bức xúc của nạn ném đất, đá lên tàu hỏa, chính quyền cơ sở và các ban, ngành, đoàn thể cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giữ gìn trật tự ATGT đường sắt cho mọi người dân sinh sống dọc theo tuyến đường sắt. Có biện pháp kiên quyết phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng này.
Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với cơ quan chức năng như: Công an, thanh tra đường sắt và lực lượng bảo vệ trên tàu để có các giải pháp hữu hiệu nhằm răn đe, ngăn chặn các đối tượng có các hành vi ném đất, đá lên tàu.
Thùy Phương