Tuy nhiên, ngay sau khi được đào tạo, những lao động này đành để… mất nghề vì… không trồng được nguyên liệu. Huyện cử cán bộ về khảo sát mới hay, tuy diện tích mặt nước của Gia Minh lớn, nhưng không phù hợp để trồng bèo (nguyên liệu cho nghề đan bèo bồng) bởi nước ở đây rất chua.
Từ dự án này, huyện đã họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Một bài học sâu sắc được lãnh đạo huyện rút ra là dù nuôi con gì, trồng cây gì, và làm nghề gì…đều phải có tính khoa học và nền tảng thực tế.
Rút kinh nghiệm từ thất bại của một số dự án trước, từ năm 2007 đến nay, huyện Gia Viễn đã đặc biệt chú ý tới tính khả thi của dự án, tránh làm theo phong trào, tổ chức cho cán bộ đi tham quan, tìm hiểu thị trường, tham khảo phương thức làm ăn ở những địa phương khác. Đầu năm 2008, đoàn cán bộ huyện đã tới tham quan một doanh nghiệp xuất khẩu tăm hương ở Hà Tây. Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, thị trường tiêu thụ tăm hương rất lớn, đặc biệt là ở Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ… Sản xuất tăm hương vừa đơn giản, lại không phải đầu tư vốn nên rất phù hợp với các đối tượng lao động thủ công. Doanh nghiệp này cam kết, nếu Gia Viễn có nhu cầu phát triển nghề tăm hương, doanh nghiệp sẽ cử cán bộ kỹ thuật về tận nơi để dạy nghề. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ bao tiêu luôn sản phẩm cho người lao động.
Ông Đinh Phúc Dật, Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Gia Viễn cho biết: "Sau chuyến công tác, lãnh đạo huyện đã tổ chức họp bàn lấy ý kiến của lãnh đạo các xã về việc có nên đưa nghề tăm hương về địa phương. 100% ý kiến đồng ý việc phát triển nghề tăm hương, và coi đây là một trong những giải pháp để giảm nghèo. Trước tiên, huyện ưu tiên mở lớp dạy nghề cho các xã nghèo trọng điểm như: Gia Minh, Gia Lạc, Gia Phong… Sau khi "thí điểm" thành công, huyện sẽ phát triển nghề sang các địa phương khác".
Những lao động có nhu cầu học nghề đều phải làm đơn, có dấu xác nhận của chính quyền xã thì huyện mới sắp xếp cho học, tránh tình trạng người lao động học nghề theo phong trào, không có chất lượng… Các học viên được hỗ trợ toàn bộ học phí, dụng cụ học tập…, ngoài ra còn được hỗ trợ tiền ăn trưa với mức 10.000 đồng/ngày. Đến nay, huyện Gia Viễn đã có 3 lớp, với gần 300 học viên hoàn thành khóa học.
Chị Đào Thị Sen phấn khởi nói: "Vợ chồng tôi có 4 đứa con, các cháu lại đang tuổi đến trường. Nhà chỉ có 7 sào ruộng, nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Chồng tôi phải vào Nam làm phụ hồ, vừa vất vả mà thu nhập cũng chẳng đáng là bao. Còn tôi, ngoài 7 sào ruộng ra thì cũng không biết làm gì để có thêm thu nhập, đi làm công nhân thì không có trình độ, tay nghề. Nay được học nghề tôi thấy rất vui. Nghề chẻ tăm hương vừa dễ làm, lại không phải bỏ vốn đầu tư ban đầu." Từ vài tháng nay, không khí ở các xã này cũng nhộn nhịp hẳn lên. Ô tô chở nguyên liệu đến, rồi lại chở sản phẩm đi…
Cứ thế, người biết nghề lại chỉ bảo cho những người chưa biết. Những lúc rảnh việc gia đình, các thành viên đều có thể tham gia.
Em Nguyễn Thị Thủy - học sinh lớp 10 ở xã Gia Phong cho biết: "Ngoài thời gian học, em tranh thủ phụ với mẹ làm tăm hương. Việc này cũng dễ làm, em trai em mới học lớp 6 mà cũng biết làm". Ông Dật cho biết thêm: "Tính ra, mỗi lao động lành nghề cũng có thu nhập 400.000 đồng/tháng. Tuy chưa phải là cao, nhưng cũng góp phần giải quyết khó khăn cho nhiều gia đình.
Trong quá trình triển khai, cán bộ huyện thường xuyên về kiểm tra, động viên các lao động làm nghề. Qua đó, một mặt rút kinh nghiệm cho những khóa đào tạo sau, mặt khác nắm bắt chính xác được tình hình của lao động, tránh xảy ra tình trạng lao động bị doanh nghiệp ép giá. Sắp tới, huyện có chủ trương mở thêm nghề se hương cho lao động ở xã Gia Sinh. Sản phẩm này không xuất khẩu, mà hướng tới tiêu thụ ở thị trường nội địa, cụ thể là phục vụ cho khu vực chùa Bái Đính".
Thời gian qua, huyện Gia Viễn luôn gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, trong đó tập trung cho những xã nghèo, xã có diện tích đất bị thu hồi xây dựng Cụm công nghiệp Gián Khẩu, khu du lịch… thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn, chỉ đạo các địa phương được hỗ trợ kinh phí tuyên truyền, hướng dẫn người lao động chọn nghề phù hợp để đăng ký học nghề. Đối với những lao động có sức khỏe, nhận thức tốt, huyện liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn phối hợp đào tạo. Doanh nghiệp cử cán bộ chuyên môn trực tiếp dạy nghề cho học viên. Do đó, phần lớn học viên sau khi học xong đều được bố trí việc làm, đáp ứng được yêu cầu công việc.
Ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn khẳng định: "Trong công tác dạy nghề, tạo việc làm, chúng tôi vận dụng triệt để tinh thần "chắc đánh, chắc thắng", tránh tình trạng dự án bị thất bại do thực hiện nóng vội, phi thực tế. Căn cứ vào nhu cầu của thị trường và thế mạnh của địa phương để chúng tôi lựa chọn ngành nghề phù hợp".
Với chủ trương đó, huyện đã mở lớp dạy đan song, mây xuất khẩu cho lao động ở xã Gia Trung. Trước đây, người Gia Trung vốn rất nổi tiếng với nghề đan mây, tre. Hiện, các doanh nghiệp xuất khẩu song, mây trong tỉnh đã về khảo sát và rất hài lòng về tay nghề của lao động địa phương. Doanh nghiệp đã quyết định đầu tư nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm cho Gia Trung.
Ông Đinh Đắc Trung, thôn Chấn Hưng cho biết: "Từ khi còn là thanh niên, tôi đã học và thành thạo nghề đan tre. Tuy nhiên, do sản phẩm của địa phương đơn điệu về mẫu mã nên không cạnh tranh được với các sản phẩm làm từ inox, nhựa…Nay được huyện tạo điều kiện mở lớp đào tạo nghề đan song-mây tôi rất mừng, làng nghề sẽ được duy trì và phát triển.
Việc thực hiện dự án này, không chỉ tạo việc làm, tăng thêm thu nhập, giúp địa phương giảm nghèo mà còn góp phần củng cố, duy trì làng nghề thủ công truyền thống đã bị "ngủ quên" từ nhiều năm nay. Một số làng nghề mới như: Đan chiếu trúc ở Gia Xuân, trồng nấm rơm ở Gia Tiến... cũng đã được hình thành và phát triển khá tốt.
Gia Viễn phấn đấu đến năm 2010 xây dựng thêm một số làng nghề mới như: Làng trồng hoa, cây cảnh và làm hương phục vụ khách du lịch chùa Bái Đính - xã Gia Sinh; làng nuôi thủy sản tại sông Hoàng Long cụt - xã Gia Trung, làng trồng hoa, cây cảnh phục vụ du lịch sinh thái tại xã Gia Vân…
Gia Viễn xác định, đây là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống 12% vào năm 2010.
Thu Hằng