Đối với đào tạo đại học, tỉnh tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ ở cơ sở với việc mở 2 lớp đào tạo chuyên môn đại học tại chức chuyên ngành Luật và quản lý kinh tế cho 139 cán bộ cấp xã. Đối với đào tạo sau đại học, để khắc phục tình trạng học tập hình thức, lấy số lượng, chạy theo bằng cấp, tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị khi chọn, cử cán bộ, công chức, viên chức đi học phải đảm bảo chuyên ngành đào tạo phù hợp với chuyên môn bậc đại học và chức danh, vị trí việc làm; ưu tiên các ngành, lĩnh vực mà tỉnh đang thiếu và cần. Trong năm 2016 và 2017, toàn tỉnh đã cử 126 người đi đào tạo trình độ thạc sỹ; 5 người đào tạo trình độ tiến sỹ; 25 người đào tạo bác sỹ, dược sỹ chuyên khoa cấp I, cấp II.
Về đào tạo lý luận chính trị, việc chiêu sinh, chọn, cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo đảm bảo chỉ tiêu, khách quan, đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Trong 2 năm vừa qua, tỉnh đã phối hợp với Học viện Chính trị khu vực I tổ chức được 2 lớp cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung mở tại tỉnh cho 180 đồng chí. Cử 85 đồng chí đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung và hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Chính trị khu vực I. Tổ chức được 17 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho 1.348 đồng chí; trong đó có 4 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính mở ngoài kế hoạch (tự túc kinh phí và học ngoài giờ hành chính). Đây là hình thức đào tạo linh hoạt, căn cứ từ nhu cầu của cán bộ và tình hình thực tế để đào tạo thêm và cũng là triển khai thực hiện xã hội hóa trong công tác đào tạo cán bộ. Đến nay, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã cơ bản có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên, đáp ứng yêu cầu công tác và vị trí việc làm.
Công tác bồi dưỡng được thực hiện với nhiều loại hình trên các lĩnh vực, từng bước góp phần trang bị, bổ sung kỹ năng thực thi công vụ, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp lãnh đạo, quản lý... cho cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt là công tác đào tạo, bồi dưỡng đã gắn liền với nhu cầu sử dụng, bố trí, sắp xếp cán bộ của tỉnh. Sau các khóa bồi dưỡng nguồn cấp xã, trên 50% học viên được đảm nhiệm các vị trí chủ chốt và ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ; sau bồi dưỡng nguồn cấp tỉnh có 30% học viên được đảm nhiệm các vị trí của ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Chương trình và nội dung các loại hình đào tạo, bồi dưỡng được xây dựng phù hợp với từng đối tượng người học như vị trí việc làm, chức danh cán bộ, cấp, bậc... đảm bảo chất lượng theo quy định, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra của địa phương, của tỉnh. Các chương trình đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; thực hiện đúng thời gian, nội dung khung chương trình của các bộ, ngành Trung ương và định hướng, quan điểm, chủ trương của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương.
Công tác tổ chức, quản lý đào tạo, bồi dưỡng của toàn tỉnh được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt hàng năm. Căn cứ vào Kế hoạch phê duyệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cơ quan chuyên môn ra quyết định mở lớp theo thẩm quyền và phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức quản lý, theo dõi đánh giá kết quả sau đào tạo, bồi dưỡng. Về công tác kiểm tra, đánh giá được thực hiện thường xuyên. Qua kiểm tra, đánh giá đã kịp thời rút kinh nghiệm những điểm mạnh, điểm yếu, những khó khăn, vướng mắc và có giải pháp khắc phục.
Đối với chế độ, chính sách, tỉnh đã thực hiện nghiêm túc Thông tư số 139 của Bộ Tài chính quy định về việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Đồng thời ban hành và thực hiện chế độ hỗ trợ đặc thù của địa phương như hỗ trợ cán bộ đi đào tạo chuyên môn sau đại học là 20.000.000 đồng/người đào tạo thạc sỹ, 40.000.000 đồng/người đào tạo tiến sỹ, cán bộ nữ được hỗ trợ thêm từ 7.000.000 - 10.000.000 đồng; đào tạo chính trị được hỗ trợ tiền học phí, tiền mua giáo trình, cán bộ nữ được hỗ trợ thêm từ 2.000.000 - 5.000.000 đồng; cán bộ theo học các lớp bồi dưỡng được hỗ trợ tiền học phí, được cấp tài liệu, được bố trí chỗ ở, được hỗ trợ tiền ăn 30.000 đến 50.000 đồng/người/ngày. Học viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng đều được chi trả chế độ hỗ trợ theo đúng quy định, đảm bảo trình tự, quy trình.
Thực tiễn cho thấy, công tác đào tạo, bồi dưỡng đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, năng lực quản lý, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, từng bước hoàn thiện tiêu chuẩn ngạch, chức vụ, chức danh theo quy định. Sau đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ, công chức, viên chức có chuyển biến tích cực, nhận thức chính trị vững vàng hơn, chất lượng, hiệu quả công việc nâng lên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn liền với công tác quy hoạch, đáp ứng cơ bản việc xây dựng nguồn cán bộ, tạo thuận lợi cho công tác sử dụng, bố trí, sắp xếp cán bộ và thực hiện nhiệm vụ chính trị ở các cơ quan, đơn vị.
Đào Duy