Có mặt tại Khoa Tim mạch - Bệnh viện đa khoa tỉnh, mặc dù lượng bệnh nhân không tăng so với cùng kỳ nhưng có khá nhiều bệnh nhân tái phát bệnh do thời tiết nắng nóng. Điều trị bệnh tim được 3 ngày nay tại Khoa Tim mạch, bác Nguyễn Ngọc ái, 84 tuổi, xã Khánh Nhạc (Yên Khánh) cho biết: Nóng quá, tôi tuổi cao nên không chịu nổi, bệnh tim mạch lại tái phát, mấy ngày qua tôi thấy khó thở, mệt trong người, không ăn uống gì được. Không chỉ đau tim, tôi còn đau đầu, mồ hôi ra nhiều, phải cấp cứu ở bệnh viện huyện Yên Khánh, sau đó được giới thiệu chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đến đây, được các bác sĩ điều trị nên đã đỡ nhiều, nhưng thời tiết vẫn phức tạp nên còn phải nằm điều trị và theo dõi thêm thời gian nữa. Tại Khoa Thần kinh, lượng bệnh nhân tăng nhanh, trong đó chủ yếu các bệnh do huyết áp, tai biến. Bác Nguyễn Thanh Hiền, xã Gia Sinh (Gia Viễn) chia sẻ: Do thời tiết nắng nóng oi bức kéo dài nên bệnh huyết áp cao của tôi lại tái phát, mặc dù đã uống thuốc đều đặn nhưng cơ thể tự nhiên tê nửa người, huyết áp cao tăng lên 160-170 mmHg, bản thân tôi và gia đình rất sợ bị tai biến. Hai ngày nay, do được điều trị đúng bệnh nên cơ thể đã đỡ tê, huyết áp giảm xuống 130-140mmHg, được các bác sĩ chẩn đoán, tôi xác định còn phải tiếp tục điều trị hàng tuần nữa mới ổn định.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng, Phó trưởng Khoa Thần kinh - Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Đây là đợt nắng nóng gay gắt đầu tiên nên người cao tuổi chưa thể thích nghi được. Nắng nóng kéo dài sẽ xuất hiện tình trạng nhiều bệnh nhân mất nước, rối loạn điện giải, say nắng ở người già. Khi nhiệt độ cơ thể tăng, mồ hôi ra nhiều, việc vệ sinh cho các cụ cũng như chế độ điều hòa bật không phù hợp dễ dẫn đến viêm phổi, bệnh về đường hô hấp. Đặc biệt, thời tiết nắng nóng hiện nay khiến người cao tuổi bị huyết áp tăng cao, gây tai biến mạch máu não. Khoa Thần kinh có 65 giường bệnh, hiện đang phải sử dụng vượt công suất với 78 giường, lúc cao điểm phải sử dụng hơn 100 giường. Trước tình trạng bệnh nhân quá tải, Khoa phải kê thêm các giường phụ và Bệnh viện đang bổ sung một buồng bệnh với 20 giường, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, điều trị cho người bệnh.
Tại Khoa Nhi 2, Bệnh viện Sản - Nhi Ninh Bình, bác sĩ Phạm Văn Yên, Trưởng khoa cho biết: Khoa Nhi 2 hiện vẫn đang đảm bảo công suất giường phục vụ người bệnh, tuy nhiên mấy ngày gần đây số trẻ mắc bệnh tiêu chảy có chiều hướng gia tăng. Đây là bệnh nhiễm trùng đường ruột do vi rút, siêu vi hoặc ký sinh trùng gây ra, bệnh lây qua đường phân - miệng nên nguyên nhân mắc thường là do ăn uống không đảm bảo vệ sinh. Vào những ngày nắng nóng, trẻ nhỏ ra nhiều mồ hôi, cơ thể mất nước cần phải bù liên tục, do đó các em thường ăn uống bất kỳ thứ gì có để thỏa mãn cơn khát. Mặt khác, trẻ chưa tự ý thức giữ vệ sinh cá nhân, thường hay mút tay nên chỉ cần tiếp xúc với mầm bệnh, nguy cơ mắc tiêu chảy rất cao.
Bác sĩ Phạm Văn Yên cho biết thêm: Từ đầu tháng 6 đến nay, đa phần trẻ em được đưa vào đây đều có triệu chứng sốt, nổi mẩn ngứa và bị các bệnh về tiêu hóa. Trong thời tiết nắng nóng, không nên tắm quá lâu, quạt thẳng vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp. Cha mẹ cần theo dõi sức khỏe của cháu, hạn chế không cho các cháu ra nắng, khi phát hiện cháu bị sốt cần đo nhiệt độ cơ thể và cho uống thuốc hạ sốt, nếu bị nặng cần đưa ngay đến các trung tâm y tế. Bên cạnh đó nên cho trẻ uống đủ nước, ngủ đủ giấc, ăn thức ăn lỏng để bảo đảm sức đề kháng cho các em; đặc biệt phải bảo quản thức ăn để tránh ôi thiu sẽ gây ra bệnh tiêu chảy.
Theo các bác sĩ, nguyên nhân khiến nhiều người già và trẻ em nhập viện trong những ngày gần đây là do thời tiết nắng nóng thất thường, vi khuẩn phát triển mạnh trong khi sức đề kháng của trẻ và những người cao tuổi bị giảm. Các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên hạn chế đi ra ngoài trời vào những ngày nắng nóng. Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp đi ra trời nắng đột ngột dễ bị chênh lệch nhiệt độ. Do vậy, nên tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời, để cơ thể thích nghi.
Đối với trẻ em, trong những ngày nắng nóng không nên ra ngoài trời quá nhiều, hướng dẫn trẻ chơi trong bóng râm, uống nhiều nước, ăn đồ ăn đảm bảo vệ sinh trong ngày, tránh thức ăn ôi thiu, mặc quần áo thoáng mát cho trẻ. Nếu đưa trẻ đi bơi, tắm biển, phải tránh tắm vào thời gian từ 10h - 16h vì rất dễ say nắng. Khi trẻ bị say nắng phải nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị.
Còn đối với người cao tuổi, thường dễ bị các bệnh về huyết áp, say nóng, tim mạch, tai biến trong thời tiết nắng nóng, do vậy phải đặc biệt theo dõi huyết áp thường xuyên, có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, không nên căng thẳng, bố trí công việc hợp lý, hạn chế đi ra đường khi trời nắng nóng. Những người chăm sóc người cao tuổi cần lưu ý là người già cảm giác khát nước rất ít dù cơ thể thiếu nước, vì vậy, cần cho các cụ uống nước. Những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính càng phải tuân thủ điều trị, uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Bài, ảnh: Hạnh Chi