Chờ làm thủ tục cho người nhà vào cấp cứu do tai biến, chị Nguyễn Thị Phượng (phường Thanh Bình- thành phố Ninh Bình) cho biết: Ông cụ nhà tôi vừa đi Hà Nội chơi với cháu mấy hôm, khi về thấy ông có dấu hiệu mệt mỏi, cứ kêu đau đầu, có triệu chứng nôn…Trong nhà ai cũng nghĩ ông mệt do say xe nên cứ để ông ở nhà chăm sóc. Nhưng sang đến ngày thứ 2, thấy dấu hiệu của ông mệt hơn, nói năng kém, miệng hơi méo… Nghĩ đến tình huống ông bị tai biến do chứng huyết áp cao nên cả nhà vội vàng đưa ông vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Qua khám và chẩn đoán, ông nhà tôi có tiền sử huyết áp cao, lại ra nắng nên dẫn đến huyết áp tăng cao, lại không đưa vào viện ngay đã dẫn đến tai biến nhẹ… Qua thống kê nhanh của Bệnh viện đa khoa tỉnh, trong những ngày nắng nóng vừa qua, Bệnh viện tiếp nhận khá đông người cao tuổi đến khám và điều trị. Nếu như bình thường, trung bình mỗi ngày có trên 70 bệnh nhân nhập viện, thì hiện nay con số này có thể tăng lên trên 100 bệnh nhân là người cao tuổi với các triệu chứng bệnh như: tim mạch, huyết áp, viêm phế quản, viêm phổi, tai biến mạch máu não, bệnh về đường tiêu hóa… Trong đó, số bệnh nhân là người cao tuổi vào khám và điều trị tại Khoa Nội-Tim mạch tăng đáng kể, từ khoảng 60 bệnh nhân điều trị nội trú những ngày thường, nhưng khi nắng nóng gia tăng thì số bệnh nhân đã tăng lên gần 100 người. Trao đổi với bác sỹ Mai Thị Như Hoa, Phó trưởng khoa Nội- Tim mạch được biết thêm: Bệnh về tim mạch gồm nhiều loại khác nhau như tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, bệnh các van của tim, tai biến mạch máu não, thấp tim, nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim, suy tim, bệnh tim bẩm sinh, loạn nhịp tim, phình động mạch, tắc nghẽn động mạch, bệnh động mạch cảnh, xơ vữa động mạch…, trong đó nhồi máu cơ tim và đột quỵ thường xảy ra đột ngột và là những trường hợp cấp cứu tối khẩn, có tỷ lệ tử vong và di chứng rất cao. Do đó, những người có tiền sử về bệnh tim mạch phải chú ý đi khám sức khỏe định kỳ để được kiểm tra, tư vấn cách thức phòng, chống bệnh và chăm sóc sức khỏe đúng cách. Khi thấy người cao tuổi có những dấu hiệu bệnh, cần phải đưa ngay vào bệnh viện cấp cứu và điều trị kịp thời, tránh để bệnh nhân ở nhà tự điều trị dễ dẫn đến tình trạng bệnh nhân nặng hơn, khó cho công tác điều trị. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ngoài số lượng bệnh nhân là người cao tuổi gia tăng dịp này, số bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú với các triệu chứng bệnh hay gặp của mùa hè như: tiêu chảy, sốt xuất huyết, viêm phế quản, viêm phổi… cũng tăng cao gấp 1,5 lần so với ngày thường. Tại Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh, tình hình tiếp nhận bệnh nhi cũng gia tăng không khác gì tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Theo thống kê của Khoa Khám bệnh, chỉ trong 3-4 ngày nắng nóng đỉnh điểm vừa qua, mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận từ 150-200 lượt trẻ em đến khám và điều trị với các triệu chứng bệnh về viêm đường hô hấp, bệnh về đường tiêu hóa, bệnh dễ lây truyền như: tay-chân-miệng…, tăng 10-20% so với thời điểm trước nắng nóng. Do nắng nóng gia tăng nên theo các bác sỹ trực tiếp điều trị, tình trạng bệnh của trẻ nhỏ có diễn biến rất nhanh. Chỉ trong một ngày, nhiều bệnh nhi đã từ ho, sốt chuyển sang viêm phổi. Trong đó, số trẻ nhập viện chủ yếu là trẻ ở độ tuổi dưới 24 tháng tuổi, là lứa tuổi có sức đề kháng kém. Do đó, các bác sỹ và cả người nhà bệnh nhi rất vất vả trong việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhi trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay. Trước tình hình bệnh nhi nhập viện ngày càng tăng, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh đã tăng cường đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng cho hai Khoa để đảm bảo thăm khám, đón tiếp và giải quyết hết lượng bệnh nhi nhập viện trong ngày. Chỉ đạo 2 Khoa Nhi bố trí kê thêm giường bệnh để đảm bảo đủ chỗ cho bệnh nhi nhập viện, tránh tình trạng nằm ghép, tránh lây nhiễm chéo giữa các bệnh nhân. Đối với những trẻ chỉ mắc bệnh ở mức độ nhẹ, các bác sỹ đã thăm khám cẩn thận, kê đơn thuốc, hướng dẫn phụ huynh về chăm sóc, điều trị cho con em, hạn chế tình trạng bệnh nhi nhập viện quá đông, gây quá tải trong những ngày nắng nóng.
Để phòng, chống dịch bệnh mùa hè, nhất là dịp nắng nóng, Sở Y tế đã có công văn chỉ đạo các đơn vị y tế trong tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các ca bệnh, chuẩn bị tốt các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất để đảm bảo thực hiện tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, không để xảy ra tình trạng tử vong do bệnh dịch. Cùng với công tác khám và điều trị, ngành Y tế cũng đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống dịch bệnh mùa hè, có những biện pháp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Đối với người cao tuổi và trẻ nhỏ là hai đối tượng có sức đề kháng kém, phải được gia đình quan tâm chăm sóc tốt về chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung vitamin, hoa quả, uống nhiều nước, thực hiện vệ sinh cá nhân thường xuyên, đảm bảo môi trường trong nhà và xung quanh luôn sạch sẽ, thoáng mát… Trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay, người cao tuổi và trẻ nhỏ không nên ra đường, không nên đi tham quan, du lịch, đến nơi tập trung đông người để bảo vệ sức khỏe. Khi có các triệu chứng bệnh, không nên tự ý điều trị tại nhà mà phải đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được khám và điều trị. Đối với người cao tuổi, nhất là những người mắc các bệnh mãn tính, bệnh về tim mạch…cần phải duy trì lịch khám sức khỏe định kỳ.
Bùi Diệu