Hỏi chuyện chị Nguyễn Thị Hằng (phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình), chúng tôi được biết: Ban đầu ở phòng làm việc của tôi có một người bị đau mắt nhưng mọi người chủ quan, nghĩ là đau mắt đơn giản nên không ai có ý thức phòng bệnh, vẫn hàng ngày tiếp xúc, nói chuyện, làm việc chung trong môi trường phòng điều hòa… Đến khi người bị đau mắt khỏi thì tôi và một số người khác bắt đầu thấy mắt cộm cộm, đau nhức. Đến khám tại Bệnh viện mới biết mình bị đau mắt đỏ, là bệnh rất dễ lây lan nếu không vệ sinh, phòng bệnh cẩn thận…
Cũng như chị Hằng, nhiều người đến Bệnh viện Mắt tỉnh để khám và điều trị đều có chung suy nghĩ về bệnh đau mắt đỏ đơn giản như vậy. Khi có người trong gia đình, trong cơ quan, cùng phòng làm việc bị đau mắt, nhưng kể cả người bệnh và những người xung quanh ít có sự quan tâm phòng, chống dịch bệnh thông qua việc thay đổi thói quen sinh hoạt, nâng cao ý thức vệ sinh phòng bệnh… nên dịch đau mắt đỏ có nguy cơ lây lan ra diện rộng.
Có gia đình cả nhà đều bị đau mắt, cứ người này khỏi thì người khác lại bị. Khổ nhất là những gia đình có con nhỏ đang tuổi mẫu giáo, đi học. Chỉ cần một bạn trong lớp bị đau mắt thì gần như cả lớp lây theo nên khi có con bị đau mắt, cô giáo đề nghị phụ huynh nên để con ở nhà để tránh lây lan ra các bạn khác trong lớp. Chưa có thống kê đầy đủ về số lượng người bệnh đau mắt đỏ đến các cơ sở y tế trong tỉnh để khám và điều trị.
Chỉ riêng tại Bệnh viện Mắt tỉnh trung bình mỗi ngày có từ 30- 40 bệnh nhân đến khám và điều trị về bệnh đau mắt đỏ, chiếm tới trên 80% tổng số bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh về mắt. Phần lớn người bệnh đến đây đều trong tình trạng tự điều trị tại nhà không khỏi hoặc bệnh có chiều hướng nặng lên.
Trao đổi với bác sỹ Tô Thị Hoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh được biết: Viêm kết mạc cấp hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ là bệnh cấp tính tại mắt có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nguyên nhân gây bệnh là do vi rút hoặc vi khuẩn, đa số bệnh lây trực tiếp từ mắt bị đau sang mắt không đau do các nguyên nhân như: do tay chạm vào, dùng chung khăn, chung chậu rửa mặt, chung thuốc nhỏ mắt… Đây là nguyên nhân khiến trong một gia đình nếu một người bị đau mắt, cả nhà thường bị lây. Đặc biệt, trong môi trường tập thể như các trường mầm non, tiểu học...
Cũng theo bác sỹ Tô Thị Hoa, đau mắt đỏ thường có các biểu hiện: Mắt đỏ có thể phù nề mi kết mạc, mắt thấy khó chịu cay mắt, cảm giác như có cát bụi, ngứa, mắt có nhiều rử, dính mắt. Nếu bệnh nhân đi khám mắt sẽ thấy thị lực vẫn bình thường, rử mắt nhiều, có màu trắng hoặc vàng, khám kết mạc mi có nhú, hột, gai máu, có khi xuất huyết kết mạc, giác mạc trong bóng. Toàn thân người bệnh có thể sốt nhẹ, có hạch tuyến mang tai hay hạch góc hàm, thấy khó nuốt hoặc nuốt vướng.
Khi thấy có các triệu chứng trên, tốt nhất người bệnh nên đến các cơ sở y tế, nhất là các cơ sở chuyên khoa về mắt để khám và điều trị. Nếu ở mức độ nhẹ, có thể tự điều trị tại nhà bằng cách dùng dung dịch NaCl 9%o nhỏ rửa mắt, lấy chất tiết hàng ngày và tra thêm một trong số các thuốc kháng sinh như: Gentamycin 0,5%, Tobramycin, Ciproflocacin, Tetraxyclin… Bệnh đau mắt đỏ thường khỏi sau 3-7 ngày. Đối với bệnh nhân đã điều trị sau 3- 5 ngày không đỡ hoặc nhìn mờ, chói, chảy nước mắt cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế chuyên khoa về mắt để được khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra như: sẹo giác mạc, giảm thị lực, thậm chí gây mù lòa.
Hiện nay, bệnh đau mắt đỏ đang lây lan thành dịch với số lượng người mắc đông. Do đó, ngành Y tế cũng khuyến cáo người dân cách phòng, chống dịch bệnh để hạn chế tình trạng dịch bệnh lây lan. Để phòng bệnh hiệu quả, người bị đau mắt đỏ không nên đến các nơi công cộng có tập trung đông người nhằm tránh lây lan cho những người xung quanh.
Đối với các gia đình có người mắc bệnh đau mắt đỏ, khi phải tiếp xúc với chất tiết của mắt người bị bệnh cần phải chú ý rửa tay bằng xà phòng, không dụi tay lên mắt, không dùng chung khăn mặt, chung chậu rửa mặt, chung thuốc nhỏ mắt với người bị bệnh. Đối với các cơ sở y tế, phải đảm bảo vô khuẩn dụng cụ y tế, đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trang bị thêm kiến thức để mỗi người, mỗi gia đình tự phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, trong thời gian dịch đau mắt đỏ đang xuất hiện, người dân cần tăng cường vệ sinh và bảo vệ cho đôi mắt bằng cách đeo kính khi ra đường, thực hiện tra rửa mắt sau khi đi bụi bằng dung dịch NaCl 9%o.
Bên cạnh đó, các bác sỹ cũng lưu ý người mắc bệnh đau mắt đỏ cần lưu ý không được tự ý tra nhỏ các thuốc có Corticoid như: Polydexa, Dexaclor, Mỡ Cloxit-H vì dễ gây ra các biến chứng.
Bùi Diệu