Đầu tháng 12, tại một số trường Tiểu học trên địa bàn thành phố Ninh Bình xuất hiện các ổ dịch nhỏ (bệnh thủy đậu). Có những lớp, từ một em sau đó lây lan ra đến nửa lớp. Ngay sau đó, các trường hợp mắc và nghi mắc bệnh đều được cách ly, nghỉ học tại gia đình, không để lây lan bệnh ra cả lớp và toàn trường. Theo các bác sĩ, bệnh thủy đậu rất dễ lây lan, do lây qua đường hô hấp, do sử dụng chung các vật dụng cá nhân như khăn mặt, ăn uống chung và do dịch trong các vết bong bóng nước trên da người bệnh vỡ ra... Đây là một dạng bệnh nhiễm trùng da, với biểu hiện nổi bong bóng nước trên da và niêm mạc, do đó người bệnh mệt mỏi, cơ thể suy nhược, sốt cao... Bệnh không nguy hiểm, cần giữ gìn vệ sinh, bôi thuốc điều trị trong khoảng thời gian từ 10-12 ngày là hết bệnh.
Gia đình chị Đinh Thị Thanh Huyền, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) đã hơn 2 tuần nay, 3/4 người trong gia đình đều mắc cúm. Hai con chị Huyền đều đang tuổi học mầm non nên đều phải nghỉ học do sốt cao, ho nhiều. Sau khi đi khám tại bệnh viện, do bệnh không quá nặng nên các con chị được chỉ định điều trị tại nhà. "Thời tiết diễn biến phức tạp, nóng và lạnh thay đổi liên tục trong ngày, khiến bọn trẻ mắc bệnh rất mệt mỏi, lười ăn. Trong khi dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa hoàn toàn được khống chế, việc đi lại, nằm viện chỉ khi nào thực sự cần thiết. Tôi nghĩ mỗi người cần phải tự nâng cao ý thức phòng, chống bệnh cho mình và gia đình..." - chị Huyền chia sẻ.
Tại khoa Nội nhi, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh những ngày đầu tháng 12/2020 luôn có 180-200 bệnh nhi điều trị nội trú. Chị Đinh Thị Hồng, xã Gia Thanh (huyện Gia Viễn) đã chăm sóc bé Phạm Đức Minh, 2,5 tuổi, bị viêm phổi do nhiễm lạnh được điều trị tích cực gần chục ngày nay mới ổn định. Chị Hồng cho biết, thời tiết thay đổi đột ngột, đang nóng chuyển lạnh, trong khi con chị gầy, bé, sức đề kháng yếu nên mắc bệnh, sốt cao, không ăn uống được, gia đình tôi phải chuyển bé xuống bệnh viện Sản-Nhi để điều trị... "Trong quá trình điều trị bệnh cho con tại đây, tôi cũng được các bác sĩ, điều dưỡng tư vấn, hướng dẫn cách bảo vệ sức khỏe theo mùa, chế độ ăn, uống đủ chất dinh dưỡng để phòng, chống bệnh tật cho cháu. Tôi sẽ dành thời gian chăm sóc cho con tốt hơn, giúp cháu phát triển khỏe mạnh..." - chị Hồng chia sẻ thêm.
Bác sĩ Phạm Thị ánh Hồng, Phó khoa Nội nhi, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh cho biết: Trong thời điểm mùa đông-xuân hiện nay, bệnh nhân nhi tại khoa chủ yếu mắc các bệnh viêm phổi, viêm đường hô hấp cấp và sốt cao, cảm cúm... Nguyên nhân là do, vào những ngày đầu mùa đông, thời tiết thay đổi thất thường với lạnh vào buổi sáng và tối, nắng vào buổi trưa, khiến cơ thể trẻ em chưa thích nghi kịp. Mỗi ngày khoa đón tiếp hàng chục bệnh nhi nhập viện. Tại khoa luôn có khoảng trên dưới 200 bệnh nhân nhi nằm điều trị, với các bệnh về hô hấp, viêm phổi, sốt phát ban... Trong đó, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản, sốt do virus... tăng khoảng 30% so với trước.
Cũng cần lưu ý đối với một số trường hợp, trẻ mắc bệnh được gia đình tự điều trị tại nhà, dùng thuốc không đúng chủng loại bệnh, nên bệnh không khỏi, gây mệt mỏi cho trẻ, dễ xảy ra diễn biến nặng. "Nếu trẻ mắc các bệnh đường hô hấp trên, chỉ ho, sốt, cảm cúm thông thường, cha mẹ không cần quá lo lắng, không nên tự ý dùng kháng sinh, cho trẻ đi khám và dùng thuốc theo đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, nếu trẻ sốt kèm theo các biểu hiện thở nhanh, rút lõm lồng ngực, mệt mỏi, suy hô hấp, biến chứng phổi thì cần nhanh chóng đến bệnh viện khám để được điều trị kịp thời...."- Bác sĩ ánh Hồng khuyến cáo.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thì, thời tiết giao mùa chuyển từ mùa thu sang đông - xuân thường tạo ra sự thay đổi về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm… ảnh hưởng đến sức khỏe con người, làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Nhận định được nguy cơ diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong thời điểm mùa đông - xuân, nhất là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp dự phòng, ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh phát sinh và phát triển.
Theo đó, Trung tâm xây dựng kế hoạch phòng, chống, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các khoa, phòng chức năng của Trung tâm; kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh và các đội chống dịch cơ động tại đơn vị. Đồng thời ban hành các công văn chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tuyến dưới tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng và các cơ sở y tế. Triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm mới nổi, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng.
Cùng với đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tại những khu vực thường xuyên có di biến động về dân cư, có ổ dịch cũ và có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao. Đẩy mạnh công tác tiêm chủng đối với các bệnh có vắc xin tiêm phòng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng như sởi, rubella, ho gà…; phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt ít nhất 95% trên quy mô xã, phường, thị trấn. Đồng thời, Trung tâm cũng chuẩn bị đầy đủ kinh phí, thuốc, phương tiện, vật tư, hóa chất..., sẵn sàng đáp ứng các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Thêm vào đó, công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cũng được quan tâm đẩy mạnh, đặc biệt tập trung tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học nhằm nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh cho trẻ em và cộng đồng...
Bài, ảnh: Hạnh Chi