Việc vứt rác bừa bãi làm mất vệ sinh công cộng, làm mất mỹ quan môi trường; đồng thời tạo điều kiện lý tưởng cho các loài vi sinh vật gây bệnh cho con người và gia súc. Việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay là vấn đề cấp bách cho các nhà quản lý về môi trường.
Khó khăn trong việc thu gom, xử lý rác thải hiện nay là nhiều người dân vẫn thờ ơ với việc phân loại rác thải, cho rằng thu gom rác là công việc của công nhân công ty vệ sinh môi trường hay các đội thu gom rác mà chưa có ý thức trong việc phân loại rác thải sinh hoạt, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt gia tăng.
Rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng tăng, đa dạng về số lượng và chủng loại, xuất hiện nhiều loại rác thải khó xử lý, trong khi đó công tác phân loại rác không được thực hiện ngay từ các hộ gia đình; do vậy tại nhiều bãi rác tạm thời, rác sinh hoạt từ thức ăn thừa, túi ni lon, chăn, tủ quần áo, giường đến gương, bóng điện vỡ… vứt lẫn lộn, gây nguy hiểm cho người dân và rất khó cho việc chở rác đến điểm tập kết để xử lý.
Việc phân loại rác tại nguồn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho xã hội cả về môi trường lẫn kinh tế, giúp việc thu gom rác thải thuận tiện; các loại rác thải hữu cơ được xử lý thành phân bón cho cây trồng thay thế phân hóa học, lượng chất thải rắn còn lại phải chôn lấp rất ít, tiết kiệm được diện tích chôn lấp rác, hạn chế ô nhiễm môi trường do nước rỉ rác gây ra.
Rác thải sau khi được thu gom, phân loại sẽ được xử lý bằng hình thức vận chuyển về nhà máy chế biến; chôn lấp rác thải; đốt hoặc xử lý tại chỗ, sẽ thuận lợi hơn, từ đó giảm ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra.
Để nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức trách nhiệm cho người dân trong việc thu gom, phân loại rác thải. Đưa ra quy định bắt buộc người dân phải phân loại rác thải sinh hoạt ngay tại gia đình.
Các hộ gia đình, chủ nguồn thải không chấp hành sẽ được nhắc nhở, nếu tái phạm nhiều lần cần có biện pháp xử lý. Bổ sung phương tiện, thiết bị phù hợp với hoạt động thu gom, phân loại rác, tổ chức tốt mạng lưới thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tại các xã, phường, thị trấn.
Đầu tư thùng chứa các loại rác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo 3 nhóm như: Rác hữu cơ dễ phân hủy (thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); có khả năng tái sử dụng (giấy, nhựa, kim loại, cao su, nilon, thủy tinh) và chất thải còn lại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý rác.
Hoàng Hiệp