Đối với tỉnh Ninh Bình, từ đầu năm đến nay, xảy ra 4 vụ cháy, trong đó có 3 vụ cháy nhà khu dân cư, làm thiệt hại trên 200 triệu đồng, so với cùng kỳ năm trước tình hình cháy nổ ở khu dân cư có diễn biến phức tạp. Để phòng, chống cháy nổ ở khu dân cư, ngoài trách nhiệm của lực lượng chức năng, yếu tố quyết định vẫn là ý thức của mỗi người dân.
Trên địa bàn tỉnh, nhiều khu dân cư, nhà ở trong thành phố, thị trấn xây dựng mang tính tự phát và chưa có quy hoạch nên chưa đảm bảo các điều kiện cần thiết về an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và thoát nạn theo quy định.
Hiện nay, loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ buôn bán các hàng hóa như bình gas, may mặc, buôn bán tổng hợp khá phổ biến trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trên địa bàn thành phố Ninh Bình, tập trung ở các tuyến đường: Trần Hưng Đạo, Đinh Tiên Hoàng, Lê Hồng Phong, Vân Giang, Lương Văn Thăng, Lương Văn Tụy, Nguyễn Công Trứ... Nhiều nhà tự ý cơi nới, cải tạo sai với thiết kế, lắp đặt biển quảng cáo bịt kín mặt tiền ngôi nhà; hoặc làm các ô sắt che chắn ban công kín để chống trộm; hàng hóa sắp xếp cồng kềnh, chắn lối ra vào; chất chứa nhiều vật liệu dễ cháy nổ; không có lối thoát hiểm… khiến công tác tiếp cận để chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, đường dây điện chằng chịt, ngõ nhỏ cũng khiến xe chữa cháy khó khăn trong quá trình di chuyển làm nhiệm vụ.
Đại tá Đặng Văn Linh, Trưởng Phòng cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn Công an tỉnh cho biết: Trên địa bàn tỉnh ta, các khu dân cư tập trung ở trung tâm các huyện, thành phố đa phần được quy hoạch nhà ống mặt phố. Nhiều ngôi nhà ở kết hợp với kinh doanh buôn bán, nên diện tích sử dụng sinh hoạt đặc biệt là an toàn PCCC có nhiều bất cập.
Qua thống kê cho thấy số vụ cháy nhà dân chiếm hơn 40% tổng số vụ cháy, đặc biệt số lượng người bị thương và tử vong do sự cố cháy, nổ tại loại hình cơ sở này chiếm tỉ lệ rất cao. Tại đây, công tác PCCC thường rất ít khi được để ý, cụ thể như đường lối thoát nạn thường xuyên bị các vật dụng trong gia đình che chắn, lấn chiếm; các khu vực thoát hiểm như ban công bị bịt kín bởi lồng sắt, cũi sắt, hệ thống điện trong gia đình được thiết kế, lắp đặt lâu đời không bắt kịp với sự phát triển của các thiết bị sử dụng điện; các phương tiện chữa cháy ban đầu như bình chữa cháy hầu như không được trang bị; nhiều hộ dân còn chủ quan, không có ý thức chấp hành các quy định an toàn PCCC...
Trước thực trạng đó, lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh phối hợp với công an các phường và chính quyền địa phương trực tiếp xuống địa bàn dân cư thực hiện Luật PCCC, vừa kiểm tra hướng dẫn, tổ chức tuyên truyền, vận động người dân nêu cao tinh thần cảnh giác phòng chống cháy nổ, chấp hành nghiêm những quy định về an toàn PCCC, tích cực phòng ngừa không để thảm họa cháy nổ xảy ra, triệt để loại trừ những nguyên nhân, điều kiện có thể gây ra hỏa hoạn. Phát nhiều tờ rơi khuyến cáo về PCCC và giải pháp thoát nạn, đặc biệt đối với những người sống trong những nhà ống mặt phố.
Đồng thời, tổ chức các lớp huấn luyện, tuyên truyền về PCCC tại khu dân cư nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về PCCC; cách đề phòng cháy, nổ tại gia đình và nơi kinh doanh; kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm khi có cháy xảy ra; tổ chức diễn tập các phương án PCCC và công tác cứu hộ, cứu nạn cho lực lượng chữa cháy tại chỗ; tặng bình chữa cháy cho người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Theo Đại tá Đặng Văn Linh, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh: Để đảm bảo an toàn PCCC ở khu dân cư cần hạn chế sử dụng các vật liệu dễ cháy như gỗ, nhựa, xốp… để ốp tường, trần, vách ngăn, không lắp lồng sắt chống trộm ở cửa, lan can nhà nhiều tầng (nếu bắt buộc phải lắp thì phải để cửa thoát nạn, chìa khóa phải để nơi quy định mọi người trong nhà cùng biết, đồng thời trang bị dụng cụ phá dỡ thoát nạn).
Khi sử dụng cửa cuốn cần phải bố trí các biện pháp mở được cửa khi mất điện; bố trí nơi thờ cúng hợp lý. Đối với hệ thống điện: Chọn dây dẫn điện đủ tải, lắp đặt aptomat, cầu chì cho từng thiết bị có công suất lớn, cho từng tầng, từng phòng. Không để vật liệu dễ cháy gần bảng điện, cầu dao, thiết bị đốt nóng, thiết bị điện có công suất lớn (cách tối thiểu 50cm). Luôn ngắt các thiết bị điện không cần thiết trước khi ra khỏi nhà, trước khi đi ngủ.
Ô tô, xe máy để trong nhà phải cách xa bếp đun nấu, nguồn lửa, nguồn nhiệt, bình chứa, dây dẫn xăng dầu phải kín, không nên bày bán, bảo quản các mặt hàng dễ cháy nổ trong khu dân cư tập trung như: Xăng, dầu, cồn, hóa chất, gas. Khi sử dụng bếp gas phải bố trí ở nơi thông thoáng, đủ ánh sáng, không có gió mạnh, xa nguồn nhiệt và các vật dụng dễ cháy, nổ khác. Nếu không dùng bếp gas nữa phải đóng van bình, khóa van bếp...
Mỗi gia đình cần lắp đặt các đầu báo cháy độc lập, không dây để cảnh báo cháy sớm cho mọi người biết để tổ chức chữa cháy, thoát nạn. Khi xảy ra cháy, người dân hãy dùng các phương tiện chữa cháy để khống chế đám cháy ngay ở giai đoạn ban đầu; nhanh chóng thoát nạn qua các cửa, cầu thang, ban công, di chuyển sang nhà bên cạnh nếu có thể, dùng thang dây, các vật dụng có thể nối lại với nhau thành sợi dây cứu nạn để thoát xuống phía dưới, tuyệt đối không đóng kín cửa ở lại trong các phòng khi có cháy; báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC theo số 114.
Tiến Minh