Tại các công trình xây dựng nhà ở dân sinh có quy mô nhỏ từ 3-5 tầng, chủ nhà và các chủ công trình (chủ của các nhóm thợ xây) ký kết hợp đồng với nhau đôi khi chỉ bằng miệng; rồi chủ công trình tập hợp những người có tay nghề để xây dựng. Công tác thi công đa phần vẫn là phương thức thủ công. Từng viên gạch, xô vữa vẫn qua tay những người thợ di chuyển từ mặt đất lên các tầng cao hơn.
Một người thợ xây ở huyện Yên Mô tâm sự: "Tôi đã đi làm thợ xây cũng được hơn 3 năm nay. Gia đình có 4 người, kinh tế chỉ trông vào mấy sào ruộng cũng chẳng được là bao, nên tôi phải lên thành phố kiếm việc để nuôi các con ăn học. Theo cái nghề này vất vả lắm, ngày nào cũng xách vữa, kéo gạch, vác xi măng… Nhiều hôm phải làm thêm giờ để đảm bảo tiến độ, đến tối về lán, chân tay mỏi rã rời".
Công việc nặng nhọc cả ngày dưới thời tiết khắc nghiệt nắng nóng, mưa rét, nhưng sau mỗi ngày lao động vất vả, người thợ xây lại trở về với những dãy lán trại lụp xụp được dựng tạm bợ bên công trình, hay có khi trong chính những tầng nhà mới thi công. Thiếu thốn những điều kiện sinh hoạt tối thiểu như nhà vệ sinh, nơi tắm giặt khiến cuộc sống những người thợ xây càng thêm nhọc nhằn, vất vả.
Không chỉ vất vả, người thợ xây cũng phải đối mặt với nhiều hiểm nguy do tình trạng mất an toàn lao động. Đa phần thợ xây ở các công trình xây dựng nhà ở dân sinh không được trang bị thiết bị bảo hộ như: Mũ, quần áo, dây bảo hiểm… Nhiều lao động ở các công trình xây dựng nhà ở dân sinh vẫn đang đánh cược tính mạng và an toàn của bản thân mình.
Những chấn thương do gạch vữa, vật liệu rơi chẳng phải là hiếm, không ít các trường hợp tai nạn đã xảy ra như ngã giàn giáo làm gãy chân, gãy tay, có người chấn thương sọ não... Không có bảo hiểm nên mọi chi phí gia đình vẫn phải tự chi trả, chủ thầu cũng chỉ hỗ trợ phần nào. Không chỉ xảy ra tai nạn lao động cho những người đang tham gia xây dựng mà đã có nhiều vụ tai nạn đã xảy ra với cả những người đi đường chỉ vì sự bất cẩn của thợ xây và chủ xây dựng công trình, do rơi vật liệu, đổ giàn giáo ở các công trình xây dựng nhà ở dân sinh.
Thực tế, trên các công trình cho thấy, nhiều chủ công trình chưa tuân thủ đúng công tác an toàn lao động theo pháp luật. Các biện pháp đảm bảo an toàn trên công trường, việc dành kinh phí cho công tác an toàn cũng bị hạn chế. Giàn giáo được làm bằng tre, luồng, người thợ không được trang bị mũ bảo hiểm và bảo hộ lao động. Nguyên nhân xảy ra mất an toàn được xác định là do trong thi công chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn trong thi công xây dựng.
Nhằm hạn chế tối đa những mất mát không đáng có trên mỗi công trình xây dựng nhà ở dân sinh, các chủ thầu thi công xây dựng cần tuyệt đối tuân thủ các quy định kỹ thuật và pháp luật về an toàn trong thi công xây dựng. Đảm bảo an toàn kết cấu giàn giáo và máy móc, thiết bị xây dựng, mặt bằng công trình thi công xây dựng, gắn lưới xung quanh khu vực xây dựng. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc thực hiện biện pháp thi công, biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động.
Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn về xây dựng cần tăng cường, duy trì thường xuyên việc hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý an toàn vệ sinh lao động trong thi công xây dựng công trình nhà ở dân sinh; kết hợp kiểm tra công tác an toàn lao động với kiểm tra công tác nghiệm thu các công trình xây dựng thuộc đối tượng cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra…Có chế tài xử phạt nghiêm các chủ thầu xây dựng không có biện pháp đảm bảo an toàn khi xây dựng công trình nhà ở dân sinh.
Các cấp, ngành tăng cường công tác tuyên truyền về đề phòng tai nạn xảy ra cho người lao động. Người tham gia xây dựng các công trình nhà ở dân sinh cần nâng cao ý thức đề phòng tai nạn lao động, không chủ quan, cẩu thả trong khi làm việc để bảo vệ cho chính bản thân mình.
Hoàng Hiệp