Nhiều chủ nuôi thiếu ý thức Mặc dù gia đình cũng nuôi chó nhưng chị Linh, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình vẫn khá bức xúc với cách mà một số gia đình khác đang trông giữ, quản lý chó của họ. Chị Linh cho biết: "Chó nhà mình luôn được tiêm phòng đầy đủ, nuôi nhốt trong nhà, đi vệ sinh đúng nơi quy định, mỗi khi ra đường là phải xích lại và dắt đi cẩn thận. Nhưng chó nhà khác thì thả rông cả ngày, để phóng uế bừa bãi. Nhiều bữa mình phải dọn dẹp những đống phân chó không ai chịu nhận ngay trước cổng".
Không chỉ bức xúc chuyện đi vệ sinh không đúng chỗ của những chú chó, nhiều người dân cho biết họ rất sợ việc chó thả rông, chạy loạn ngoài đường gây mất an toàn giao thông. Bởi không ít các trường hợp người đi xe, đặc biệt là xe máy cán phải những con chó chạy băng qua đường, bị ngã xe và thương vong.
Tuy nhiên, nguy hiểm hơn có lẽ là chuyện chó thả rông, không rọ mõm, không tiêm phòng dại cắn người và lây bệnh dại cho người. Bà Trần Thị Sáu, tổ 18, phường Bắc Sơn, thành phố Tam Điệp vẫn còn khá sợ hãi khi nhớ lại chuyện cháu trai mình bị chó cắn. "Bữa đó, tôi đi đón đứa cháu từ nhà trẻ về, bà cháu đi bộ được 1 quãng thì gặp 3 con chó lai rất to không biết của nhà ai từ đâu xông tới, chưa kịp phản ứng gì thì nó đã lao vào cắn vào chân thằng bé. Gia đình tôi phải đưa cháu đi tiêm phòng dại. Cháu tôi phải chịu đau đớn, tổn hại cả về mặt sức khỏe lẫn tinh thần vì sự thiếu ý thức của một số hộ nuôi chó", bà Sáu kể.
Theo số liệu từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến năm 2012, mỗi năm tỉnh ta có khoảng 800 người bị chó nghi dại cắn phải tiêm điều trị dự phòng. Tuy nhiên, từ năm 2013 trở lại đây số trường hợp bị chó mèo cắn được điều trị tiêm huyết thanh kháng và vắc xin tại các Trung tâm y tế có xu hướng tăng lên với trên 1.300 ca mỗi năm. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ em bị chó cắn nhiều hơn và mức độ vết thương nghiêm trọng hơn.
Thực hiện nghiêm túc Nghị định 90 của Chính phủ
Theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực từ ngày 15/9/2017, cơ quan chức năng sẽ phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng với hành vi không tiêm phòng vắc xin bệnh dại, không đeo rọ mõm cho chó, không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Nghị định đưa ra được khá nhiều người đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, không ít người dân vẫn khá thờ ơ vì họ cho rằng quy định này chỉ thực hiện ở các thành phố lớn còn như Ninh Bình thì chưa làm được.
Chị Phạm Thanh Nhàn, chủ một cửa hàng phụ kiện cho chó mèo trên phố 3, Vân Giang, thành phố Ninh Bình cho hay: Trước đây khi chưa có quy định này, hầu như chẳng có ai hỏi mua rọ mõm chó, nhưng mấy ngày gần đây rải rác đã có người đến mua, họ chia sẻ rằng rất ủng hộ và tuân thủ quy định của Nhà nước vì Quy định vừa giúp bảo vệ cho chó, vừa đảm bảo an toàn cho người khác và cũng tránh những rắc rối cho bản thân khi lỡ may chó nhà mình cắn người. Chị Nhàn cho biết thêm, rọ mõm cho chó hiện nay rất đa dạng và phong phú từ kiểu dáng, chất liệu đến giá cả, rọ mõm cho loại chó nào cũng có, đáp ứng được hầu hết các yêu cầu của khách hàng.
Theo ông Hà Quốc Thịnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, Nghị định 90/2017/NĐ-CP với nhiều mức phạt hành chính về hành vi nuôi chó, mèo không đúng quy định được tăng lên gấp 2 - 3 lần so với nghị định cũ nên sẽ có tính răn đe cao hơn. Hiện nay, chúng tôi đã yêu cầu các trạm trưởng Trạm thú y tham mưu cho chính quyền các huyện, thành phố triển khai công tác quản lý, giám sát đàn chó trên địa bàn.
Đồng thời tiến hành phát tờ rơi, tuyên truyền rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh ba cấp về nội dung của Nghị định để người dân nắm được và thực hiện. Tuy nhiên, cũng cần phải có thời gian thì chính sách mới đi vào cuộc sống được.
Cái khó của chúng tôi là ở các huyện xa, địa bàn rộng như Nho Quan, Kim Sơn…, số hộ nuôi chó rất nhiều, mỗi hộ nuôi tới vài ba con trong khi nhận thức của người dân về vấn đề quản lý chó, giám sát bệnh dại trên đàn chó còn hạn chế. Vì thế bước đầu chúng tôi phải tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức rồi mới tính đến chuyện xử lý.
Hơn nữa, chuyện bắt chó thả rông không chỉ trách nhiệm của Chi cục Thú y mà còn là trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương. Vì vậy, trong thời gian tới rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương và sự đồng lòng của người dân thì Nghị định mới thực sự phát huy hiệu quả.
Hà Phương