Ở tỉnh ta, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự vào cuộc của toàn xã hội, tình hình trật tự ATGT những năm gần đây đã có những chuyển biến tích cực. Theo số liệu của các cơ quan chức năng, năm 2010, trên địa bàn tỉnh xảy ra 85 vụ TNGT, làm chết 91 người, bị thương 20 người. 8 tháng đầu năm 2011, toàn tỉnh xảy ra 50 vụ TNGT, làm chết 52 người và bị thương 12 người. Tuy có giảm so với cùng kỳ năm trước, song TNGT vẫn là hiểm họa của mọi nhà và xã hội.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến TNGT là do ý thức chấp hành pháp luật của một số người tham gia giao thông còn hạn chế, coi thường, không tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT, nhất là thanh niên vẫn ngang nhiên không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe mô tô, lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, đi sai làn đường... Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, để xe đạp, xe máy vẫn tồn tại trên một số tuyến đường. Tại khu vực cổng một số trường học vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông giờ tan trường.
Để khắc phục tình trạng trên, một trong những biện pháp hữu hiệu là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT, xây dựng nếp sống văn hóa giao thông trong mọi người, mọi nhà và toàn xã hội. Văn hóa giao thông là sự hiểu biết và tự giác chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT; không vi phạm các quy định về trật tự ATGT, khi tham gia giao thông có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, biết tôn trọng và nhường nhịn, biết sẻ chia, giúp đỡ người khác. Văn hóa giao thông không chỉ góp phần làm giảm TNGT mà còn tôn thêm vẻ đẹp của đất nước, của các đô thị.
Tháng 9 hàng năm là tháng cả nước ra quân hưởng ứng Tháng ATGT, triển khai hàng loạt các biện pháp nhằm tăng cường trật tự ATGT. Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành chức năng, chúng ta cần huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng tham gia, triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp để bảo đảm ATGT, hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông. Trong đó, chung tay xây dựng nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông là một việc làm cần thiết, tạo thành ý thức tự giác của mỗi người dân, nhằm xây dựng một môi trường giao thông thân thiện, an toàn. Các tổ chức chính trị - xã hội phải là lực lượng nòng cốt tham gia tích cực vào hoạt động tuyên truyền, giáo dục đảm bảo trật tự ATGT, đồng thời phát động mạnh mẽ phong trào "Toàn dân tham gia giữ gìn trật tự ATGT", xây dựng các mô hình tự quản về ATGT, qua đó phát huy vai trò, trách nhiệm của cả cộng đồng trong công tác đảm bảo ATGT.
Minh Châu