Xã Gia Hòa là xã miền núi của huyện Gia Viễn, trước khi bước vào xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đời sống kinh tế - xã hội của Gia Hòa còn chậm phát triển, cơ sở hạ tầng, giao thông chưa được đầu tư xây dựng nhiều, tỷ lệ người dân tham gia BHYT ở mức thấp….
Ông Nguyễn Hữu Lan, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Hòa cho biết: Được sự quan tâm hỗ trợ của cấp trên, sự nỗ lực, chung tay của chính quyền địa phương và người dân, đến nay, sau 7 năm triển khai thực hiện, xã Gia Hòa đã được công nhận là xã nông thôn mới. Trong đó, để đạt tiêu chí số 15 về y tế, xã đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền sâu rộng đến người dân về lợi ích của BHYT, là chính sách an sinh quan trọng chăm sóc sức khỏe cho mỗi người dân.
Cùng với đó, xã tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức, từ phát triển kinh tế hộ gia đình đến tham gia làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, nâng cao thu nhập để có điều kiện tham gia BHYT hộ gia đình.
Hiện xã Gia Hòa đã có trên 85% người dân tham gia BHYT, xã phấn đấu đến năm 2019 có trên 90% dân số trong xã có BHYT.
Tại xã Yên Hòa (huyện Yên Mô), chương trình xây dựng NTM đã làm "thay da, đổi thịt" cho vùng quê vốn thuần nông này. Hệ thống cơ sở hạ tầng và các công trình thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh đã được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, đạt tiêu chuẩn NTM.
Đặc biệt, bằng việc kiên cố hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương được cứng hóa đã tạo điều kiện cho người dân nâng cao sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Đoàn Trung Nam, Bí thư Đảng ủy xã Yên Hòa, để đạt các tiêu chuẩn NTM đã khó, việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí lại càng khó hơn.
Trong đó để đảm bảo tiêu chí về y tế - là tiêu chí được xác định dễ biến động, khó bền vững, chính quyền xã xác định, cần tạo mọi điều kiện để người dân có thu nhập ổn định, từ đó tự nguyện và tích cực tham gia BHYT.
Theo đó, xã Yên Hòa đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa tập trung có quy mô lớn.
Đến nay, tổng diện tích các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn xã đạt trên 133 ha, chiếm 27% diện tích đất nông nghiệp. Diện tích vùng sản xuất chuyên canh rau cần, rau rút, kết hợp ương nuôi cá giống khu vực Liên Trì được mở rộng với diện tích trên 60 ha; chuyển đổi sản xuất mô hình lúa - cá trên diện tích 63 ha; chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng chuối tây Thái Lan kết hợp nuôi cá với diện tích trên 8 ha...
Với sự chuyển đổi hiệu quả về kinh tế, đời sống người dân ngày càng được nâng lên, người dân có điều kiện, tích cực tham gia BHYT. Đến nay, trên 90% số dân trên địa bàn xã tham gia BHYT.
Tuy nhiên, không phải địa phương nào khi đã đạt chuẩn NTM cũng đều có trên 85% dân số tham gia BHYT. Vẫn còn một số xã, khi xét NTM thì tiêu chí này đạt chuẩn, nhưng sau đó thì không đạt và có xã tỷ lệ bị giảm xuống đáng kể. Nguyên nhân là do, tỷ lệ người dân tham gia không ổn định.
Đơn cử như xã Hùng Tiến (huyện Kim Sơn), xã được công nhận chuẩn NTM vào năm 2017, nhưng tỷ lệ người dân tham gia BHYT đang có xu hướng giảm, hiện đạt trên 70%. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó có việc người dân chưa được tuyên truyền, vận động sát sao, cụ thể để hiểu hết ý nghĩa quan trọng, cần thiết của tấm thẻ BHYT. Cùng với đó là mức thu nhập của người dân mới chỉ đảm bảo đủ cho cuộc sống, nên còn "lăn tăn" khi tham gia BHYT hộ gia đình.
Trước thực tế này, theo ông Vũ Công Chí, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Tiến, xã đã tìm hiểu cụ thể và khi xác định rõ nguyên nhân, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của việc tham gia BHYT; giao chỉ tiêu vận động cho từng tổ chức, đoàn thể của xã; đồng thời tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức, ổn định cuộc sống và nâng cao thu nhập.
Đến nay, tỉnh Ninh Bình có 1 huyện đạt chuẩn NTM, 1 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và 80 xã đạt chuẩn NTM. Để giữ vững tiêu chí y tế cũng như nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT, hướng tới các xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu phải có 95% dân số tham gia BHYT theo Quyết định 691 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 5/6/2018 về tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018 -2020; ngoài các chính sách hỗ trợ mua thẻ BHYT của Trung ương, của tỉnh cho hộ nghèo, cận nghèo, học sinh, sinh viên, người cao tuổi, đối tượng gia đình chính sách…, vấn đề quan trọng hơn là các cấp chính quyền, các ngành hữu quan cần quan tâm phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giúp người dân ổn định kinh tế, có điều kiện tham gia các chương trình an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, ngành Y tế cần từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao trình độ cho đội ngũ y, bác sỹ và thái độ phục vụ người bệnh, tạo sự hài lòng cho nhân dân. Ngành BHXH cần kiện toàn, duy trì hệ thống đại lý thu BHYT tại cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đối tượng tham gia.
Các huyện, thành phố tiếp tục giao chỉ tiêu thực hiện cho các xã, thị trấn, rà soát từng nhóm đối tượng, nhất là nhóm đối tượng còn khó khăn để có biện pháp tuyên truyền, vận động và hỗ trợ phù hợp.
Thêm vào đó, ngành BHXH tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức cho người dân về những lợi ích lâu dài mang tính sẻ chia của BHYT, giúp người dân hiểu rõ về ý nghĩa, lợi ích của BHYT, từ đó tích cực, tự nguyện tham gia BHYT, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM, thúc đẩy kinh tế từng địa phương và tỉnh Ninh Bình ngày càng phát triển
Mỹ Hạnh