Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 20 về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước". Nghị quyết nhấn mạnh việc cần thiết xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh, có trình độ cao về nghề nghiệp trong giai đoạn phát triển mới. Hiện nay, ở tỉnh ta, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh thực hiện và lấy Nghị quyết làm kim chỉ nam để sớm xây dựng được đội ngũ công nhân, lao động có trình độ cao, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế...
Theo nhận định của các chủ doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp, đội ngũ công nhân nói chung vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu về số lượng, cơ cấu và trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp. Thiếu nghiêm trọng các chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề... Thực tế cho thấy, trong số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, hiện chỉ có khoảng 30% lao động đã qua đào tạo. Bên cạnh đó, những lao động có trình độ cao đã được đào tạo hiện nay cũng mới chỉ đáp ứng được 15-20% yêu cầu của doanh nghiệp, nhưng phải tiếp tục đào tạo thêm 2-3 năm nữa. Điều này dẫn đến thực trạng, nhiều doanh nghiệp đang thiếu lao động nhưng không sao tuyển được đủ.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Công ty TNHH Thái Bình Dương (Khu công nghiệp Gián Khẩu - Gia Viễn) cho biết: "Thực tế, khi có nhu cầu tuyển dụng, Công ty có rất nhiều hồ sơ dự tuyển. Tuy nhiên, Công ty vẫn không thể tuyển đủ số lượng lao động như mong muốn bởi các ứng viên không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng. Một trong những nhược điểm lớn nhất của họ hiện nay là thiếu khả năng tư duy, sáng tạo và tính chủ động trong công việc".
Theo các chuyên gia, có hai vấn đề tồn tại từ lâu nhưng hiện vẫn chưa tìm ra lời giải khiến chất lượng lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng, đó là: quy mô đào tạo nghề và trình độ tay nghề của công nhân. Bản thân giáo trình, mô hình đào tạo của các trường, trung tâm dạy nghề nói chung vẫn luôn "lệch pha" so với nhu cầu của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Công ty TNHH Thái Bình Dương viện dẫn: Công ty chúng tôi sản xuất mặt hàng chính là mì ăn liền. Trong khi đó, mặc dù trong hệ thống đào tạo có rất nhiều trường đào tạo ngành chế biến thực phẩm nhưng lại chưa đưa vào giảng dạy nghề về sản xuất mì ăn liền. Do đó, Công ty rất khó tuyển dụng được lao động đã qua đào tạo. Đó chưa kể công tác dự báo về nhu cầu lao động trên thị trường cũng chưa tốt, chưa bài bản...
Trước thực trạng đó, một vấn đề quan trọng được đặt ra, đó là: làm thế nào để thực hiện có hiệu quả chiến lược nâng cao chất lượng nguồn lao động? Ông Hồ Tiến Lai, Giám đốc Công ty TNHH May Đài Loan nhìn nhận: Để có thể xây dựng được đội ngũ công nhân lao động lành nghề, đáp ứng được nhu cầu thị trường hiện nay thì doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng. Cũng bởi điều này mà đã có rất nhiều doanh nghiệp không tiếc tiền của, công sức để đầu tư đào tạo nâng cao trình độ cho những lao động đang làm việc, mặt khác liên tục tuyển dụng với mong muốn xây dựng được đội ngũ nhân sự trình độ cao. Nhiều doanh nghiệp đã xem nguồn lao động là tài sản quý báu. Họ chú trọng đến công tác đào tạo và bồi dưỡng cho nhân viên nhiều hơn bao giờ hết.
Ông Hà Đăng Phượng, Phó Giám đốc Nhà máy chế biến xuất khẩu gỗ Tài Anh cho biết: "100% lao động khi mới được tuyển dụng vào Nhà máy đều chưa qua đào tạo. Để họ có thể "làm nghề" thì doanh nghiệp phải đầu tư tài chính và thời gian để dạy nghề cho họ. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những kiến thức cơ bản nhất. Để nâng cao chất lượng cho những lao động này, hàng năm Công ty đã thuê giáo viên ngoại tỉnh về giảng dạy. Chi phí dành cho công tác đào tạo là tương đối cao. Nhưng đó là cái giá xứng đáng, bởi sau khi được đào tạo thì trình độ người lao động được cải thiện rất nhiều. Đối với doanh nghiệp sản xuất hướng đến xuất khẩu như chúng tôi, thì trình độ người lao động mang tính chất quyết định... ".
Bên cạnh đó, để có thể sở hữu những lao động có trình độ, không còn cách nào khác, chính các doanh nghiệp phải chủ động và có những giải pháp cụ thể. Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Công ty TNHH Thái Bình Dương chia sẻ: "Để "chiêu mộ" người lao động có trình độ chuyên môn cao, tay nghề vững về làm việc trong đơn vị mình, Công ty chúng tôi đã có nhiều chính sách ưu đãi. Cụ thể như chế độ lương bổng, hỗ trợ chỗ ăn, ở, phương tiện đi lại...". Tuy nhiên, ngoài việc "chiêu hiền, đãi sĩ", từng doanh nghiệp cần phối hợp với các trường kỹ thuật tiến hành đào tạo, đào tạo lại để người lao động có điều kiện hoàn thiện tay nghề và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công việc.
Thực tế đã chứng minh rằng, nếu lãnh đạo doanh nghiệp không bắt tay vào việc phát triển nhân tài cho chính doanh nghiệp của mình thì sẽ phải trông chờ vào nơi khác, hoặc phải dùng lương cao và phúc lợi hấp dẫn hơn để thu hút những người mà chưa chắc kiến thức và kỹ năng của họ khiến doanh nghiệp hài lòng.
Thu Hằng