Trước kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIII, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, tập trung vào một số nhóm lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, qua đó giữ vững sự ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần vào việc thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.
Liên quan đến nhóm lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, cử tri huyện Gia Viễn đề nghị quan tâm hơn đến việc xem xét, hỗ trợ, ưu tiên cho chương trình xây dựng nông thôn mới; tập trung kinh phí hỗ trợ xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng như: hệ thống đường giao thông liên xã, liên thôn, trạm y tế, trường học, công trình nước sinh hoạt, dồn điền, đổi thửa; hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn…. Được biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua tỉnh đã tập trung huy động mọi nguồn lực để ưu tiên cho các nội dung xây dựng nông thôn mới theo các chính sách tại Đề án số 06/ĐA-UBND ngày 4-4-2012 của UBND tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh đã huy động được hơn 8,8 nghìn tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách là 493 tỷ đồng, đã hỗ trợ 107 nghìn tấn xi măng, xây dựng 862 km đường giao thông nông thôn; xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp 34 trạm y tế, 155 trường học các cấp, 32 trụ sở xã, 35 chợ nông thôn và hỗ trợ hơn 15 tỷ đồng cho 71 xã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa. Tuy nhiên, xây dựng nông thôn mới là chương trình lớn, lâu dài, triển khai trên toàn khu vực nông thôn, phạm vi rộng, trong điều kiện huy động nguồn lực của tỉnh còn khó khăn, do đó, UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của cử tri và thời gian tới tiếp tục ưu tiên các nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới.
Ở lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, cử tri huyện Nho Quan đề nghị kiểm tra và có biện pháp khắc phục tình trạng dự án đê bao tả ngạn sông Bôi tuyến Mai Phương-Địch Lộng (do Sở Nông nghiệp & PTNT làm chủ đầu tư) do bờ bao thấp hơn cốt lũ tiểu mãn nên nước sông Bôi tràn vào gây úng toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của thôn Quyết Thắng, xã Xích Thổ. Trước kiến nghị của cử tri, ngày 20-5-2013, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Nho Quan và các cơ quan liên quan lập dự án đầu tư nâng cấp tuyến đê bao trên. Theo quy hoạch phòng, chống lũ sông Hoàng Long đến năm 2025 đã được HĐND tỉnh phê duyệt, việc nâng cấp tuyến bờ bao trên thuộc hạng mục xây dựng, tu bổ cơ sở hạ tầng vùng 7 xã thuộc 2 huyện Nho Quan và Gia Viễn; được Bộ Nông nghiệp & PTNT đồng ý tại văn bản số 6738/BNN-TCTL ngày 21-8-2014. UBND tỉnh đã báo cáo Bộ Nông nghiệp & PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn cho dự án. Trong thời gian tới, khi có nguồn vốn, UBND tỉnh sẽ giao Sở Nông nghiệp &PTNT triển khai thực hiện.
Vấn đề lao động, việc làm được nhiều cử tri thành phố Tam Điệp quan tâm, kiến nghị, trong đó cử tri kiến nghị cần tạo điều kiện giải quyết việc làm cho lao động địa phương đang trong độ tuổi lao động. Vấn đề này được UBND tỉnh giao cho Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh làm việc với các chủ đầu tư và yêu cầu cam kết sử dụng lao động địa phương ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Hiện nay, tổng số lao động Việt Nam làm việc trong Khu công nghiệp Tam Điệp là trên 10 nghìn lao động, trong đó lao động địa phương là trên 2 nghìn người, chiếm hơn 19%. Riêng từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp đã tuyển dụng thêm gần 100 lao động địa phương. Dự kiến trong thời gian tới, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp là 300 lao động, trong đó ưu tiên thu hút lao động người địa phương.
Một vấn đề được cử tri huyện Yên Khánh, thành phố Tam Điệp… đề nghị xem xét, giải quyết là tình trạng một số doanh nghiệp đã được cấp giấy phép đầu tư, được giao đất nhưng nhiều năm nay chưa triển khai thực hiện dự án, tiến độ rất chậm hoặc thực hiện không đúng nội dung cấp phát đầu tư của dự án. Cử tri đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, đồng thời có biện pháp xử lý, khắc phục tình trạng trên. Tiếp thu ý kiến của cử tri về nội dung này, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát, báo cáo UBND tỉnh và UBND tỉnh đã trả lời cụ thể tại Báo cáo thực hiện các nội dung chất vấn tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XIII. Tuy nhiên, do tình hình chung, các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn; thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo huyện Yên Khánh, thành phố Tam Điệp, các ngành căn cứ Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, đối với những dự án kém hiệu quả, chậm tiến độ, cần xem xét cụ thể và đề xuất phương án xử lý theo quy định.
Liên quan đến lĩnh vực quản lý tài nguyên, môi trường, cử tri huyên Yên Khánh đề nghị, cần kiểm tra và có hình thức xử lý đối với tình trạng Khu công nghiệp Khánh Phú chưa xử lý nước thải trước khi thải ra sông, ngòi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân vùng phụ cận. Giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, UBND huyện Yên Khánh, UBND xã Khánh Phú thành lập Đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong Khu công nghiệp Khánh Phú. Kết quả cho thấy, còn tình trạng doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm việc bảo vệ môi trường; cụ thể như việc Nhà máy đạm Ninh Bình thực hiện đóng bao tại sân ngoài trời, gặp mưa nên đạm chảy theo rãnh thoát nước mưa của Khu công nghiệp ra ngoài gây ô nhiễm môi trường. Qua kiểm tra, Đoàn đã lập biên bản xử lý, yêu cầu Nhà máy đạm thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tự giám sát chất lượng môi trường định kỳ và các giải pháp bảo vệ môi trường đã cam kết; bổ sung thiết bị lưu trữ dữ liệu quan trắc tự động tại trạm bơm cống Kem. Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu chấm dứt tình trạng trên, nếu doanh nghiệp không thực hiện thì xử lý theo quy định.
Trong mùa nắng nóng năm nay, tình trạng cắt điện vẫn diễn ra thường xuyên, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Cử tri huyện Yên Khánh, Gia Viễn đề nghị ngành điện sớm cải tạo lưới điện hạ áp, nâng cao điện áp, khắc phục tình trạng đường dây quá võng; cột điện nằm ngay giữa các tuyến đường, xiêu vẹo mất an toàn; đồng thời nêu cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, nhân viên ngành điện. Về vấn đề này, UBND tỉnh cho biết: Về cải tạo lưới điện hạ áp, nâng cao điện áp, khắc phục tình trạng đường dây quá võng, giai đoạn 2010-2014, ngành điện lực đã thực hiện sửa chữa, đầu tư cải tạo lưới điện tại huyện Yên Khánh với kinh phí 63 tỷ đồng, Gia Viễn 112 tỷ đồng. Riêng năm 2015, ngành điện lực đang thực hiện sửa chữa, đầu tư cải tạo lưới điện khu vực huyện Yên Khánh dự kiến 106 tỷ đồng, Gia Viễn 77 tỷ đồng.
Như vậy, cùng với hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh được thực hiện bảo đảm đúng quy định, đổi mới về phương thức, nội dung tiếp xúc cử tri, qua đó thu thập được nhiều ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri; việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri cũng được các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, giải quyết kịp thời, trách nhiệm theo đúng quy định, qua đó tạo được sự đồng thuận cao của cử tri đối với chính quyền các cấp, các cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương.
Hạnh Chi