Hình ảnh dễ bắt gặp là giờ tan học tình trạng học sinh đi xe đạp hàng ba, hàng bốn bất chấp cả các biển báo, biển cấm đường một chiều…, gây nhiều phiền toái cho người và các phương tiện tham gia giao thông và làm "đau đầu" các cơ quan chức năng.
Trước thực trạng trên ngành Giáo dục đã có nhiều biện pháp giáo dục, ngăn chặn. Song song với việc lồng ghép giáo dục Luật Giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy vào các môn học chính khóa, nhiều trường học đã tổ chức các buổi học ngoại khóa và phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, giáo dục về ATGT cho học sinh. Tuy nhiên, việc chấp hành của học sinh đa phần vẫn mang hình thức đối phó mà chưa thành ý thức tự giác. Tuyên truyền sâu hơn, mạnh hơn về ý thức chấp hành pháp luật nói chung và Luật Giao thông nói riêng là công việc không chỉ của ngành Giáo dục mà còn là trách nhiệm của xã hội đối với việc thực hiện văn hóa giao thông trong học sinh.
Cần nói rằng chính ý thức của người lớn sẽ có tác dụng mạnh đến hành vi của lứa tuổi học sinh. Việc thiếu gương mẫu tạo ra cảnh lộn xộn tại các cổng trường của một bộ phận cha mẹ học sinh ngay trong khi đưa, đón con em mình, việc người lớn đi qua sông, qua đò không mặc áo phao, sang đường không xin đường... gây phản cảm, không mang tính giáo dục.
Mặt khác, việc các cơ quan chức năng vẫn để các hàng quán và người bán hàng rong lấn chiếm cổng trường, vỉa hè phần nào buộc học sinh phải đi bộ xuống lòng đường, vi phạm Luật Giao thông.
Thiết nghĩ giáo dục văn hóa giao thông cho lứa tuổi học sinh là việc giáo dục ý thức, thói quen tốt khi tham gia giao thông của con người ngay từ nhỏ. Chính vì vậy, người lớn cần nâng cao trách nhiệm trong việc giáo dục văn hóa giao thông cho lứa tuổi học sinh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đó là thực hiện nghiêm túc Luật Giao thông để làm gương cho các em.
Thúy Nga