Đặc biệt công tác ban hành Nghị quyết của HĐND có nhiều đổi mới, chất lượng được nâng lên. Nhân dịp hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng duyên hải Bắc Bộ tổ chức tại Ninh Bình, phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Tô Văn Hoạt, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
Phóng viên (P.V): Thưa đồng chí, ban hành những Nghị quyết sát với yêu cầu thực tiễn và có tính khả thi cao luôn là mục tiêu phấn đấu của HĐND các cấp. Xin đồng chí cho biết hiệu quả của việc ban hành các Nghị quyết chuyên đề trong thời gian qua của HĐND tỉnh?
Đồng chí Tô Văn Hoạt: Quyết định chính sách và giám sát là hai chức năng cơ bản của HĐND. Tại mỗi kỳ họp, bên cạnh việc ban hành các Nghị quyết theo quy định của pháp luật, HĐND tỉnh còn ban hành các Nghị quyết chuyên đề.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 140 Nghị quyết, trong đó có 55 Nghị quyết chuyên đề. Các Nghị quyết chuyên đề tập trung vào các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh; thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu, xóa đói, giảm nghèo; phát triển văn hóa, y tế, TDTT; xây dựng chính quyền và quản lý địa giới hành chính...
Nhìn chung, các Nghị quyết chuyên đề do HĐND tỉnh ban hành đã góp phần khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng ổn định, bảo đảm an sinh xã hội. Có thể nói, các Nghị quyết của HĐND tỉnh trong thời gian qua đã phát huy vai trò tích cực trong đời sống xã hội, đặc biệt có tới trên 30 Nghị quyết hướng về cơ sở, giải quyết những vấn đề thiết thực liên quan đến đời sống của nhân dân và xây dựng, củng cố bộ máy chính quyền cơ sở.
P.V: Xin đồng chí cho biết một số Nghị quyết tiêu biểu hướng về cơ sở của HĐND tỉnh?
Đồng chí Tô Văn Hoạt: Cơ sở để HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết chuyên đề đều xuất phát từ tình hình thực tiễn, tựu chung lại là thực hiện theo nguyện vọng chính đáng của cử tri, theo đề xuất của cơ quan có thẩm quyền, hoặc theo Nghị quyết của Tỉnh ủy và sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Thời gian qua, các đại biểu HĐND tỉnh đã dành nhiều thời gian cho việc khảo sát trực tiếp tại cơ sở. Thành viên các tổ, các Ban HĐND tỉnh đã lắng nghe ý kiến, nguyện vọng và nắm bắt thông tin thông qua các đợt tiếp xúc cử tri để thảo luận kỹ tại các kỳ họp.
Bên cạnh đó, đại biểu HĐND tỉnh cũng không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng phân tích, xem xét các vấn đề để tham gia quyết định chính sách. Nghị quyết của HĐND tỉnh, đặc biệt là các Nghị quyết chuyên đề được ban hành đã sớm đi vào cuộc sống, nhiều Nghị quyết được nhân dân đồng tình và đánh giá cao.
Cụ thể như Nghị quyết về chính sách hỗ trợ vụ đông, sau hơn 2 năm thực hiện, giá trị sản lượng vụ đông của tỉnh ước đạt trên 700 tỷ đồng, từng bước đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính, góp phần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân. Có Nghị quyết sau khi ban hành đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân như Nghị quyết phê duyệt Đề án hỗ trợ xây dựng, cải tạo và sửa chữa nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2008-2009. Sau nửa năm triển khai thực hiện, có 999 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách có khó khăn về nhà ở với sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư đã xây dựng được nhà mới khang trang.
Đây là kết quả bước đầu tạo tiền đề để thực hiện tốt Quyết định 167 ngày 12-12-2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo. Một số Nghị quyết về xây dựng chính quyền cũng phát huy hiệu quả tích cực như: Nghị quyết về chính sách đối với cán bộ luân chuyển, cán bộ điều động tăng cường về công tác tại xã, phường, thị trấn và chính sách đối với cán bộ chuyên trách cấp xã do yêu cầu phải bố trí, sắp xếp lại.
Đặc biệt là việc ban hành Nghị quyết về chính sách thu hút những người tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên về công tác tại xã, phường, thị trấn đã tạo sự đồng thuận và ủng hộ tích cực của cán bộ và nhân dân, Nghị quyết ra đời là kết quả của sự nghiên cứu, phân tích sát, đúng tình hình thực tế của địa phương và nguyện vọng của nhân dân, làm cơ sở để từng bước trẻ hóa và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, từng bước nâng cao năng lực quản lý và điều hành của chính quyền cơ sở.
Nhiều Nghị quyết chuyên đề của tỉnh mang tính đột phá, có tác dụng tích cực góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tạo ra diện mạo mới của tỉnh trong thời kỳ CNH-HĐH. Kết quả năm 2008, Ninh Bình đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, GDP tăng 18,9%, thu ngân sách đạt 2.002 tỷ đồng. Đây là những kết quả quan trọng, tạo tiền đề để Ninh Bình phát triển nhanh, mạnh và vững chắc trong thời kỳ đổi mới.
P.V: Đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật của việc giám sát tổ chức thực hiện Nghị quyết trong thời gian qua?
Đồng chí Tô Văn Hoạt: Trên thực tế, Nghị quyết của HĐND tỉnh có phát huy được hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào quá trình tổ chức thực hiện của UBND các cấp và các ngành có liên quan. Thời gian qua, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh đã tập trung đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND. Kết quả giám sát được báo cáo tại các kỳ họp HĐND tỉnh để nhân dân có điều kiện theo dõi, giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước.
Thông qua giám sát, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước cũng được nâng lên rõ rệt trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh. Nhìn chung, các Nghị quyết của HĐND đã được triển khai kịp thời, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, đơn vị chủ động thực hiện. Đặc biệt, sau khi các Nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh được ban hành, UBND tỉnh đã có văn bản điều hành cụ thể trên các lĩnh vực, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi diễn biến tình hình thực hiện ở cơ sở nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, đưa Nghị quyết của HĐND tỉnh sớm đi vào cuộc sống.
P.V: Từ thực tiễn hoạt động, đồng chí cho biết một số giải pháp của HĐND tỉnh để tiếp tục nâng cao hiệu quả trong việc ban hành các Nghị quyết chuyên đề?
Đồng chí Tô Văn Hoạt: Trước hết phải lựa chọn đúng nội dung, lĩnh vực để ban hành Nghị quyết và nâng cao chất lượng xây dựng dự thảo Nghị quyết chuyên đề. Nghị quyết chỉ thực sự phát huy hiệu lực, hiệu quả nếu được xuất phát từ thực tế cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu do thực tiễn đặt ra và hợp lòng dân. Thứ hai, phải chú trọng nâng cao chất lượng thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh bởi báo cáo thẩm tra của các Ban là cơ sở để đại biểu HĐND tỉnh thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết tại kỳ họp. Thứ ba, phải phát huy tính tích cực, chủ động của đại biểu HĐND tại kỳ họp. Đại biểu HĐND là những người góp phần quyết định chất lượng Nghị quyết, đồng thời cũng là người giám sát thực hiện các Nghị quyết đó. Vì vậy, đại biểu HĐND phải đầu tư nhiều thời gian để nghiên cứu tài liệu của kỳ họp, nắm bắt sâu tình hình thực tế địa phương, tích cực tham gia thảo luận trước khi biểu quyết thông qua các Nghị quyết.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Minh Châu
(Thực hiện)