Đã hơn 2 tuổi mà bé trai nhà chị Trần Thị Huyền (phường Bích Đào- thành phố Ninh Bình) nhìn chỉ như đứa trẻ mấy tháng tuổi. Không chỉ nhẹ cân, cậu bé 2 tuổi này còn thấp bé khiến mỗi khi đưa con đến lớp, mẹ cháu nhìn các bạn cùng lớp cao to, khỏe mạnh mà thấy buồn vì "tay nuôi con" của mình kém cỏi. Chị Huyền tâm sự: Mình cũng cho con ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Từ những bữa bột đầu tiên, rồi ăn cháo và bây giờ là ăn cơm, mẹ đều cẩn thận mua rau sạch, thức ăn mỗi bữa mỗi món để xay vào bột, cháo cho con. "Trộm vía", cậu bé cũng ăn tốt, mỗi tội không "hấp thụ" như đứa trẻ khác…Khi được hỏi "sao không đưa con đi khám xem tình trạng dinh dưỡng của cháu như thế nào để còn biết mà thay đổi phương pháp, cách thức chăm sóc con?", chị Huyền gạt luôn: Chắc cái "tạng" nhỏ bé như thế rồi, chứ thằng cu nhà tôi ít khi ốm đau, ăn uống cũng không kén nên chẳng đi khám làm gì… Cũng chung hoàn cảnh với chị Huyền, một lần về quê thăm họ hàng, tôi khá bất ngờ vì đến giờ ăn trưa, chị hàng xóm cạnh nhà cứ dong con đi khắp xóm để cho con ăn. Hỏi chuyện chị Bùi Thị Minh (xã Khánh Hội- Yên Khánh) được biết: Con trai đã lên 3 tuổi nhưng vẫn lười ăn nên còi. Vì xót con nên mỗi bữa ăn cả gia đình phải xúm lại làm các trò để cậu bé ăn hết bát cơm, nhưng nhiều khi còn không hết. Khi trong nhà hết trò chơi, mẹ cháu lại bế cháu đi dong khắp các nhà hàng xóm để cho con ăn. Nhìn bát cơm đã nguội ngắt, lại trộn nước canh và thức ăn đến vữa ra mà cậu bé cứ ngậm lúng búng trong miệng, tôi chợt hiểu vì sao cậu bé này 3 tuổi mà thấp còi như trẻ mới hơn 1 tuổi… Theo các bác sỹ của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, nguyên nhân dẫn đến trẻ suy dinh dưỡng thường do các bà mẹ, người nuôi trẻ còn thiếu kiến thức trong việc bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Có những trường hợp do các bà mẹ bận rộn, công việc chiếm nhiều thời gian khiến việc chăm con cái phụ thuộc hoàn toàn vào người giúp việc hoặc người nhà, các bà nội, ngoại đã cao tuổi. Với những trường hợp này, việc con cái ăn gì, ăn có đủ chất hay không ít được các mẹ quan tâm vì mọi việc đều phó mặc cho người khác, chỉ cần thấy con ăn hết bát là yên tâm. Lại có trường hợp, mẹ một tay chăm con, nhưng ngại nên có khi để các bữa ăn của con diễn ra triền miên với thịt lợn, trứng gà. Tôi đã từng chứng kiến một bà mẹ trẻ khi nuôi con đầu lòng, vì lười, vì ngại việc nên mọi việc ăn uống đều phó mặc cho mẹ chồng. Vậy là, với vốn kiến thức ít ỏi về dinh dưỡng của một người mẹ thuộc thế hệ trước, các bữa bột của cô cháu gái 6 tháng tuổi cứ diễn ra đều đặn với chủ yếu là nước xương lợn ninh. Thỉnh thoảng được bà đổi bữa sang bột trứng gà. Tuyệt nhiên chưa bao giờ bữa ăn của cháu có rau xanh hay bất kỳ thức ăn nào khác. Hỏi chuyện thì bà trả lời rất hồn nhiên: ngày xưa làm gì có thức ăn nọ kia đâu mà chúng nó đều lớn như "thổi" đấy thôi, với lại cho rau cỏ vào có khi trẻ con ăn lại bị đau bụng, đi ngoài… Vậy mới có chuyện, rất nhiều bà mẹ ở vùng nông thôn, gia đình rất sẵn các loại rau vườn nhà nhưng ít khi cho con ăn vì ngại, vì thấy trẻ nhỏ chưa cần thiết phải ăn rau. Thức ăn chính của nhiều trẻ nhỏ vùng nông thôn vẫn là trứng, thịt, xương lợn. Những thức ăn cần thiết cho sự phát triển của trẻ như: tôm, cá, thịt bò… ít khi có trong các bữa ăn cho trẻ.
Để ngày càng có thêm nhiều bà mẹ đang nuôi con nhỏ có kiến thức, hiểu biết về dinh dưỡng trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng con cái, công tác truyền thông được tăng cường đã góp phần nâng cao nhận thức cho các đối tượng là thanh niên, phụ nữ mới kết hôn, phụ nữ mang thai và người nuôi trẻ. Đặc biệt, thông qua các đợt trọng điểm về dinh dưỡng như: "Tháng hành động vì trẻ em", "Ngày vi chất dinh dưỡng", "Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển"…, nhiều nội dung về chăm sóc sức khỏe bà mẹ mang thai, đa dạng thực phẩm trong bữa ăn để phòng, chống thiếu máu, dinh dưỡng, hướng dẫn thực hành dinh dưỡng… đã giúp nhiều bà mẹ có thêm kiến thức, kinh nghiệm để chăm sóc con cái ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Đặc biệt, ngành Y tế đã phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh việc tuyên truyền để các bà mẹ có con nhỏ quan tâm đưa con từ 3-36 tháng tuổi đi uống vitamin A và tiêm phòng vắc xin đầy đủ, đúng lịch nhằm góp phần phòng, chống suy đinh dưỡng cho trẻ. Định kỳ thực hiện tẩy giun cho trẻ, thực hành rửa tay bằng xà phòng cho trẻ sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Theo dõi thường xuyên cân nặng, chiều cao của con để kiểm soát thể trạng của bé, có giải pháp phòng ngừa ngay từ khi trẻ bắt đầu có dấu hiệu của suy dinh dưỡng. Năm 2015, nhân Tuần lễ "Dinh dưỡng và phát triển" diễn ra vào tháng 10 vừa qua, với thông điệp "Thúc đẩy chính sách bảo trợ xã hội và phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần giảm đói nghèo, nâng cao tình trạng dinh dưỡng cho người Việt Nam", Bộ Y tế đã phối hợp với ngành nông nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sự phát triển của trẻ, góp phần nâng cao tầm vóc người Việt Nam. Theo đó, các hoạt động của Tuần lễ dinh dưỡng tập trung vào việc phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp để hướng dẫn kỹ thuật canh tác phù hợp, phát triển mô hình VAC gia đình để tạo nguồn thực phẩm sạch, giàu dinh dưỡng nhằm đảm bảo an ninh lương thực.
Đồng thời, thông qua các hoạt động của Tuần lễ "Dinh dưỡng và phát triển" nhằm hướng dẫn người dân biết lựa chọn, chế biến và sử dụng đa dạng nguồn thực phẩm sẵn có tại địa phương và gia đình, góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng, kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì, tình trạng thấp còi, nhẹ cân của trẻ em. Qua đó góp phần nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam. Theo số liệu điều tra dinh dưỡng của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, năm 2015 tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng ở thể nhẹ cân còn 14,3% (năm 2014 là 14,5%), thể thấp còi còn 24,4% (năm 2014 là 25%). Trong năm, đã có 100% trẻ từ 3-36 tháng tuổi được uống vitamin A đầy đủ, trên 95% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng, trên 80% các trường học từ bậc mầm non đến THCS được quản lý về số lượng học sinh, thực trạng vệ sinh học đường, quản lý hồ sơ và phân loại sức khỏe, bệnh tật theo quy định…
Bài, ảnh: Lý Nhân