Xã Ân Hòa (Kim Sơn) thực hiện mô hình thu gom rác thải đã hơn 3 năm nay, nhưng hiện tại công tác vệ sinh môi trường vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Nhiều xóm hiện nay không có người làm công tác thu gom rác thải, nguyên nhân là do thu nhập từ công việc này quá thấp nên không mấy ai "mặn mà" và thường chọn làm công việc tạm thời.
Theo ông Vũ Mạnh Hà, công chức địa chính - xây dựng xã Ân Hòa thì, đời sống ngày càng phát triển kéo theo lượng rác thải ngày một nhiều, ngoài rác sinh hoạt còn rất nhiều loại rác thải từ các nhà máy, xí nghiệp, tổ hợp sản xuất, quán ăn, rác thải xây dựng… khiến công việc của người làm công tác vệ sinh môi trường gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, ngoài việc phải làm các công việc nặng nhọc, vất vả, họ còn phải đối mặt với những nguy hiểm, bệnh tật phát sinh từ nguồn rác thải chưa qua phân loại, xử lý, trong khi không được trang bị các phương tiện, bảo hộ lao động, hoặc có thì cũng rất thiếu thốn, thô sơ.
Đối với địa bàn xã Ân Hòa, hiện nhiều thôn xóm thiếu người thu gom rác thải do thu nhập quá thấp, chỉ từ 1,5 đến dưới 2 triệu đồng, không đủ giúp người lao động yên tâm làm việc, do đó các thôn, xóm đang tiến hành ghép địa bàn theo cách 1 người thu gom 2 xóm để tăng mức lương cho họ.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm môi trường đô thị huyện Yên Mô cho biết: Trung bình mỗi ngày, Trung tâm môi trường đô thị huyện Yên Mô phải thu gom khoảng 20 tấn rác thải. Với hơn 40 cán bộ, công nhân, người lao động, trong đó Trung tâm ký hợp đồng lao động với 20 người trực tiếp làm công tác thu gom rác thải trên địa bàn thị trấn Yên Thịnh.
Công việc của những người thu gom rác thải bắt đầu từ 4h sáng và kết thúc khi bước vào một ngày mới. Ngoài mức lương 2,8 triệu đồng/tháng, những người lao động cũng bố trí sắp xếp tranh thủ thời gian trong ngày đi làm các công việc khác phù hợp với thời gian và sức khỏe của mình để nâng cao thu nhập.
Nhận thấy đây là công việc khá vất vả và độc hại, vì thế Trung tâm đã trích kinh phí để mua sắm trang bị đầy đủ đồ dùng bảo hộ lao động, gồm quần áo, ủng cao su, găng tay, khẩu trang, mũ và dụng cụ lao động như chổi, hót rác, xẻng xúc… Để bảo đảm sức khỏe và tạo sự yên tâm, gắn bó cho người lao động, thị trấn Yên Thịnh còn hỗ trợ nộp bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho những người làm công tác này.
Cũng theo ông Hoàng Anh Tuấn, để làm được điều đó cùng với sự quan tâm của huyện như hỗ trợ tiền xăng dầu vận chuyển rác thải, Trung tâm cũng phải nỗ lực rất nhiều trong quá trình hoạt động, tranh thủ mọi nguồn thu để có tiền chi trả cho người lao động.
Nhưng trên thực tế hoạt động của Trung tâm môi trường huyện Yên Mô cũng còn gặp những khó khăn, bất cập, như việc thu gom rác từ các điểm tập kết về nơi xử lý gặp khó khăn do thiếu phương tiện vận chuyển, ý thức người dân ở nhiều nơi chưa cao nên tình trạng xả rác ra các nơi công cộng như chợ búa, trường học, nhà văn hóa… vẫn còn, gây khó khăn cho những người thu gom rác và ảnh hưởng đến môi trường nông thôn.
Hiện nay, việc quản lý chi trả tiền công cho người làm công tác vệ sinh môi trường ở các xã đều do địa phương thực hiện. Tất cả mọi hoạt động liên quan đến công tác vệ sinh môi trường chỉ trông chờ vào nguồn thu phí theo Nghị quyết số 01 năm 2014 của HĐND tỉnh khóa XIII, mức thu là 5 nghìn đồng/khẩu/tháng đối với thị trấn và 3 nghìn đồng/khẩu/tháng đối với xã.
Theo đề xuất của các Trung tâm môi trường đô thị thì cần phải tăng cường xe ô tô vận chuyển. Xem xét để nâng mức thu phí trong lĩnh vực này để bảo đảm nguồn thu cho các Trung tâm môi trường đô thị, các tổ thu gom rác thải thôn xóm phố hoạt động, đảm bảo đời sống cho người lao động và vận chuyển rác đi chôn lấp, xử lý theo quy định.
Để công tác vệ sinh môi trường tại các địa phương trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt hơn, góp phần đảm bảo cảnh quan môi trường cũng như sức khỏe của người dân, thiết nghĩ đây không chỉ là việc của những người trực tiếp làm công tác vệ sinh môi trường mà cần có sự vào cuộc, sự quan tâm của cả cộng đồng.
Hạnh Chi