PV: Xin đồng chí cho biết vai trò của Hội Phụ nữ huyện Yên Mô đối với việc thúc đẩy công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ trên địa bàn huyện?
Đ/c Bùi Thị Thu Hiền: Với chức năng, nhiệm vụ đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, những năm qua, Hội LHPN huyện Yên Mô đã phát huy vai trò đại diện giới trong tham gia phản biện xã hội, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới. Tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền về công tác cán bộ nữ, giới thiệu cho Đảng, chính quyền những cán bộ nữ ưu tú để kết nạp và tham gia giữ các chức vụ lãnh đạo các cấp…Tổ chức sâu rộng, thiết thực các phong trào thi đua, các cuộc vận động và 3 nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội gắn với các mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng nói chung và phụ nữ nói riêng về những phẩm chất truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, từng bước góp phần tạo dựng hình ảnh người phụ nữ hiện đại trong thời kỳ mới.
PV: Đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật trong thực hiện Luật bình đẳng giới thời gian qua?
Đ/c Bùi Thị Thu Hiền: Các cấp Hội đã phát động phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" và 3 nhiệm vụ trọng tâm của Hội; đẩy mạnh "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", thực hiện 2 cuộc vận động: "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" và rèn luyện phẩm chất đạo đức "Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang"… Đặc biệt, cuộc vận động rèn luyện giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH "Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang" đã và đang được các cấp Hội triển khai thường xuyên, có hiệu quả, nổi bật như: Quan tâm đến công tác tuyên truyền, tập huấn về giới, thu hút 8.300 lượt người tham dự. 100% đơn vị xã, thị trấn có góc tư vấn pháp luật, thành lập 215 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, hỗ trợ pháp lý cho hội viên phụ nữ kết hợp tuyên truyền nâng cao kiến thức về bình đẳng giới, quyền của phụ nữ trong pháp luật; làm tốt công tác quản lý, sử dụng hiệu quả, an toàn nguồn vốn vay với tổng số 637 tỷ 758 triệu cho 12.659 hộ vay phát triển kinh tế, khởi nghiệp, vươn lên làm giàu chính đáng, khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.
PV: Mặc dù phụ nữ ngày càng khẳng định được vị trí của mình trong các lĩnh vực, song thực tế hiện nay tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em vẫn còn tiếp diễn. Hội Phụ nữ huyện đã có những giải pháp gì để nâng cao nhận thức của phụ nữ và nhân dân về vấn đề này nhằm ngăn ngừa, đẩy lùi tác hại của bạo lực trên cơ sở giới?
Đ/c Bùi Thị Thu Hiền: Đối với tổ chức Hội phụ nữ, chúng tôi đã đặt ra các giải pháp để thực hiện để nâng cao nhận thức của phụ nữ, nhân dân, cung cấp kiến thức về tâm sinh lý cho trẻ em, nhất là trẻ em nữ nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu, đẩy lùi tác hại của bạo lực trên cơ sở giới như:
Hàng năm, tham mưu cho Ban Vì sự Tiến bộ của phụ nữ, phối hợp các cơ quan có liên quan tổ chức các buổi tuyên truyền, PBGDPL tới cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới cho đội ngũ là cán bộ, hội viên nòng cốt, cha mẹ và người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ em. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, cung cấp kiến thức, kỹ năng về phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em dưới các hình thức như: tổ chức tập huấn, diễn đàn, giao lưu, chiến dịch truyền thông, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, in ấn các sản phẩm truyền thông… Chú trọng, phát huy hiệu quả của các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, duy trì các Câu lạc bộ phòng tránh xâm hại trẻ em, đổi mới hình thức tư vấn, tham vấn và vận động trực tiếp đối với gia đình và cộng đồng dân cư về kỹ năng bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại tại các xã, thị trấn. Xây dựng chuyên mục phụ nữ trên đài truyền thanh 3 cấp thông tin về phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em.
Làm tốt công tác nắm bắt tình hình, chủ động phát hiện những hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, có các biện pháp ngăn chặn hiệu quả, không để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng; Đồng thời, tiến hành can thiệp, hỗ trợ hiệu quả cho trẻ em, đảm bảo các quyền và lợi ích tốt nhất cho trẻ em, không để nạn nhân bị tổn thương trong quá trình điều tra, xử lý. Ngoài ra, Hội còn tăng cường công tác rà soát, tổng hợp, quản lý chặt chẽ số liệu về trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nói riêng để kịp thời động viên, giúp đỡ.
PV: Để thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ, với chức năng của mình, Hội LHPN huyện tập trung vào những nhiệm vụ gì trong thời gian tới?
Đ/c Bùi Thị Thu Hiền: Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện tập trung phát động các phong trào thi đua, cuộc vận động; tuyên truyền, vận động phụ nữ rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức "Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang" để phụ nữ nỗ lực khẳng định bản thân, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Tham mưu cho Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ cùng cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giới và trách nhiệm thực hiện Luật Bình đẳng giới cho cán bộ, hội viên, phụ nữ; tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về bình đẳng giới, lồng ghép giới trong phát triển kinh tế - xã hội tại cơ sở dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Chủ động đề xuất, tổ chức các buổi đối thoại cấp huyện và 100% các xã, thị trấn, chủ trì giám sát việc thực hiện về luật pháp, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ về BĐG. Phát huy vai trò nòng cốt trong công tác vận động phụ nữ. Đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các giải pháp thực hiện có hiệu quả đối với công tác phụ nữ.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Thùy Phương