Mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường trên địa bàn đã từng bước được hạn chế. Công tác bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học đạt được nhiều tiến bộ rõ rệt. ý thức trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ môi trường của cả cộng đồng được nâng lên. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng khi phê duyệt, chấp nhận dự án đầu tư đều đặc biệt quan tâm đến việc đánh giá tác động môi trường.
Nhiều cơ sở sản xuất đã đầu tư, cải tiến thiết bị, đổi mới công nghệ, xây dựng hệ thống phòng ngừa và xử lý khói, bụi, tiếng ồn và nước thải tránh gây ô nhiễm môi trường. Đại bộ phận nhân dân hiện nay không còn xả nước thải, vứt rác bừa bãi ra đường. Chất lượng môi trường về đất, nước, tiếng ồn, bụi, không khí ở cả khu vực thành thị và nông thôn của tỉnh ta đã được cải thiện đáng kể.
Tuy vậy, vấn đề môi trường ở tỉnh ta vẫn luôn giành được sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là vấn đề nước và không khí. Dòng sông Đáy hiền hòa đã "thành thơ, thành nhạc" hàng ngày cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Ninh Bình và một số huyện liệu có đảm bảo khi mang trong mình cả nước thải từ Hà Nội, Hà Nam chảy về? Và liệu có "sạch" khi sông chứa nguồn nước thải của Khu công nghiệp Khánh Phú đổ ra, gặp lúc thủy triều lên?…
Đối với không khí, liệu có bảo đảm khi nguồn gây ô nhiễm không khí, đặc biệt là bụi phát sinh từ các hoạt động vận tải hàng hóa, vật liệu xây dựng của các phương tiện giao thông đang ngày, đêm chạy ngược, xuôi trên đường. Rồi các nhà máy xi măng, nhiệt điện… mặc dù đã được lắp đặt, áp dụng công nghệ lọc bụi tĩnh điện để giảm bụi nhưng vì lý do kinh tế, rất có thể "quên" trong lúc vận hành, để khói bụi tự nhiên ra….
Nguyên nhân vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay là sự phát triển kinh tế của tỉnh ta thời gian qua có lúc, có nơi chưa thực sự gắn kết với công tác bảo vệ môi trường. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, bảo vệ môi trường từ cấp tỉnh đến cấp xã còn ít, trình độ quản lý của cán bộ cấp cơ sở còn hạn chế. Nguồn lực cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu. Cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chưa được xây dựng đồng bộ. Nhiều khu, cụm công nghiệp chưa xây dựng được nhà máy xử lý nước thải tập trung. Kinh phí dành cho công tác bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đầy đủ. Việc quản lý sử dụng kinh phí còn nhiều đầu mối, hiệu quả chưa cao. ý thức trách nhiệm của một số doanh nghiệp về công tác bảo vệ môi trường chưa cao, vận hành các hệ thống xử lý chất thải, nước thải chưa thường xuyên, cá biệt mang tính đối phó. Công tác tuyên truyền thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường còn có mức độ và do vậy nhận thức của một số người dân về công tác bảo vệ môi trường chưa đầy đủ dẫn đến có hành động chưa đúng trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường.
Môi trường ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sức khỏe của con người, do vậy, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Mục tiêu chung của giai đoạn 2016-2020 và có thể cả những năm tiếp sau là phải hạn chế, khắc phục tình trạng ô nhiễm, giữ cho môi trường sống trong lành. Nhiệm vụ cụ thể là phải chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn việc phát sinh các nguồn gây ô nhiễm môi trường; triển khai các hoạt động nhằm giữ gìn, bảo vệ môi trường; đẩy nhanh việc cải tạo, phục hồi những khu vực đã bị ô nhiễm.
Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đó, cần có hệ thống giải pháp đồng bộ, cụ thể, trong đó quan trọng nhất là sự vào cuộc chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị và yếu tố then chốt có tính chất quyết định vẫn là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả cộng đồng nhằm bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Điều đó đòi hỏi cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng các cấp phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường như: xây dựng thói quen, nếp sống văn minh cho mọi người và trở thành phong trào quần chúng tự giác chung tay gìn giữ bảo vệ môi trường trong mỗi thôn, xóm, khu phố và rộng hơn là trên cả địa bàn xã, phường, huyện, thành phố của cả tỉnh.
Đừng ai nghĩ rằng bảo vệ môi trường là trách nhiệm của các nhà khoa học, của những người lãnh đạo, quản lý mà tất cả chúng ta đều phải chung tay bảo vệ môi trường bằng các hành động thật cụ thể như: trồng cây xanh, không bẻ cây cối, quét dọn xung quanh nơi ở; không xả, vứt rác bừa bãi, tắt nước, tắt điện khi không sử dụng… đó chính là hành động thiết thực góp phần bảo vệ môi trường.
Nguyễn Đông