Trong thời gian tham gia lớp học, các học viên được nghiên cứu, bồi dưỡng 23 vấn đề thuộc 6 nhóm chuyên đề lớn, đó là: Tổng quan về các hoạt động kinh tế trên địa bàn xã và tư duy mới trong huy động và quản lý các nguồn lực phát triển kinh tế địa phương cấp xã; phương pháp quản lý dự án đầu tư trên địa bàn xã; các phương pháp và công cụ sử dụng trong lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cấp xã theo phương pháp mới; khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất và tái cấu trúc nông nghiệp; phương pháp, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành; quản lý ngân sách xã. Thông qua lớp học, các cán bộ chủ chốt cơ sở được trang bị những kiến thức cơ bản về lý luận, nghiệp vụ, kỹ năng đối với chức danh lãnh đạo, quản lý cơ sở ở cấp xã và cập nhật những kiến thức, thông tin mới về tình hình quản lý, điều hành kinh tế địa phương hiện nay, góp phần nâng cao tầm nhìn và tư duy chiến lược; hoàn thiện thêm một số kỹ năng, phương pháp cần thiết trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đối với cương vị chủ chốt ở cơ sở.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy: Quá trình học tập, các học viên đã tập trung để lĩnh hội, nắm bắt những kiến thức mà giảng viên truyền đạt; tích cực trao đổi, thảo luận, làm rõ những vấn đề chưa hiểu, những vấn đề giảng viên gợi mở, đảm bảo từng học viên đều nắm vững nội dung chuyên đề, chương trình của lớp học đề ra. Công tác quản lý lớp đảm bảo chặt chẽ, nghiêm túc. Việc theo dõi chuyên cần bằng sơ đồ chỗ ngồi của từng học viên, kết hợp với chữ ký của từng đồng chí trong các buổi học và qua sự giám sát chéo của các thành viên mỗi tổ, các tổ với nhau là cách quản lý cần thiết, tránh tình trạng "đánh trống ghi tên". Công tác đánh giá chất lượng học tập được thực hiện thông qua công tác chuyên cần; thông qua trao đổi thảo luận trong học tập và bài viết thu hoạch được xem là cách đánh giá toàn diện đối với việc học tập, rèn luyện của học viên. Đặc biệt, Ban tổ chức lớp học đã đề nghị các học viên sau khi kết thúc lớp bồi dưỡng viết thu hoạch, sau đó gửi tới Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thành ủy; các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách huyện, thành phố đọc để nhận xét, đánh giá. Đây là cách làm mới, hiệu quả nhằm đánh giá thực chất kết quả học tập của học viên.
Đồng chí Mai Thế Huân, Bí thư Đảng ủy phường Ninh Khánh (thành phố Ninh Bình) chia sẻ: Chúng tôi- đội ngũ cán bộ cơ sở, mỗi người được đào tạo ở những chuyên ngành nhất định. Để có kiến thức hiểu biết sâu rộng, mỗi người đều phải không ngừng học hỏi, tự bồi dưỡng, đáp ứng vai trò, năng lực lãnh đạo trong giai đoạn mới. Trong những năm qua, cán bộ cấp cơ sở được quan tâm bồi dưỡng thường xuyên, nhưng chủ yếu về lĩnh vực công tác xây dựng Đảng. Do đó trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương cũng còn những mặt hạn chế nhất định. Vì vậy, việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy lựa chọn chuyên đề này để bồi dưỡng cho các cán bộ cơ sở là rất cần thiết. Những kiến thức được truyền đạt tại lớp bồi dưỡng đã giúp tôi hình thành tư duy mới về phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế ở địa phương. Điều quan trọng là thông qua lớp bồi dưỡng, tôi nhận thấy mình cần phải thực sự nỗ lực hơn nữa để cùng tập thể Ban chấp hành Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong phường thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Đồng chí Phùng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Đồng Hướng (Kim Sơn) cho biết: Đây là lần đầu tiên tôi được tham dự lớp bồi dưỡng chuyên đề như thế này. Thời gian học tập ngắn nhưng với tình cảm và trách nhiệm; với bề dày công tác giảng dạy, kinh nghiệm quản lý, kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm thực tế, các giảng viên đã truyền đạt, cung cấp cho các học viên những kiến thức nền tảng như: các phương pháp và công cụ sử dụng trong lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cấp xã theo phương pháp mới; khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất và tái cấu trúc nông nghiệp. Đây là những bài học quý, những giải pháp hữu hiệu nhằm tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc mà chúng tôi đang vấp phải trong quá trình lãnh đạo thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp ở xã. Vì vậy, có thể nói chuyên đề bồi dưỡng này rất phù hợp với thực tiễn, kinh nghiệm, kỹ năng mà người lãnh đạo cần phải có. Qua lớp bồi dưỡng đã đem lại một tư duy mới về phương pháp lãnh đạo phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương để từ đó giúp chúng tôi vận dụng linh hoạt sáng tạo, thường xuyên đổi mới phương pháp, tư duy, suy nghĩ làm thế nào có sự lãnh đạo đột phá trong phát triển kinh tế trên địa bàn. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn được tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện được tham gia các lớp bồi dưỡng những chuyên đề chuyên sâu, nhằm đáp ứng yêu cầu cập nhật kiến thức, thông tin trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của đội ngũ cán bộ cơ sở.
Cán bộ chủ chốt cấp cơ sở là nhịp cầu nối đầu tiên giữa dân với Đảng, với Nhà nước; là lực lượng để triển khai, tổ chức cho nhân dân thực hiện những chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật; là những người đóng vai trò quyết định rất lớn đến thành quả chung của toàn tỉnh trong việc xây dựng hệ thống chính trị, hệ thống chính quyền hoạt động hiệu quả. Đổi mới công tác bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ cấp cơ sở theo hướng tập trung trang bị những kiến thức, kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội là một trong những cách làm linh hoạt, chủ động của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh. Do vậy đã đáp ứng được yêu cầu, mong mỏi từ phía học viên, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở nói riêng cũng như chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh nói chung.
Mai Lan