Nhìn vào những con số đó thấy phấn khởi, song cũng chưa thực sự đã hết nỗi lo về tai nạn giao thông. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều thời điểm phải thực hiện giãn cách xã hội, mật độ người và phương tiện tham gia giao thông thấp hơn bình thường, thế mà số vụ, số người chết và bị thương giảm "hơi ít". Có nghĩa là mức độ giảm tai nạn giao thông chưa tương xứng với mức độ giảm của lưu lượng giao thông. Nếu không có dịch COVID-19, mọi hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra bình thường, chắc tai nạn giao thông sẽ khó kéo giảm xuống được. Trong thời gian tới, tình hình trật tự ATGT sẽ có diễn biến mới, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao hơn.
Việc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về việc ban hành quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" áp dụng thống nhất trong toàn quốc sẽ mở ra cơ hội giao thông công cộng được phép hoạt động và người dân đi lại không hạn chế khi nguy cơ dịch thấp. Hiện tại, tỉnh Ninh Bình đã và đang kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh. Tỷ lệ người tiêm vắc xin phòng dịch COVID-19 ngày càng tăng lên. Chắc chắn hoạt động giao thông vận tải sẽ nhộn nhịp và mật độ giao thông sẽ tăng cao,nhất là dịp cuối năm.
Chính vì vậy, nguy cơ tai nạn giao thông vẫn tiềm ẩn phức tạp. Trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của rất nhiều người còn hạn chế. Số lượng người vi phạm các quy định pháp luật về giao thông đã bị cơ quan chức năng xử lý còn nhiều. Mặc dù có dịch, song trong 9 tháng năm 2021, lực lượng công an đã phát hiện, lập biên bản gần 45.500 trường hợp vi phạm về trật tự ATGT, phạt tiền 59 tỷ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe hơn 4.000 trường hợp, tạm giữ gần 7.000 xe. Thanh tra giao thông xử phạt gần 200 trường hợp, phạt tiền hơn 600 triệu đồng, tước 14 giấy phép lái xe và 27 phù hiệu vận tải….
Những số liệu trên đây cho thấy tình trạng vi phạm các quy định về trật tự ATGT đường bộ của người tham gia giao thông là khá phổ biến. Nếu như các lực lượng chức năng không kiểm tra, kiểm soát, xử lý kịp thời, có thể tai nạn giao thông sẽ khó giảm được. Điều đó cũng nói lên là ý thức tự giác chấp hành các quy định của nhiều người khi tham gia giao thông vẫn chưa được cải thiện và nâng lên. Vì vậy mà nguy cơ tai nạn giao thông tiềm ẩn ngay chính trong mỗi người khi không tự giác chấp hành các quy định đảm bảo trật tự ATGT.
Một nguy cơ tiếp theo là sự tăng lên chóng mặt của các phương tiện giao thông. Tính trong 9 tháng năm 2021, Công an tỉnh làm các thủ tục đăng ký cho 3.430 xe ô tô; 12.088 xe mô tô, xe máy điện, xe đạp điện. Tổng số xe đang quản lý của toàn tỉnh đến đầu tháng 10/2021 là 49.028 xe ô tô và 430.173 xe mô tô, xe máy điện, xe đạp điện. Đó là chưa kể số xe đi vào địa bàn trong ngày và xe mua, nhận từ các tỉnh, thành phố khác về Ninh Bình mà chưa làm thủ tục đăng ký. Vào những giờ cao điểm như đầu giờ làm việc sáng và cuối giờ chiều, các phương tiện giao thông phần lớn là ô tô, xe máy, xe đạp điện… chật kín các đường phố, nhất là các tuyến đường ở trung tâm thành phố Ninh Bình: Đinh Tiên Hoàng, Trần Hưng Đạo, Lê Đại Hành, Nguyễn Công Trứ, Vân Giang… Ở cổng các trường học, giờ tan học lại càng đông đúc, chật chội, người, xe… rất dễ gây tai nạn giao thông.
Do vậy mà trên các tuyến giao thông trọng điểm, nhất là ở một số nút giao có lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng cao, các chiến sỹ công an giao thông đã phải vất vả túc trực, làm nhiệm vụ điều tiết, chỉ huy giao thông nên đã hạn chế nhiều va chạm, ùn tắc. Số phương tiện tăng cao nhưng kết cấu hạ tầng giao thông hầu như chưa thực sự bảo đảm. Tuyệt đại bộ phận các tuyến đường trên địa bàn tỉnh ta là giao thông hỗn hợp hai chiều.
Các loại phương tiện cơ giới tham gia giao thông với nhiều chủng loại nhưng điều kiện về tốc độ khác nhau, càng làm tăng thêm nguy cơ gây mất trật tự ATGT. Đã thế, một số tuyến đường như tuyến Tràng An- Bái Đính (đây là con đường du lịch khá đẹp, các phương tiện qua lại rất nhộn nhịp, nhất là mùa lễ hội, du lịch) hệ thống báo hiệu đường bộ như biển báo, vạch kẻ đường, chỗ có, chỗ không, chỗ mờ nhạt… rất nguy hiểm.
Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường người dân tự ý xâm phạm công trình đường bộ, chiếm dụng lòng, lề đường để cát, gạch, phơi thóc lúa, rơm rạ còn diễn ra khá phổ biến. Do vậy mà nguy cơ tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh ta là rất lớn. Trong đời sống xã hội, con người không thể không có các hoạt động đi lại như: đi làm, đi học, đi chợ … vì nhu cầu riêng nên vẫn phải tham gia giao thông. Kết cấu hạ tầng giao thông nhiều nơi khó có thể mở rộng hơn nữa và không thể sửa chữa, hoàn chỉnh trong một sớm, một chiều. Phương tiện giao thông thì ngày càng tăng lên nhanh chóng làm cho mật độ phương tiện dày hơn. Trong các điều kiện đó, muốn đảm bảo trật tự ATGT, kiềm chế, kéo giảm hơn nữa về số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông thì đòi hỏi mọi người khi tham gia giao thông phải nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật về giao thông. Tuân thủ nghiêm các quy định như: đã uống rượu, bia thì không lái xe; đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy; đi đúng tốc độ, làn đường, phần đường; không đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, chở quá số người quy định….
Chỉ khi nào ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông của mỗi người được nâng lên, trở thành thói quen, nếp sống văn hóa, văn minh sẽ góp phần ngăn chặn và đẩy lùi được tai nạn giao thông. Vẫn biết đây không phải là việc dễ dàng, nhưng vì cuộc sống an toàn và hạnh phúc của mọi người, hãy xây dựng ý thức và thói quen chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông.
Nguyễn Đông