P.V: Xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em trên địa bàn Ninh Bình thời gian qua?
Đồng chí Nguyễn Thị Thân: Thực hiện mục tiêu trong chương trình hành động quốc gia vì trẻ em, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Theo đó, nhiều hoạt động thiết thực đã được triển khai như: Đẩy mạnh tuyên truyền về công tác chăm sóc sức khỏe, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; phát động các phong trào "ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo"… Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 8 diễn đàn của trẻ em với gần 1.600 trẻ em tham gia; 16 cuộc nói chuyện chuyên đề, tư vấn cộng đồng thu hút trên 2.000 người tham gia. Qua đó nâng cao kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong cộng đồng. Toàn tỉnh đã trao tặng 142 suất học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó học giỏi với tổng số tiền trên 112 triệu đồng (suất học bổng có giá trị lớn nhất là 2,4 triệu đồng do Doanh nghiệp tư nhân Việt Thắng (Tam Điệp) trao tặng, còn lại là mức 200.000-500.000 đồng).
Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng Quỹ "Bảo trợ trẻ em", tỉnh đã huy động các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và quần chúng nhân dân tích cực tham gia ủng hộ. Nhờ nguồn Quỹ và sự giúp đỡ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm mà nhiều trẻ em nghèo mắc bệnh tim bẩm sinh đã được hỗ trợ mổ tim. Trong 5 tháng đầu năm 2009, toàn tỉnh đã có 3 em được hỗ trợ phẫu thuật tim với tổng số tiền là 110 triệu đồng, nâng tổng số trẻ em được hỗ trợ phẫu thuật tim từ năm 2005 đến nay lên 28/74 em. Các ca phẫu thuật đã thành công, đảm bảo an toàn và hục hồi sức khỏe tốt với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng (trong đó có nhiều ca chi phí lên tới 60-70 triệu đồng).
Thêm một tin vui nữa cho trẻ em khuyết tật, đó là vừa qua Tổ chức trợ giúp xã hội cho Việt Nam (SAP-VN) đã quyết định tiếp tục hỗ trợ phẫu thuật cho trẻ em khuyết tật vận động Ninh Bình trong 3 năm (2009-2011). Như vậy sẽ có khoảng 300 em khuyết tật nữa được phẫu thuật vận động phục hồi chức năng (riêng trong năm 2009 này là 82 em). Tấm lòng nối tiếp tấm lòng, những trẻ em khó khăn đã lần lượt được quan tâm, sẻ chia. Sự quan tâm đó đã giúp nhiều em có bệnh về tim được kéo dài sự sống, nhiều em khuyết tật được phẫu thuật phục hồi chức năng, hàng trăm trẻ em nghèo được tiếp sức đến trường..., góp phần tạo điều kiện cho các em được sống, học tập và phát triển toàn diện.
P.V: Tuy vậy, trên thực tế vẫn còn trẻ em bị ngược đãi, bị xâm hại? Theo đồng chí, đâu là giải pháp quan trọng để hạn chế thấp nhất tình trạng này?
Đồng chí Nguyễn Thị Thân: Mặc dù thời gian qua các cấp, các ngành đã nỗ lực rất nhiều trong việc chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em, song vẫn còn trẻ em sa vào các tệ nạn xã hội như: cờ bạc, trộm cắp, nghiện hút, đánh nhau… Vẫn còn em phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, bị xâm hại cả về sức khỏe lẫn tinh thần. Chính vì vậy cần phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các nhà quản lý, các cơ quan chức năng và cộng đồng, tránh thái độ thờ ơ trước việc xâm hại trẻ em. Trước mắt, cần quản lý chặt chẽ lĩnh vực văn hóa và dịch vụ như: phim ảnh, truyện tranh khiêu dâm, đồ chơi kích động bạo lực… Còn về khâu đột phá, chúng tôi cho rằng phải bắt đầu từ mỗi gia đình, mỗi trẻ em cần phải có kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình. Các gia đình phải lên án mạnh mẽ đối với những hành vi xâm hại tình dục trẻ em không nên vì mặc cảm mà giấu giếm...
P.V: Có ý kiến cho rằng, khi Ủy ban Dân số Gia đình và trẻ em giải thể, công tác trẻ em được giao cho ngành Lao động thương binh, xã hội quản lý thì công tác trẻ em có nơi chưa được quan tâm thường xuyên nhất là ở cơ sở do cán bộ làm công tác thương binh xã hội phải kiêm nhiệm quá nhiều việc? Quan điểm của đồng chí về ý kiến này?
Đồng chí Nguyễn Thị Thân: Khi công tác trẻ em được giao cho cán bộ Lao động, thương binh và xã hội quản lý, thực hiện như vậy họ vốn đã nhiều việc nay lại có thêm nhiệm vụ mới, đòi hỏi cán bộ phải đầu tư thời gian, công sức nhiều hơn cho công việc. Trong khi đó, chúng ta lại chưa có chế độ phụ cấp thêm cho họ nên vẫn còn một số địa phương có tình trạng cán bộ lao động, thương binh, xã hội chưa thực sự nhiệt tình với công tác trẻ em, do vậy còn một bộ phận trẻ em chưa được tiếp cận và hưởng lợi từ các chương trình, đề án của trẻ em.
Hơn nữa, kỹ năng nghiệp vụ về công tác trẻ em đối với cán bộ ở cấp cơ sở còn bất cập vì họ mới được tiếp cận với công việc này. Mặc dù Sở Lao động, thương binh và xã hội đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ các cấp, nhưng để đáp ứng được yêu cầu công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em thì cần phải có một quá trình nhất định. Song chúng tôi tin rằng điều này sẽ sớm được khắc phục vì đội ngũ cán bộ lao động, thương binh và xã hội đã có một nền tảng kiến thức về chế độ, chính sách khá vững vàng nên công tác trẻ em sẽ được thực hiện ngày một hiệu quả hơn.
P.V: Tháng hành động vì trẻ em năm 2009 với chủ đề "Chung tay góp sức vì trẻ em nghèo", ngành Lao động, thương binh, xã hội đã, đang triển khai những hoạt động thiết thực nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Thị Thân: Trong Tháng hành động Vì trẻ em năm 2009, các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Luật bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, tham quan, du lịch cho trẻ em.
Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi (1-6), tỉnh sẽ thành lập các đoàn đi thăm, hỏi tặng quà cho trẻ em ở một số đơn vị tiêu biểu; tổ chức trao tặng xe lăn cho các em khuyết tật vận động; kiểm tra, khảo sát đánh giá việc xây dựng điểm vui chơi cho trẻ em và kết quả thực hiện cuộc vận động xây dựng "Xã, phường phù hợp với trẻ em"; tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác trẻ em…
Tuy nhiên, để công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em có hiệu quả,các cấp, các ngành, các địa phương, các gia đình cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác quản lý, giáo dục trẻ em. Có như vậy, mọi trẻ em mới được sống lành mạnh và phát triển toàn diện.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí
Mai Lan (thực hiện)