Theo thống kê của các ngành chức năng, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày tại khu vực nông thôn ước khoảng 328,2 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ khoảng 67% tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh. Rác thải sinh hoạt có thành phần đa dạng, khác nhau, phụ thuộc vào mức sống của người dân và sự phát triển của từng địa phương, trong đó rác thải hữu cơ chiếm 70-75%, rác vô cơ (như thủy tinh, kim loại, nhựa...) chiếm 25-30%.
Sau khi thu gom, vận chuyển, rác được xử lý chủ yếu bằng biện pháp chôn lấp (tại bãi rác thung Quèn Khó, thành phố Tam Điệp và các bãi rác của xã, thôn) khoảng 225,4 tấn/ngày, còn lại khối lượng rác thải được xử lý bằng lò đốt (tại các xã Khánh Thiện, Khánh Thủy, Khánh Hòa, huyện Yên Khánh và xã Kim Đông, Cồn Thoi, huyện Kim Sơn) là khoảng 14 tấn/ngày.
Bên cạnh một số địa phương đã làm khá tốt công tác thu gom và xử lý rác thải thì ở một số nơi rác thải sinh hoạt chưa được thu gom triệt để, vẫn xảy ra tình trạng người dân vứt rác thải ra bờ đê, kênh, dọc đường... gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, ở một số khu dân cư, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn chưa tổ chức thu gom rác thải tập trung mà tự xử lý theo mô hình tại các hộ gia đình. Tỷ lệ rác thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn được thu gom và xử lý tập trung mới đạt 73% (tương đương 239,4 tấn/ngày), thấp hơn khu vực thành thị.
Nguyên nhân chính là do người dân ở một số nơi chưa có ý thức về công tác bảo vệ môi trường. Rác thải sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, trang thiết bị phục vụ công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt đã ứng dụng trên địa bàn còn chưa đồng bộ, chưa kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải phát sinh từ quá trình xử lý rác thải, do vậy đang gây áp lực lớn cho môi trường khu vực các khu xử lý rác thải tập trung.
Ông Lê Hùng Thắng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Cùng với sự gia tăng về dân số, sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao thì lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều, gây áp lực lên môi trường sống ngày càng cao. Vì vậy, việc đầu tư hệ thống thu gom, vận chuyển, các công trình xử lý rác thải đồng bộ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết và là nhu cầu thiết yếu để đảm bảo môi trường, đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh nói chung và khu vực nông thôn nói riêng.
Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh đã ban hành Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nông thôn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2020-2025. Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn đạt khoảng 85%; 100% các thôn, xóm có tổ thu gom rác thải sinh hoạt; xử lý triệt để các điểm tồn đọng rác thải tại các khu dân cư, các trục đường giao thông, các bãi rác cũ và chấm dứt xử lý rác thải tại các bãi chôn lấp nhỏ lẻ trước năm 2025; cải tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng các lò đốt rác đang hoạt động tại các huyện Yên Khánh và Kim Sơn; tăng cường đầu tư các phương tiện, thiết bị để thu gom, vận chuyển rác đến khu vực xử lý, phấn đấu trang bị xe chở rác chuyên dụng đủ năng lực vận chuyển cho tất cả các huyện, thành phố; xây dựng các khu xử lý rác thải theo quy hoạch, có công nghệ xử lý phù hợp, đảm bảo tỷ lệ chôn lấp còn dưới 20%.
Đề án đã đưa ra các nhóm giải pháp chính để thực hiện các mục tiêu trên. Trong đó chú trọng đến giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng, nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị đối với công tác quản lý chất thải rắn. Đối với giải pháp này, sẽ tập trung phổ biến, hướng dẫn về công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt; giới thiệu các công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt đang áp dụng và vận động người dân ủng hộ, tạo điều kiện để thực hiện các dự án xử lý chất thải có công nghệ phù hợp, không gây ô nhiễm môi trường.
Đồng thời hướng dẫn các hộ gia đình tự phân loại rác tại nguồn, các biện pháp giảm thiểu phát sinh chất thải, nhất là chất thải nhựa, các biện pháp tự xử lý rác thải tại nhà. Khuyến khích người dân, cộng đồng dân cư tố giác các hành vi vi phạm về quản lý chất thải gây ô nhiễm môi trường, giám sát các hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải khu vực nông thôn. Cùng với đó, tập trung hoàn thiện mạng lưới thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tại các địa phương. Tăng cường đầu tư các phương tiện, thiết bị để thu gom, vận chuyển rác đến khu vực xử lý, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thu gom, vận chuyển rác thải của các xã, thị trấn.
Đối với vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh, tỉnh cũng đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung nguồn lực, tham mưu đề xuất thực hiện các công trình xử lý rác thải sinh hoạt. Trọng tâm là cải tạo các khu xử lý rác bằng lò đốt rác tại huyện Kim Sơn và Yên Khánh để nâng cao hiệu quả xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Từng bước ngừng sử dụng và tiến tới xử lý triệt để ô nhiễm tại các bãi rác chôn lấp lộ thiên hiện có tại các huyện; phấn đấu đến năm 2025, chấm dứt việc chôn lấp rác thải tại các bãi chôn lấp nhỏ lẻ không đúng quy hoạch.
Nghiên cứu, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả xử lý rác thải của Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình và cải tạo, khắc phục ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại bãi rác thung Quèn Khó, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp. Ngoài ra, tỉnh cũng khuyến khích xã hội hóa đầu tư về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt. Kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp cố tình đổ rác thải ra môi trường.
Bài, ảnh Hồng Giang