Các phòng tư pháp cấp huyện, mỗi đơn vị bố trí từ 1 đến 2 cán bộ tư pháp phụ trách công tác hộ tịch. Cấp xã, phường, thị trấn hiện có 264 công chức tư pháp hộ tịch, đội ngũ công chức hộ tịch nhìn chung có tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc được giao, có kinh nghiệm trong công tác, vì vậy công tác đăng ký hộ tịch có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ đăng ký các sự kiện hộ tịch tăng, tình trạng đăng ký quá hạn các sự kiện hộ tịch giảm; hệ thống dữ liệu hộ tịch được lưu trữ tương đối đầy đủ; trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch được thực hiện đúng quy định; ý thức chấp hành pháp luật về hộ tịch của cán bộ, công chức và người dân được nâng lên.
Tuy nhiên, việc thi hành pháp luật và các điều kiện bảo đảm cho công tác thi hành pháp luật trong lĩnh vực quản lý hộ tịch vẫn còn một số hạn chế, đó là: Trình độ, năng lực của công chức tư pháp hộ tịch không đồng đều, công chức, cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn luôn có sự thay đổi.
Một số cán bộ tư pháp chưa được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, thời gian công tác trong lĩnh vực tư pháp chưa nhiều do vậy khó khăn khi thực hiện công việc được giao. Nhiều xã, phường, thị trấn, cán bộ, công chức tư pháp hộ tịch vẫn còn đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau như công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, chứng thực, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải…
Do vậy, thời gian cho việc nghiên cứu về công tác hộ tịch, tự nâng cao trình độ còn hạn chế. Từ đó dẫn đến hồ sơ hộ tịch chưa đảm bảo đầy đủ các căn cứ pháp lý; cán bộ tư pháp hộ tịch viết nhầm thông tin giữa sổ gốc và giấy tờ hộ tịch; việc đăng ký khai tử của người dân còn chậm so với quy định. Còn có vi phạm về thời gian giải quyết; đăng ký hộ tịch sai thẩm quyền, việc quản lý hồ sơ, sổ, biểu mẫu đăng ký hộ tịch chưa đúng theo quy định của pháp luật; việc lưu trữ hồ sơ hộ tịch không đảm bảo dẫn đến hồ sơ bị hư hỏng, thất lạc…
Để nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật trong việc quản lý hộ tịch, Sở Tư pháp cần xây dựng chương trình, kế hoạch nội dung cụ thể để đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch ở cơ sở; thực hiện tốt việc kiểm tra định kỳ công tác hộ tịch ở các xã, phường, thị trấn; kịp thời có văn bản hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tư pháp, hộ tịch nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động tư pháp ở xã, phường, thị trấn.
UBND các cấp cần đổi mới nội dung tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của người dân về việc đăng ký hộ tịch; từ đó nâng cao nhận thức, ý thức tự giác của người dân để họ chủ động liên hệ với cơ quan có thẩm quyền đăng ký hộ tịch, giảm áp lực cho cán bộ, công chức và nâng cao hiệu quản lý Nhà nước về công tác hộ tịch.
Mặt khác, UBND cấp huyện, xã, phường, thị trấn cần đảm bảo đủ trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý hộ tịch như trang bị máy vi tính, xây dựng hệ thống lưu trữ hiện đại mang tính đặc thù của việc lưu trữ hồ sơ hộ tịch. Chính quyền các cấp có sự bố trí, sắp xếp hợp lý bảo đảm cho cán bộ tư pháp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Có kế hoạch bồi dưỡng chính trị, tư tưởng, đạo đức, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân; bồi dưỡng kiến thức pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch.
Củng cố, kiện toàn hệ thống cán bộ hộ tịch chuyên trách từ tỉnh đến cơ sở, hướng đến việc xây dựng chức danh "hộ tịch viên" tương ứng với các chức danh cán bộ hộ tịch từng cấp; có chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý nhằm thu hút và đảm bảo cho đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch gắn bó lâu dài với công việc được giao.
Hoàng Hiệp