Những năm vừa qua trên bình diện cả nước nói chung và Ninh Bình nói riêng công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy đã đạt được kết quả khá quan trọng về: Nhận thức; hệ thống pháp luật; công tác điều tra, truy tố, xét xử; hợp tác quốc tế… Đã góp phần tích cực bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Mặc dù vậy, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp. Ma túy thẩm lậu từ nước ngoài vào trong nước số lượng ngày càng nhiều, một số vụ với quy mô lớn. Nước ta đứng trước nguy cơ trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế. Đã xuất hiện nhiều loại ma túy mới, khó kiểm soát, số người sử dụng tăng nhanh, ngày càng "trẻ hóa"…
Ninh Bình cũng nằm trong bối cảnh chung của cả nước, mặc dù các điểm và tụ điểm ma túy không nhiều và chưa lớn, song tệ nạn ma túy đã tác động tiêu cực đến trật tự an toàn xã hội và cuộc sống bình yên của người dân.
Ngày 11/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 36 - CT/TW "Về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy", nhằm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy. Từng bước xóa bỏ triệt để các tổ chức, đường dây, tụ điểm sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy ở trong nước. Ngăn chặn hiệu quả nguồn ma túy thẩm lậu vào Việt Nam, không để nước ta là địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế, kiểm soát và quản lý chặt chẽ các loại tiền chất ma túy, chất gây nghiện, hướng thần, nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai, không để phát sinh tình hình phức tạp, xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh…
Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quan trọng này, trước khi Chỉ thị của Bộ Chính trị được ban hành, UBND tỉnh Ninh Bình đã xây dựng kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 14/2/2019 nhằm thực hiện đề án "Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2020". Kế hoạch đã đề ra 9 chỉ tiêu cụ thể có tính khả thi để phấn đấu thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương như:
Hàng năm phấn đấu xóa từ 50% trở lên số tụ điểm phức tạp về ma túy. Đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh không có điểm nóng về ma túy. Đối với xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy: Giảm theo từng năm, phấn đấu đến hết năm 2020 giảm 50% số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy. Đồng thời giảm mức độ phức tạp của xã, phường, thị trấn trọng điểm so với giai đoạn 2012-2015. Đối với xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy: Duy trì không để phát sinh tệ nạn ma túy…
Để các chỉ tiêu trên thành hiện thực đòi hỏi phải có hệ thống giải pháp đồng bộ để triển khai thực hiện, trong đó cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong cuộc đấu tranh rất cam go và phức tạp này.
Trước hết, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội, nhất là người đứng đầu về công tác phòng, chống, kiểm soát ma túy, vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên: Hàng năm phải xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, hàng tháng, quý phải nghe, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, đưa nhiệm vụ này là chỉ tiêu đánh giá, xếp loại cấp ủy, tổ chức Đảng hàng năm.
Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với từng đối tượng, coi trọng tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, gương điển hình tiên tiến trên mặt trận phòng, chống ma túy nóng bỏng này… Tiếp tục nâng cao ý thức chuyên môn cho người làm công tác phòng, chống ma túy. Tổ chức các hoạt động phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, không để hình thành các điểm nóng ma túy ở cơ sở. Tổ chức điều trị nghiện, cai nghiện ma túy và quản lý giúp đỡ, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, phòng, chống tái nghiện. Tổ chức phát động phong trào "Toàn dân tham gia, phòng, chống ma túy" gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh…
Nguyễn Kim