Cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo
Năm 2018, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục quán triệt, chỉ đạo thực hiện Kế hoạch số 53 ngày 20/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 10 ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 (khóa X) "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí"; Chương trình hành động số 06 ngày 18/1/2016 về thực hiện Chỉ thị số 50 ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 44 ngày 23/5/2016 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 12 ngày 28/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc tham nhũng; Chỉ thị số 33 ngày 3/1/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập...
UBND tỉnh đã ban hành 21 văn bản, chương trình, quyết định, kế hoạch ở các lĩnh vực để chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên địa bàn tỉnh. Trong đó có kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Ninh Bình năm 2018; quyết định phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2018; kế hoạch đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh; kế hoạch thực hiện chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2020... Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Trong năm, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã tổ chức 48 lớp tuyên truyền, quán triệt pháp luật, trong đó có nội dung về phòng, chống tham nhũng cho gần 2.500 người; cấp phát hơn 20.400 tài liệu tuyên truyền có nội dung về phòng, chống tham nhũng, lãng phí...
Đa dạng các biện pháp phòng ngừa
Xác định công tác phòng ngừa rất quan trọng, do đó tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan, đơn vị như công bố công khai địa chỉ, số điện thoại, trang thông tin điện tử để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức; tập trung công khai các lĩnh vực đầu tư công, quản lý tài chính-ngân sách, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, thực hiện chính sách xã hội, công tác cán bộ, y tế, giáo dục...
Tăng cường phân cấp quản lý cho các cấp, các ngành, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức kinh tế. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục sửa đổi, bổ sung, công khai quy chế chi tiêu nội bộ, quản lý tài sản công theo quy định, thực hiện đúng chế độ định mức, tiêu chuẩn, dân chủ, tiết kiệm; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của các cơ quan thanh tra, tài chính, kho bạc trong thực hiện chế độ định mức, tiêu chuẩn đối với các cơ quan, đơn vị. Quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát kiến nghị thu hồi và bồi thường hơn 704 triệu đồng. Đồng thời đề cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, giám sát phòng ngừa tham nhũng. Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện cải cách hành chính theo
Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020; thực hiện kiểm soát các thủ tục hành chính, duy trì cơ chế một cửa, một cửa liên thông, giải quyết kịp thời các công việc của công dân, doanh nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước. Đến nay đã có 44/45 cơ quan, đơn vị xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2008; cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được thực hiện ở 100% cơ quan hành chính các cấp với 171 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp... Đã có 807/999 cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong tỉnh thực hiện trả lương qua tài khoản (đạt 80,78%). Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh rà soát đối tượng, xây dựng kế hoạch, thực hiện nghiêm túc việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức tập trung ở các lĩnh vực, ngành nghề định kỳ phải chuyển đổi vị trí công tác theo quy định; thực hiện nghiêm việc kê khai, công khai, minh bạch tài sản, thu nhập theo quy định. Kết quả đã thực hiện chuyển đổi 242/345 cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng phải chuyển đổi, đạt 70,14% so với kế hoạch; 100% các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện kê khai, công khai tài sản, thu nhập.
Những kết quả đạt được
Trong năm, công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý sau thanh tra được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. UBKT các cấp đã tiến hành các cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, thực hiện giám sát chuyên đề. Qua kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên có vi phạm đều được tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc, những trường hợp vi phạm đến mức phải xử lý đều được xử lý kỷ luật. Các tổ chức thanh tra trong tỉnh đã thực hiện 90 cuộc thanh tra hành chính và 274 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm 18.879 triệu đồng, trong đó kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 15.668 triệu đồng; kiến nghị xử lý khác hơn 2.412 triệu đồng; tịch thu hàng hóa vi phạm với giá trị hơn 798 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 3.323 triệu đồng; yêu cầu kiểm điểm 64 tập thể và 144 cá nhân có tồn tại, khuyết điểm. Các tổ chức thanh tra trong tỉnh cũng tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện 32 kết luận thanh tra, đã thu hồi về ngân sách hơn 2.314 triệu đồng... Bên cạnh đó, việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng được thực hiện đúng pháp luật, kịp thời và nghiêm minh. Các cơ quan tố tụng trong tỉnh đã điều tra, truy tố, xét xử 3 vụ, 3 bị can liên quan đến tham nhũng, tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" theo Điều 280 Bộ Luật hình sự; số tiền, tài sản thiệt hại trong 3 vụ án tham nhũng là 299 triệu đồng đến nay đã thu hồi triệt để.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị đã hoàn thiện hệ thống định mức, tiêu chuẩn, chế độ làm cơ sở thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện công khai trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tiết kiệm chi tiêu cho ngân sách nhà nước. Cụ thể tiết kiệm 10% trong lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ dự toán ngân sách nhà nước được 69.551 triệu đồng của dự toán chi thường xuyên đầu năm 2018 đối với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh; trong sử dụng và thanh quyết toán ngân sách nhà nước tiết kiệm 4.789 triệu đồng. Thông qua mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung đối với 10 gói thầu đã tiết kiệm cho ngân sách nhà nước số tiền 827 triệu đồng. Trong đầu tư xây dựng chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành về đầu tư xây dựng cơ bản. Đặc biệt, quan tâm chỉ đạo các chủ đầu tư rà soát, cắt giảm, chỉ đầu tư những hạng mục cần thiết, cấp bách để đảm bảo hiệu quả đầu tư, qua đó tiết kiệm trong công tác thẩm định thiết kế kinh tế-kỹ thuật được 111.996 triệu đồng; tiết kiệm trong công tác thẩm định quyết toán đầu tư xây dựng cơ bản 7.271 triệu đồng; tiết kiệm trong định giá cho 91 dự án 38 triệu đồng...
Có thể khẳng định, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, song vẫn còn những tồn tại, hạn chế do đây là lĩnh vực khó khăn, phức tạp. Đó là một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự quan tâm tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, tổ chức trong lãnh đạo, chỉ đạo chưa chặt chẽ, thiếu kiểm tra, đôn đốc công tác phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, xử lý vi phạm còn hạn chế. Công tác phối hợp dự báo nắm tình hình, phát hiện các hành vi tham nhũng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; công tác kiểm tra nội bộ, tự phát hiện tham nhũng, lãng phí của các cơ quan, đơn vị còn hạn chế... Việc khắc phục những hạn chế nêu trên đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp trong thời gian tới phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp kiên quyết, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm.
Xuân Trường