Nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở, hàng năm Sở Tư pháp tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có công tác hòa giải ở cơ sở nhằm rà soát, củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh. Cơ quan Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật hai cấp đã chủ động phối hợp với ủy ban MTTQVN cùng cấp và các tổ chức thành viên rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Căn cứ khung chương trình đào tạo do Bộ Tư pháp ban hành, Sở Tư pháp đã rà soát, lựa chọn các nội dung và đăng tải trên trang Web của Sở để hướng dẫn nghiệp vụ về công tác hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên và công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã; ban hành văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở. Phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên sâu hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng về hòa giải ở cơ sở cho các hòa giải viên. Căn cứ hướng dẫn của tỉnh, các địa phương đã chủ động triển khai công tác hòa giải ở cơ sở, củng cố, kiện toàn tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên; nâng cao chất lượng hoạt động của tổ hòa giải theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở.
Đến nay, toàn tỉnh có 1.692 tổ hòa giải với 10.479 hòa giải viên. Trung bình mỗi tổ hòa giải có từ 5-7 thành viên, hầu hết là người có uy tín, người hiểu biết pháp luật tham gia. 6 tháng đầu năm 2018, các tổ hòa giải đã tiếp nhận 459 vụ việc, hòa giải thành 342 vụ việc (đạt 75%). Thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở đã giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ phát sinh trong cộng đồng dân cư, góp phần vào việc giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân, duy trì và phát huy những tình cảm, truyền thống, đạo lý tốt đẹp trong mỗi gia đình và cộng đồng, ngăn chặn và phòng ngừa kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Một số địa phương chưa nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở nên thiếu sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư kinh phí cho công tác này. Vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên trong công tác hòa giải có nơi chưa được quan tâm đúng mức. Một số tổ hòa giải hoạt động còn mang tính hình thức, chất lượng, hiệu quả chưa cao. Việc huy động nguồn lực cho công tác hòa giải ở cơ sở chưa được tiến hành đồng bộ và thống nhất. ở một số xã, phường, các hòa giải viên chưa thường xuyên được trang bị kiến thức pháp lý và kỹ năng nghiệp vụ cần thiết để thực hiện nhiệm vụ hòa giải. Tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải chưa đáp ứng yêu cầu thực tế việc hòa giải ở cơ sở, nên các hòa giải viên chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của mình để thực hiện công tác hòa giải. Việc biểu dương, khen thưởng các hòa giải viên có thành tích xuất sắc tại một số địa phương chưa được quan tâm kịp thời; công tác phối hợp với các cơ quan liên quan còn chưa chặt chẽ…
Để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần xác định đúng vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan tư pháp trong việc phối hợp với MTTQ và các tổ chức thành viên trong công tác hòa giải. Cùng với đó, tiếp tục củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng tổ hòa giải và hòa giải viên thông qua việc thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các hòa giải viên về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội và nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải cho các hòa giải viên. Làm tốt việc cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên cũng như đẩy mạnh công tác xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật tại xã, phường, thị trấn để có nguồn văn bản cho các hòa giải viên tham khảo. Kết hợp chặt chẽ công tác hòa giải ở cơ sở với cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phong trào xây dựng nông thôn mới và thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật ở các xã, phường, thị trấn.
Trần Mạnh Dũng