Tăng cường liên kết
Tại xã Yên Thái (huyện Yên Mô), không cần đốc thúc, hô hào nhưng năm nào vụ đông ở đây cũng được bà con tập trung làm rất bài bản. Nguyên nhân đơn giản vì xã và các HTX ở đây đã kéo được các công ty vào để đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Lợi ích kinh tế được đảm bảo nên hầu như 100% các hộ đều tham gia sản xuất vụ đông.
Đưa chúng tôi đi thăm những cánh đồng phủ màu xanh tươi của lạc, đậu tương, rau… ông Phạm Văn Thận, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Đông Thôn, xã Yên Thái cho biết: Xác định vụ đông là vụ sản xuất chính nên ngay từ đầu năm chúng tôi đã xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu cho từng đội, bố trí cơ cấu giống, quy vùng sản xuất tập trung. HTX luôn chú trọng việc đa dạng hóa cây trồng, ưu tiên những cây có giá trị kinh tế cao, sử dụng giống mới, đưa cơ giới hóa đồng ruộng...
Đặc biệt, quan tâm đến đầu ra và giá thành sản phẩm vì chỉ khi có thu nhập cao nông dân mới yên tâm gắn bó với đồng ruộng. Hiện nay, sản phẩm lạc đông giống... HTX đã ký hợp đồng thu mua sản phẩm với các doanh nghiệp để bảo đảm lợi ích bền vững cho người nông dân.
Năm 2015, Ninh Bình gieo trồng được trên 10.100 ha cây vụ đông, giảm hơn 1.500 ha so với vụ đông năm 2014. Tuy nhiên giá trị sản xuất vụ đông năm 2015 lại đạt tới 668 tỷ đồng, cao hơn vụ đông năm 2014 là 19 tỷ đồng. Giá trị sản xuất bình quân đạt 67,3 triệu đồng/ha cao hơn vụ đông năm 2014 gần 11 triệu đồng.
Các địa phương như Yên Khánh, Yên Mô, Nho Quan… đã tích cực liên hệ, tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp vào đầu tư liên kết và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Nhiều mô hình cây trồng đạt giá trị thu nhập cao như: cây ớt 193 triệu đồng, bí xanh 109 triệu đồng, khoai sọ 102 triệu đồng, trạch tả 80 triệu đồng, khoai tây 76 triệu đồng…
Trên cơ sở kết quả đó, trong vụ đông 2016 này, ngành nông nghiệp cũng như các địa phương xác định việc nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất là điều kiện quan trọng để hoàn thành mục tiêu sản xuất cả về diện tích, sản lượng và giá trị. Nên tập trung thâm canh các cây trồng dễ bảo quản, có đầu ra để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Theo thông tin mới nhất thì hiện tại đã có một số doanh nghiệp như Công ty CP TPXK Đồng Giao, Viện Đậu đỗ, công ty á Châu… ký hợp đồng với bà con ở các địa phương liên kết sản xuất ngô ngọt, rau bó xôi, lạc giống, khoai tây, hành lá… với diện tích lên tới hàng trăm ha.
Đảm bảo khung thời vụ
Theo nhận định chung, sản xuất vụ đông năm 2016 trong điều kiện được dự báo thời tiết diễn biến còn phức tạp, khó lường. Do ảnh hưởng hiện tượng La - Nina, lượng mưa sẽ cao hơn và nhiệt độ sẽ thấp hơn so với trung bình nhiều năm.
Bên cạnh đó, vụ đông xuân năm nay bị kéo dài do ảnh hưởng của rét đậm cuối vụ, vụ mùa gieo cấy muộn lại chịu tác động của cơn bão số 1 nên việc thu hoạch sẽ chậm hơn so với mọi năm từ 7-10 ngày. Đây là một điều bất lợi cho sản xuất vụ đông, việc đảm bảo khung lịch thời vụ sẽ rất khó khăn, đặc biệt là đối với nhóm cây ưa ấm.
Ông Lã Quốc Tuấn, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt &BVTV cho biết: Đối với nhóm cây ưa ấm như đậu tương, lạc, ngô, bí xanh, ớt… cần lựa chọn giống có thời gian sinh trưởng ngắn.
Các loại cây có điệu kiện bô (bí xanh, ớt, ngô) cần làm bô to, bô sớm trước khi có đất trồng từ 7-10 ngày để tranh thủ thời vụ. Tuyệt đối không trồng kéo dài, trồng sau 5/10 đối với nhóm cây này để tránh rủi ro.
Các giống ngô rau, ngô ngọt có ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cần căn cứ vào thời điểm thu mua và thời gian sinh trưởng của từng giống để bố trí thời vụ gieo trồng phù hợp. Nhóm cây ưa lạnh thời vụ gieo trồng tập trung từ 10/10 đến 20/11, riêng cây khoai tây tập trung trồng từ 15/10 đến 15/11.
Rau đậu các loại, tận dụng điều kiện đất đai, nhân lực để mở rộng diện tích; bố trí gieo trồng rải vụ, đa dạng về chủng loại để đảm bảo nguồn cung cho thị trường tránh hiện tượng khủng hoảng thừa lúc chính vụ, giá thấp ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.
Bên cạnh đó, các địa phương cần lưu ý đến khâu làm đất. Tập trung làm đất đảm bảo kỹ thuật, tăng cường áp dụng cơ giới hóa để tranh thủ thời vụ và mở rộng diện tích sản xuất. Đối với những diện tích sản xuất trên đất 2 lúa tiêu thoát nước chủ động có thể áp dụng các biện pháp làm đất tối thiểu để đảm bảo thời vụ, giảm công lao động.
Theo kế hoạch, vụ đông này toàn tỉnh gieo trồng 10.000 ha, tập trung ở các huyện Nho Quan (hơn 2.000 ha), Gia Viễn (1.200 ha), Yên Khánh (2.500 ha), Yên Mô (1.800 ha). Các cây trồng chủ lực là ngô, khoai lang, khoai tây, bí xanh.
Đến thời điểm này, các địa phương đã gieo trồng được trên 1.000 ha cây trồng vụ đông các loại, chủ yếu là các cây ưa ấm như bí xanh, ngô, ớt, lạc, cải sớm. Hiện các đơn vị đang tập trung chỉ đạo thu hoạch nhanh gọn lúa và cây màu vụ mùa, giải phóng đất để triển khai sản xuất kịp thời vụ.
Song song với đó, tăng cường công tác tập huấn về sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả trên cây rau, chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm, huấn luyện nông dân sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP. Thường xuyên cập nhật thông tin, dự tính, dự báo diễn biến của thời tiết, sâu bệnh… đến người dân để bà con có những biện pháp ứng phó kịp thời, phấn đấu giành thắng lợi sản xuất vụ đông 2016.
Hà Phương