TIỀM NĂNG CÒN BỎ NGỎ
Tâm lý ăn xổi
Vừa thu hoạch xong 4 ha keo sau chu kỳ 4 năm trồng, ông Quách Văn Đạt (trú tại thôn Đức Thành, xã Xích Thổ, huyện Nho Quan) nhẩm tính, tổng doanh thu được khoảng 320 triệu đồng, sau khi trừ chi phí cây giống, phân bón, công lao động, còn lãi khoảng 260 triệu đồng, tương đương với con số hơn 16 triệu đồng tiền lãi/1ha/1 năm.
Theo ông Đạt, lâu nay nông dân làm rừng trong vùng chỉ trồng keo bán gỗ nhỏ cho các nhà máy chế biến dăm gỗ, ngoài ra không trồng cây gỗ gì khác và cũng chỉ bán gỗ nhỏ chứ không để gỗ lớn bao giờ. "Biết để thêm 4-5 năm nữa, khi đủ kích thước làm gỗ xẻ, giá trị sẽ cao hơn nhiều, nhưng tôi buộc phải bán để trang trải cuộc sống hàng ngày" - ông Đạt nói.
Xích Thổ - một trong những địa phương có diện tích đất rừng lớn nhất của huyện Nho Quan với trên 400 ha rừng khoanh nuôi núi đá, gần 200 ha rừng sản xuất và khoảng 12 ha rừng phòng hộ. Toàn xã có hơn 260 hộ tham gia trồng rừng.
Sau nhiều năm triển khai thực hiện các chính sách khuyến lâm, giao đất, giao rừng trên địa bàn, hiệu quả kinh tế lâm nghiệp đã được khẳng định, đời sống người dân và bộ mặt nông thôn ở Xích Thổ đã có nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế lâm nghiệp vẫn đang là vấn đề khiến chính quyền xã băn khoăn.
Ông Bùi Tuấn Vương, Chủ tịch UBND xã Xích Thổ chia sẻ: Keo là cây lâm nghiệp chính trên địa bàn xã và tâm lý "ăn xổi" - bán keo non là cách làm phổ biến của nông dân hiện nay. Bà con "thủy chung" với tập quán canh tác truyền thống, trồng rừng với mật độ rất dày 4.000 - 5.000 cây/ha.
Ngoài ra, vì chưa có giống cây trồng mới năng suất cao nên người dân sử dụng giống cũ với đặc điểm tăng trưởng về chiều cao, nhưng không phát triển về đường kính nên để lâu sẽ dễ bị ngã đổ khi có gió bão. Đa phần bà con chưa hiểu được giá trị của việc trồng cây gỗ lớn cũng như chưa kết hợp phát triển được các lâm sản ngoài gỗ như trồng cây dược liệu, nuôi ong, các loại cây con khác dưới tán rừng… Do đó, hiệu quả sử dụng đất đai thấp, thu nhập của người trồng rừng vì thế cũng không cao.
Không chỉ là câu chuyện ở Xích Thổ, mà tại hầu hết các địa phương có rừng khác trên địa bàn tỉnh, rất dễ bắt gặp hình ảnh rừng trồng cây keo, bạch đàn bị khai thác khi còn non, chưa đủ tuổi để khai thác. Chứng kiến những hình ảnh đó nhiều người am hiểu về lâm nghiệp cho rằng khai thác gỗ như vậy là quá sớm, khối lượng gỗ cũng như chất lượng kém hơn so với gỗ ở rừng trồng đủ độ tuổi, đủ kích thước mới khai thác. Tuy nhiên, theo người dân trồng rừng thì có người mua hoặc gia đình cần tiền là bán chứ không quan tâm đến khối lượng và chất lượng.
Nhiều rào cản
Ninh Bình có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng sản xuất (hay còn gọi là rừng kinh tế) là 3.669 ha. Trong đó diện tích đất đã có rừng là 2.558 ha. Sản lượng gỗ khai thác bình quân năm là khoảng 35.000 m3. Tuy sản lượng, năng suất rừng hiện nay đã tăng so với giai đoạn trước nhưng giá trị kinh tế mà rừng mang lại vẫn còn thấp. Thực tế, nhiều nơi, rừng sản xuất chưa thực sự đem lại hiệu quả kinh tế tương xứng để có thể giảm cách biệt thu nhập so với các cây trồng và ngành nghề khác. Người dân có rừng nhưng đời sống vẫn chưa thực sự khấm khá nhờ rừng.
Ông Nguyễn Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp &PTNT) cho biết: Chu kỳ khai thác rừng trồng ở Ninh Bình vào khoảng 6 năm, bình quân mỗi năm người trồng rừng thu lãi từ 12-17 triệu đồng/1ha. Lý giải về con số thu nhập khiêm tốn này, ông Nguyễn Văn Dương cho rằng: Việc phát triển rừng sản xuất ở tỉnh ta hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất, đất đai và điều kiện sản xuất chưa thực sự phù hợp.
Cụ thể, quỹ đất quy hoạch để trồng rừng sản xuất còn hạn chế, không tập trung, nhỏ lẻ. Bình quân đất rừng/hộ chỉ khoảng trên 3 ha/hộ khiến người trồng rừng phải lấy ngắn nuôi dài, chu kỳ rừng 4 - 5 năm đã phải khai thác. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng lâm nghiệp phục vụ cho các vùng thâm canh trồng rừng còn thiếu, nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực lâm nghiệp hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.
Mặt khác, phần lớn nông dân sống trong khu vực nông thôn, miền núi nơi có nhiều rừng, đất rừng lại thiếu vốn, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, trình độ lao động chủ yếu là giản đơn. Việc áp dụng các giống mới, các biện pháp thâm canh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng chưa được quan tâm đúng mức, chủ yếu mới chỉ dựa vào khai thác độ phì tự nhiên của đất.
Ngoài ra còn phải kể đến các rào cản khác như: cơ cấu cây trồng rừng còn đơn điệu, việc trồng các loài cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao chưa được quan tâm; lĩnh vực chế biến lâm sản chưa thực sự phát triển, kỹ thuật công nghệ còn lạc hậu, sản xuất nhỏ lẻ và hiệu quả thấp…
TRỒNG RỪNG GỖ LỚN: KHÔNG THỂ CHẬM CHỄ
Những nơi tập trung nhiều rừng là các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa và người trồng rừng lại chính là bà con dân tộc thiểu số, vùng đồng bào còn nhiều khó khăn. Do vậy, quan tâm đầu tư để nâng cao giá trị kinh tế rừng, giúp người dân khấm khá từ rừng, qua đó giảm cách biệt thu nhập vùng miền là việc cấp thiết. Và theo các chuyên gia thì khuyến khích người dân phát triển trồng rừng gỗ lớn chính là chìa khóa để giải quyết vấn đề này.
Dưới tán cây rừng, nhiều hộ gia đình ở xã Xích Thổ (Nho Quan) đã tận dụng nuôi ong lấy mật, tạo thêm thu nhập cho gia đình. Ảnh: Minh Đường
Nhiều lợi ích
Theo phân tích của các chuyên gia lâm nghiệp, so với trồng rừng gỗ nhỏ, lợi nhuận từ rừng gỗ lớn cao hơn nhiều lần tùy theo tuổi khai thác và đường kính cây. Chỉ tính riêng đối với loại cây trồng phổ biến là cây keo, đến năm thứ 6 vẫn còn là rừng trồng gỗ nhỏ nên chỉ có thể bán làm dăm gỗ, gỗ mỏ, giá trị đạt khoảng 80 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân từ 12 - 15 triệu đồng/ha/năm.
Thế nhưng, khi trở thành rừng trồng gỗ lớn, tức là cây sau 10 - 14 năm trồng mới tiến hành khai thác, sản lượng đạt từ 200 - 250m3/ha và hầu hết các cây đã đạt đường kính trên 18cm, chiếm 50% trữ lượng khoảng 100 - 120m3/ha. Lúc đó, rừng sẽ được bán theo giá gỗ xẻ, gỗ chế biến với giá trị từ 1,8 - 2 triệu đồng/m3, tức là khoảng 250 - 300 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân từ 22 - 25 triệu đồng/ ha/năm, cao gấp hơn 1,5 lần giá trị rừng gỗ nhỏ và cao hơn giá trị kinh tế đối với rừng trồng gỗ lớn khác như thông, quế, sa mộc, lim xanh…
Điều này không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao cho người trồng rừng mà còn mang đến nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ cho chế biến, xuất khẩu. Việt Nam hiện đứng top 5 thế giới về xuất khẩu gỗ với kim ngạch xuất khẩu khoảng 9,4 tỷ USD và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo.
Đặc biệt, năm 2018 vừa qua, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã ký Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT). Nội dung quan trọng của Hiệp định là tăng cường quản trị rừng, giải quyết tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp và thúc đẩy thương mại gỗ và các sản phẩm gỗ hợp pháp của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU và các thị trường khác.
Chính bởi vậy, xây dựng vùng nguyên liệu gỗ lớn tập trung từng bước hạn chế khai thác rừng non, chuyển hóa rừng trồng cung cấp gỗ nhỏ thành cung cấp rừng gỗ lớn là một đòi hỏi tất yếu, tạo thế cạnh tranh của gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, trồng rừng gỗ lớn còn góp phần quan trọng để tăng khả năng giữ nước, giảm xói mòn, rửa trôi đất, rừng có khả năng sinh thủy đảm bảo mực nước an toàn cho các hồ, đập và góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái và chống biến đổi khí hậu.
Cần những cú hích từ chính sách
Theo lãnh đạo một số xã miền núi có tỷ trọng đất lâm nghiệp lớn thì việc vận động, khuyến khích người dân bắt đầu chuyển sang trồng rừng gỗ lớn sẽ rất khó nếu Nhà nước không có những cơ chế hỗ trợ cụ thể. Ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương nêu quan điểm: Những năm qua, Nhà nước đã ban hành một số chính sách hỗ trợ cá nhân, tổ chức phát triển rừng sản xuất.
Tuy nhiên, thực tế các cơ chế, chính sách hiện hành chưa thực sự tạo động lực để phát triển rừng gỗ lớn; đáng chú ý là mức hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn quá thấp nên người dân không mặn mà. Thời gian tới, để đạt được mục tiêu phát triển rừng gỗ lớn, việc hỗ trợ vốn vay cho người trồng rừng, cũng như đưa giống mới, có năng suất cao vào trồng rừng, áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu làm đất, xác định mật độ trồng, bón phân, chăm sóc rừng để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả rừng trồng cho người dân cần được tiến hành đồng bộ.
Còn ông Bùi Tuấn Vương, Chủ tịch UBND xã Xích Thổ chia sẻ: Giống nào cho chất lượng tốt, lấy ở đâu, giá cả thế nào… vẫn luôn là vấn đề đặt ra với kinh tế rừng ở Xích Thổ. Nếu từ bây giờ cơ quan quản lý, doanh nghiệp không giúp nông dân có được nguồn giống chất lượng năng suất cao hơn, thì việc trồng rừng gỗ lớn sẽ không hiệu quả.
Ngoài ra, để tăng thu nhập từ rừng sản xuất, ngành chuyên môn cần nghiên cứu đưa vào những loài cây có giá trị kinh tế cao hoặc có thể kết hợp canh tác dưới tán rừng hay những loại cây ngắn ngày trồng xen trong giai đoạn vườn rừng chưa khép tán như các loại cây dược liệu (lâm sản ngoài gỗ)…
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp &PTNT cho biết: Thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, Ninh Bình đã triển khai rà soát lại quy hoạch phát triển rừng, đề cao mục tiêu tăng tỷ trọng rừng sản xuất, giảm tỷ trọng rừng phòng hộ.
Tăng cường các biện pháp quản lý rừng bền vững, nâng cao chất lượng rừng. Bảo tồn và nhân giống một số loài cây lâm nghiệp bản địa có giá trị kinh tế cao như: trám Kỳ Lão, dẻ… Tuy nhiên, để tạo được chuyển biến rõ nét trong phát triển kinh tế rừng, Trung ương cũng như tỉnh cần tăng cường chính sách về vốn cho ngành.
Đặc biệt, có chế độ tín dụng ưu đãi cho người dân phát triển rừng gỗ lớn, khuyến khích bà con tập trung tích tụ đất đai nhằm tạo ra các vùng trồng rừng sản xuất tập trung. Về phía ngành chuyên môn, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu đưa ra các giải pháp kỹ thuật để cải thiện giống cây trồng và thâm canh rừng. Bên cạnh đó phát triển các mô hình nông lâm kết hợp trên đất lâm nghiệp.
Hà Phương